Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp dân thoát nghèo

07:12, 16/12/2017

Nhằm giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện Nhơn Trạch đã tổ chức được nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhằm giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện Nhơn Trạch đã tổ chức được nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hải (bìa trái, ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ về mô hình máy ấp trứng gà của gia đình
Ông Nguyễn Văn Hải (bìa trái, ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ về mô hình máy ấp trứng gà của gia đình

Năm 2014, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) được Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ 1 con trâu cái giống, trị giá 15 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của xã. 2 năm sau, trâu mẹ sinh lứa đầu tiên được 1 con nghé, sau đó con nghé này được chuyển cho một hộ nghèo khác cùng xã. Riêng trâu mẹ tiếp tục được ông Dũng nuôi dưỡng.

* Hỗ trợ con giống

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng hướng dẫn của cán bộ xã, đến nay trâu mẹ không những sinh tiếp lứa thứ 2 mà còn đang mang thai lứa thứ 3. Cứ thế, khi mỗi con nghé ra đời, MTTQ xã lại chuyển cho hộ nghèo khác nuôi, đem đến hy vọng ngày càng có thêm nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình này.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo có hiệu quả, như: mô hình dân giúp dân ở huyện Nhơn Trạch; nuôi dê vượt nghèo ở huyện Xuân Lộc; huy động tổng lực, kết nối chặt chẽ các thành phần dân cư trong cộng đồng để giúp người nghèo ở huyện Định Quán… Những mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Ngoài mô hình trợ giúp trâu giống, Nhơn Trạch còn có mô hình sản xuất con giống hỗ trợ chăn nuôi. Một trong những người tiên phong thực hiện mô hình này là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hải (ấp Thị Cầu, xã Phú Đông).

Trước đây ông Hải vốn công tác ở Ủy ban MTTQ xã, sau đó nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình phát triển kinh tế bằng nghề ấp trứng. Lúc đầu ấp bằng phương pháp thủ công, gà con nở ra không đồng đều, tỷ lệ gà con chết và mắc một số loại bệnh còn cao...

Sau khi được Ủy ban MTTQ huyện Nhơn Trạch vận động, gia đình ông Hải đã đầu tư máy ấp trứng, từ đó tỷ lệ gà con nở ra khỏe mạnh rất cao, dễ nuôi, nhanh lớn.

Để phát huy mô hình này, Ủy ban MTTQ huyện đã giới thiệu đến các xã, ai có nhu cầu mua gà con giống thì đến nhà ông Hải... Nhờ đó, lượng khách đến mua ngày càng đông, kinh tế gia đình ông Hải ngày càng phát triển. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Hải có điều kiện giúp lại người nghèo trong xã, trong vùng. Những hộ nào khó khăn được ông Hải cho mượn con giống, hoàn vốn sau khi thu hoạch, không tính lãi. Đến nay, gia đình ông Hải đã hỗ trợ người dân hơn 5.300 con gà giống, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo.

* Cho mượn đất và vốn

Mô hình cho mượn đất và vốn được thực hiện bằng hình thức vận động hộ khá cho hộ nghèo mượn vốn và đất để sản xuất. Theo đó, hộ gia đình ông Tống Văn Sỹ (ấp 1, xã Phú Thạnh) đã cho hộ ông Hiếu và hộ ông Thanh (đều là hộ nghèo của xã) mượn 1 hécta đất và tiền mua con giống để nuôi tôm và vịt. Đến nay, hộ ông Hiếu và ông Thanh đã có thu nhập vài chục triệu đồng/năm từ nuôi tôm và vịt trên diện tích đất ông Sỹ cho mượn. Nhờ đó, gia đình ông Hiếu và ông Thanh đã thoát diện hộ nghèo.

Để giúp dân thoát nghèo, MTTQ và các đoàn thể huyện Nhơn Trạch còn xây dựng mô hình vận động hộ có phương tiện sản xuất, giúp người nghèo cày xới đất và gặt đập lúa.

Trước đây gia đình ông Huỳnh Văn Hưởng (ấp Giồng Ông Đông, xã Phú Đông) cũng thuộc diện nghèo của địa phương. Nhưng nhờ cần cù lao động, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất lúa của gia đình ông luôn cao hơn nhiều hộ khác.

Dần dần, gia đình ông tích lũy được một số vốn từ sản xuất. Khi có tiền, gia đình ông mua máy xới và máy gặp đập liên hợp để phục vụ sản xuất của gia đình. Từ đây, các công đoạn: gặt, đập, làm sạch, đóng bao được thực hiện ngay trên đồng ruộng bởi cùng một loại máy, tiết kiệm nhân công, giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nhận thấy nhiều hộ trồng lúa giống như gia đình mình trước đây cứ mỗi mùa vụ đến lại lo khâu thuê mướn gặt đập, ông Hưởng sẵn sàng nhận xới đất và gặt cho các hộ nghèo. Hộ nào không có tiền công trả ngay, ông cho nợ đến khi mùa vụ hoàn tất thì thanh toán. Trung bình mỗi năm, ông Hưởng đã cày xới, gặt đập khoảng 40 hécta đất, lúa cho bà con với chi phí khoảng 170 triệu đồng.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thanh Hòa, ngoài những mô hình trên, Nhơn Trạch còn xây dựng được nhiều mô hình khác giúp dân thoát nghèo, như: tổ tương trợ, tổ từ thiện, tổ phụ nữ tiết kiệm... Các mô hình đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Dự kiến cuối năm nay, hộ nghèo của huyện Nhơn Trạch còn khoảng 1%. Điều này cho thấy các mô hình đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, ổn định tình hình tại địa phương.

Phương Hằng

Tin xem nhiều