Tại lễ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống cũng như điểm lại một số thành tựu của tỉnh thời gian qua.
Tại lễ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống cũng như điểm lại một số thành tựu của tỉnh thời gian qua. Báo Đồng Nai trân trọng trích đăng một số nội dung quan trọng trong bài diễn văn này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Huy Anh |
* Truyền thống kiên cường
…Với lịch sử 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã đón nhận các cộng đồng dân tộc cả nước về định cư sinh sống, lao động, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong hành trang đi mở cõi, đã tạo lập nên những giá trị truyền thống về tinh thần hiếu học, tinh thần bất khuất, bản lĩnh, tự lực tự cường, cần cù, thông minh, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo với khát vọng cháy bỏng vươn lên để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cùng với đó là những phong tục tập quán truyền thống, những tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, tạo nên sự giao tiếp về văn hóa, góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
320 năm so với lịch sử một dân tộc không phải là dài, nhưng thắm đượm bao mồ hôi và cả xương máu của biết bao thế hệ. Vì vậy, thế hệ mai sau phải luôn nhớ về cội nguồn đồng thời phải biết trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của một vùng đất được mệnh danh là “Hào khí Đồng Nai”, của những con người “miền Đông gian lao mà anh dũng”. |
Những dấu ấn của sự đa dạng đó đã được thể hiện ở nhiều di chỉ khảo cổ từ trong lòng đất được khai quật, được thể hiện ở các thiết chế văn hóa đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Những nhân vật lịch sử đã gắn bó, góp phần làm rạng ngời vùng đất Trấn Biên như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Đào Trí Phú, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Đức Ứng, Trương Công Định, Đoàn Văn Cự… và biết bao anh hùng nghĩa sĩ khác mãi mãi trường tồn với dân tộc và nhân dân vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Với lịch sử 320 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc ở Biên Hòa - Đồng Nai có truyền thống yêu nước và đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, đặc biệt từ khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, quân dân Biên Hòa - Đồng Nai đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Biên Hòa - Đồng Nai luôn là chiến trường rất ác liệt, nơi tập trung nhiều cơ quan chỉ huy của địch ở miền Đông Nam bộ và nhiều căn cứ, trung tâm huấn luyện lớn như Sân bay quân sự Biên Hòa, kho bom đạn Thành Tuy Hạ, Tổng kho liên hợp Long Bình - kho hậu cần lớn nhất của Mỹ ở miền Nam lúc bấy giờ. Đây cũng là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh quân đoàn III ngụy, Bộ Tư lệnh dã chiến II của Mỹ, Nha cảnh sát miền Đông, căn cứ Sư đoàn 101, Lữ đoàn 173, Sư đoàn 18, Sư đoàn 25 của Mỹ… cùng với một lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát, tề gian ác ôn dày đặc để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng của nhân dân ta.
Đối với cách mạng, Biên Hòa - Đồng Nai có vị trí quan trọng, là cửa ngõ phía đông Bắc Sài Gòn, nổi tiếng với Chiến khu Đ, Chiến khu Rừng Sác anh hùng và hệ thống căn cứ du kích liên hoàn, tạo ra địa bàn đứng chân cho các lực lượng vũ trang chủ lực, địa phương, đặc công, biệt động tiến công vào các cơ quan đầu não của địch.
Với tinh thần yêu nước, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai đã diễn ra liên tục, rộng khắp trên nhiều địa bàn, quy tụ các tầng lớp nhân dân, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, giới tính đã lập nên biết bao chiến công oanh liệt, để lại biết bao sự kiện lịch sử cách mạng mang dấu ấn vang dội trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta như: trận phục kích trên tuyến giao thông cầu La Ngà, trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, trận đầu diệt Mỹ ở Nhà Xanh, chiến thắng Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu. Đặc biệt là chiến thắng Xuân Lộc mùa xuân 1975 đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn ở phía đông, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc.
Với những cống hiến đó, năm 2000 Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Gắn liền với những chiến công vang dội, các sự kiện lịch sử cách mạng là những địa danh, những di tích lịch sử cách mạng mang “hồn lịch sử” không thể phai mờ trong ký ức của người dân Biên Hòa - Đồng Nai, đó là những Phú Riềng đỏ, Bình Phước - Tân Triều, Chiến khu Đ, Khu ủy miền Đông, Chiến khu Rừng Sác, La Ngà, Mã Đà, Suối Linh, địa đạo Phước An, Lòng Chảo, Lòng Tàu… góp phần hình thành nên “Hào khí Đồng Nai” của một “miền Đông gian lao mà anh dũng”, tô điểm thêm truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
* Những thành tựu rất đáng tự hào
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản, vào tinh thần cách mạng của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn, đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, đưa tỉnh Đồng Nai có bước phát triển vượt bậc.
Liên tục trong hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai khá cao và ổn định, bình quân giai đoạn 2006-2015 là 13,2%. Riêng trong năm 2018 mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, đạt 8%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động với gần 1 triệu lao động đang làm việc; thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2018 đạt 1,85 tỷ USD, lũy kế đến nay đạt gần 35 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng theo hướng công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp, đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao so với bình quân chung của cả nước; ngày càng thực sự trở thành một địa bàn động lực, có vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn dưới 1% theo chuẩn nghèo của tỉnh, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 ngàn USD. Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 8/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 72%), 2 đơn vị cấp huyện đang hoàn thành các thủ tục đề nghị Trung ương công nhận.
Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ |
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, đối ngoại được mở rộng (đã thiết lập hợp tác song phương với 17 đối tác thuộc 9 quốc gia: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ukraine, Pháp, Hoa Kỳ). Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới và tiến bộ; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố vững chắc.
Mục tiêu và nhiệm vụ lớn lao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai hiện nay là phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, quyết tâm nắm vững thời cơ, ra sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động cao độ tiềm năng vật chất - tinh thần - văn hóa - trí tuệ và “Hào khí Đồng Nai” của con người “miền Đông gian lao mà anh dũng” trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh; là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng hơn nữa cùng với quân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai rất tự hào về thành quả đạt được và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, sớm đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành “đi trước, về trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết tâm giữ vững, phát huy thành quả và truyền thống cách mạng, nguyện tiếp tục ra sức xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, cùng với cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. |
Nguyễn Phú Cường
(*) Tít, tựa bài do Báo Đồng Nai đặt