Báo Đồng Nai điện tử
En

Vất vả nghề cứu nạn, cứu hộ

10:11, 09/11/2018

Mang trên người những thiết bị, trang phục bảo hộ đặc biệt có tổng khối lượng gần 20kg, những lính cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phải nhanh chóng vượt qua các chướng ngại nguy hiểm với áp lực lớn về thời gian để cứu người thoát khỏi nguy hiểm.

Mang trên người những thiết bị, trang phục bảo hộ đặc biệt có tổng khối lượng gần 20kg, những lính cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phải nhanh chóng vượt qua các chướng ngại nguy hiểm với áp lực lớn về thời gian để cứu người thoát khỏi nguy hiểm.

Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập luyện dưới nước.
Các chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tập luyện dưới nước.

Dù đã hơn 5 năm nhưng Trung úy Trần Đức Lợi, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) vẫn nhớ như in khoảnh khắc anh cùng đồng đội kịp thời cứu được 2 cụ già thoát khỏi đám cháy xảy ra ngày 29-9-2013 tại Doanh nghiệp tư nhân gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thịnh (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

* Cứu người trong nguy khó

Trung úy Lợi kể lại, do cơ sở kinh doanh gỗ có nhiều nguyên liệu dễ cháy nên lửa bén lan rất nhanh. Khi vừa đến nơi, người dân tại hiện trường thông báo bên trong cơ sở còn 2 cụ già chưa thoát ra kịp. Ngay lập tức, các chiến sĩ chia thành 2 tổ, một tổ leo lên mái nhà, gỡ bỏ mái tôn để cho khói thoát ra ngoài, tổ còn lại dùng búa tạ đập bể bức tường phía sau nhà. Dưới sức nóng và áp lực thời gian cứu người, Trung úy Lợi và đồng đội dồn hết sức lực phá bức tường trong tích tắc.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an nhấn mạnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ cần phải nỗ lực rèn luyện để đáp ứng mọi tình huống cứu nạn, cứu hộ xảy ra. Đặc biệt, các bài huấn luyện phải sát thực tế, nâng cao được kỹ thuật, chiến thuật giúp cán bộ, chiến sĩ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sau khi bức tường bị đập bể, Trung úy Lợi nhanh chóng vào tìm kiếm, tiếp cận các nạn nhân thì thấy cụ ông đã bất tỉnh nằm dưới đất nên liền đưa ra ngoài sơ cứu trước. Sau đó, anh cùng đồng đội tiếp tục vào đưa cụ bà ra ngoài an toàn. “Khi quay vào tìm kiếm cụ bà, bất ngờ một thanh gỗ đang cháy rực rớt xuống gần chỗ tôi đứng, theo kỹ năng được rèn luyện tôi đã tránh kịp, nếu không sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng” - Trung úy Lợi bộc bạch.

Trung úy Huỳnh Tuấn Linh (cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa), suốt 9 năm công tác trong lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đã nhiều lần không nề hà khó khăn cùng đồng đội tìm kiếm, đưa người ra khỏi đám cháy hoặc mắc kẹt trên nhà cao tầng xuống đất an toàn. Với anh Linh, mỗi vụ cháy đều để lại những bài học kinh nghiệm mà mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự rút ra để xử lý tốt hơn cho những đợt cứu nạn, cứu hộ lần sau.

Trung úy Linh tâm sự: “Những lúc tham gia cứu người, chúng tôi không hề sợ nguy hiểm, chỉ nghĩ bằng mọi giá phải cứu người đang gặp nạn, đưa được nạn nhân thoát ra an toàn là chúng tôi mừng rồi”.

Để làm được điều đó, các chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ phải trải qua quá trình tập luyện khá vất vả. Bất kể nắng hay mưa, họ đều tập luyện đều đặn hằng ngày, luôn sẵn sàng đáp ứng trước mọi tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra.

* Hăng say tập luyện

Thời tiết buổi trưa những ngày đầu tháng 11 khá khó chịu vì nắng nóng, các chiến sĩ thuộc Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa vẫn hăng say luyện tập tại Trung tâm huấn luyện Công an tỉnh. Việc tập luyện với các mô hình cũng vất vả không kém gì ra hiện trường vì lính cứu hộ phải mặc trang phục, đeo các thiết bị và thực hiện các thao tác như thật.

 Bài tập của các chiến sĩ đang thực hiện là cứu một nạn nhân mắc kẹt dưới hố sâu. Ngay lập tức, các chiến sĩ chia ra các vị trí để triển khai cứu hộ. 5 chiến sĩ đứng trên miệng hố thiết lập bộ giá bằng kim loại có ròng rọc, móc và các dây chuyên dụng để đưa một chiến sĩ  xuống hố sâu tìm kiếm. Sau khi tìm thấy nạn nhân, một chiến sĩ khác được đưa xuống hỗ trợ chiến sĩ đầu tiên chuyển nạn nhân vào đai để những người phía trên kéo lên.

Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết các mô hình để tập luyện tại Trung tâm huấn luyện được xây dựng phù hợp và sát với thực tế khi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt mô hình cứu nạn, cứu hộ dưới sâu dù mới được xây dựng và đưa vào sử dụng vài tháng nay nhưng đã đáp ứng tốt những yêu cầu huấn luyện. Đây là mô hình được học hỏi từ lực lượng cứu nạn, cứu hộ ở một số nước và khi xây dựng thì tăng độ khó cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hội thi, hội thao PCCC và cứu hộ, cứu nạn do Bộ Công an, Công an tỉnh tổ chức hằng năm cũng góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng và kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử lý mọi tình huống cứu hộ, cứu nạn trên các lĩnh vực: giao thông, nhà cao tầng, dưới hố sâu, dưới nước...

Trung úy Lê Minh Tuyên, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa, người có 7 năm công tác trong lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho hay, ngoài việc luyện tập thường xuyên, bản thân người làm công tác cứu nạn, cứu hộ phải có bản lĩnh vững vàng, ý chí không ngại khó, ngại khổ, phản ứng nhanh nhạy khi phải đối diện trực tiếp với những tình huống khó khăn, nguy hiểm, làm sao vừa cứu được người vừa bảo vệ an toàn cho bản thân.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều