Báo Đồng Nai điện tử
En

Tại sao Marx đúng?

08:05, 10/05/2018

Dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Karl Marx, trên mạng xã hội lại xuất hiện những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Marx, cho rằng hệ thống lý luận của Karl Marx đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp đối với xã hội hiện nay, từ đó phủ nhận hệ thống chế độ chủ nghĩa xã hội và đưa ra nhận định rằng chủ nghĩa xã hội sẽ sớm "diệt vong" mà bằng chứng là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Karl Marx, trên mạng xã hội lại xuất hiện những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Marx, cho rằng hệ thống lý luận của Karl Marx đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp đối với xã hội hiện nay, từ đó phủ nhận hệ thống chế độ chủ nghĩa xã hội và đưa ra nhận định rằng chủ nghĩa xã hội sẽ sớm “diệt vong” mà bằng chứng là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Karl Marx và con gái là Jenny Marx.
Karl Marx và con gái là Jenny Marx.

Những kẻ “cưỡng từ đoạt lý” ấy cho rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm Marx nghiên cứu là giữa thế kỷ 19, có sự tiến bộ “nhân văn” hơn, quan tâm đến đời sống, phúc lợi của công nhân lao động cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, và quan trọng là không còn bóc lột. Vì vậy, sự phê phán của Marx về giai cấp tư bản là không còn phù hợp.

* Bản chất chủ nghĩa tư bản là bóc lột

Theo GS.Terry Eagleton (Trường đại học tổng hợp vương quốc Anh), tác giả quyển Tại sao Marx đúng? (Why Marx was right?), những kẻ phê phán tư tưởng của Marx đã cố tình phớt lờ điều cốt lõi mà Marx luôn ý thức và đã chỉ ra, đó là hệ thống chủ nghĩa tư bản luôn có sự vận động không ngừng theo quy luật.

Marx là người đầu tiên nhận biết chủ nghĩa tư bản, chứng minh được quá trình xuất hiện cũng như quy luật hoạt động. Trong tác phẩm Tư bản, ông đã hệ thống và đưa ra khái niệm về các hình thái lịch sử song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của tư bản như: tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính, tư bản đế quốc… Thậm chí, Marx còn dự báo trước về hiện tượng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cần nhận định rõ Marx không chống lại nhà tư bản, mà chống lại chủ nghĩa tư bản bởi trong chế độ tư bản mọi người buộc phải chạy theo lợi thế, lợi ích cho bản thân, giống như một bộ phận trong một guồng máy nếu không vận hành sẽ bị đào thải.

Trên thực tế, những “tiến bộ” của chủ nghĩa tư bản hiện nay mà những luận điệu ngụy biện đã đưa ra, nào là quan tâm hơn đến đời sống công nhân, nào là trách nhiệm xã hội, chia sẻ với cộng đồng… chỉ là sự thay đổi bề ngoài trước sức mạnh của các phong trào đấu tranh trong lịch sử, còn bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn là bóc lột bởi việc tích lũy tư bản vẫn dựa trên giá trị thặng dư do người lao động làm ra. Thậm chí trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng cực đoan và tàn nhẫn hơn. Tư bản ngày nay tập trung trong tay một số ít người, ngày càng mang tính thâu tóm qua những thương vụ mua bán, sáp nhập mang tầm cỡ quốc tế, nói một cách nôm na là “người giàu càng giàu hơn”. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp ở các nước phát triển chuyển nhà máy sản xuất sang các nước, khu vực có nguồn nhân công rẻ, và ở đó các ông chủ vẫn tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận, sẵn sàng trốn thuế - thực tế là trốn tránh nghĩa vụ với cộng đồng, xã hội bằng mọi hình thức như: chuyển giá, chuyển đóng thuế ở quốc gia có mức thu thuế thấp hơn…

Các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách trả lương cho công nhân với giá rẻ mạt. Trong khi những ông chủ ngày càng giàu lên, có cuộc sống xa hoa thì hàng triệu triệu công nhân vẫn lãnh đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu, sống trong những nhà trọ ẩm thấp, trong các khu “ổ chuột”, đối diện nguy cơ bị đào thải khi đã lớn tuổi và năng suất lao động thấp. Không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa tư bản đã đem lại thành tựu về vật chất rất lớn, nhưng từ đó bất bình đẳng về thu nhập, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội cũng ngày càng tăng lên, hưởng thụ phần lớn những thành tựu về vật chất rốt cuộc vẫn là giới tư bản. Sắp tới với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động còn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bởi sự tự động hóa, ngày càng rơi vào nhóm thế yếu trong xã hội.

Với bản chất đó, sự phê phán của Marx đối với hệ thống chủ nghĩa tư bản đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Marx là sự phê phán chủ nghĩa tư bản một cách sâu sắc và toàn diện nhất từ trước đến nay, và khi nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Marx cũng sẽ tồn tại.

* Quan điểm đúng đắn về xây dựng chủ nghĩa xã hội

Marx cũng nêu quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên thành tựu cơ sở vật chất nhất định, bởi xây dựng một xã hội với những mục tiêu tốt đẹp trên nền tảng xuất phát điểm thấp là nhiệm vụ vô cùng vất vả và khó khăn. Bên cạnh đó, phong trào chủ nghĩa xã hội phải mang tính quốc tế, không thể giới hạn trong phạm vị một vài quốc gia. Trong thực tế, một quốc gia theo xã hội chủ nghĩa không được sự ủng hộ của quốc tế trong bối cảnh sản xuất toàn cầu đã được chuyên môn hóa và có sự “phân công” giữa các quốc gia khác nhau, thì không thể thu hút được nguồn tài nguyên cần thiết trên toàn thế giới để phát triển kinh tế. Lượng của cải sản xuất trong một quốc gia theo kiểu “tự cấp tự túc” là không đủ, việc áp dụng, thụ hưởng thành tựu khoa học - kỹ thuật sẽ bị hạn chế. Trường hợp các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Cu Ba trước đây và hiện nay là Triều Tiên gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước do bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận là một ví dụ.

Khi phần thặng dư vật chất quá ít, thậm chí thiếu thốn, không thể đáp ứng nhu cầu của mọi người thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chủ nghĩa xã hội thất bại tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Nhưng không thể phủ nhận, trong 72 năm tồn tại Nhà nước Liên Xô đã đạt được những thành tựu ấn tượng, xây dựng một hệ thống về nhà ở, nhiên liệu, giao thông, y tế, giáo dục cùng những dịch vụ xã hội “trong mơ” cho người dân. Điều này cũng khẳng định quan điểm của Marx là trong sự cải biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái khác cần tôn trọng quy luật vận động phát triển khách quan, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn, không thể hấp tấp, chủ quan nóng vội. Và Marx cũng nhắc đến yếu tố con người trong cuộc đấu tranh giai cấp ấy: “Bởi vì con người làm nên lịch sử chứ không phải đường vòng nào khác. Lịch sử sẽ không làm gì cả, nó không thúc đẩy cuộc đấu tranh nào và tư bản sẽ cố kháng cự sự sụp đổ của chính nó”.

Nhiều người học về triết học Marx - Lenin ngày nay, trong đó có không ít công chức, đảng viên hiện vẫn khá mơ hồ về nhận định “chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”, và thường đùa rằng “giãy hoài không chết”.

Trong thực tế, chủ nghĩa tư bản không chỉ là bóc lột, đẩy tăng khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng trong xã hội, chênh lệch tài sản giữa các thành phần xã hội ngày càng lớn, mà sự xuất hiện của những tập đoàn sản xuất vũ khí lợi nhuận khổng lồ là một trong những nguyên nhân xảy ra chiến tranh, từ tranh giành vị thế địa chính trị, xung đột về tôn giáo, chủng tộc cho đến tranh đoạt tài nguyên thiên nhiên vốn đang ngày càng hiếm… đang có nguy cơ đẩy loài người vào nguy cơ hủy diệt bởi hàng loạt các loại vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại, sức tàn phá ngày càng lớn. Các hoạt động sản xuất nhằm hướng đến lợi nhuận cao cũng gắn liền với ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống của con người, từ đó tạo ra sự bất ổn trong xã hội. Từ thời đại của Marx cho đến nay, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn xảy ra những cuộc khủng hoảng với quy mô lớn lan rộng trên toàn thế giới không theo một chu kỳ nào, đời sống xã hội thiếu ổn định từ đó nảy sinh ra sự đối kháng ngay trong lòng tư bản chủ nghĩa. Đó chính là những dấu hiệu về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản như nhận định của Marx.

Theo quy luật, chủ nghĩa tư bản đến một lúc nào đó sẽ cáo chung như các hình thái kinh tế - xã hội trước đó. Tuy nhiên, quá trình sụp đổ không diễn ra trong một sớm một chiều mà sự cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia, còn gọi là thời kỳ quá độ chính trị là “những cơn đau đẻ kéo dài”. Chủ nghĩa tư bản cũng không nhất thiết bị triệt tiêu bằng bạo lực cách mạng, hoặc cũng không hẳn thực hiện bằng một sự công bố nào đó, mà đôi khi đó là sự chuyển biến lâu dài, từng chút một. Một số quốc gia Bắc Âu như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy với chính sách phúc lợi dồi dào, hệ thống an sinh xã hội cao, y tế, giáo dục đều miễn phí giống như hình thức chính sách của các quốc gia xã hội chủ nghĩa là bằng chứng cho thấy “thiên đường xã hội” là có thể đạt được dựa trên 2 yếu tố: tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa đạo đức cao.

Tịnh Hà

Tin xem nhiều