Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Nước Nga, niềm nhớ

07:11, 06/11/2017

Liên bang Nga (thuộc Liên Xô trước đây) cổ kính, trang nghiêm mà dịu dàng, thơ mộng. Người dân Nga chân thành, mến khách, chuộng hòa bình. Đó là những điều tuyệt đẹp còn lưu mãi trong tâm trí những người Việt Nam đã từng học tập, sinh sống nơi đây.

Liên bang Nga (thuộc Liên Xô trước đây) cổ kính, trang nghiêm mà dịu dàng, thơ mộng. Người dân Nga chân thành, mến khách, chuộng hòa bình. Đó là những điều tuyệt đẹp còn lưu mãi trong tâm trí những người Việt Nam đã từng học tập, sinh sống nơi đây.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lịch sử

>>> Bài 2: Ánh sáng soi đường của cách mạng Việt Nam

Ông Huỳnh Văn Tâm (bìa trái) thực hành trong thời gian nghiên cứu sinh tại Nga.
Ông Huỳnh Văn Tâm (bìa trái) thực hành trong thời gian nghiên cứu sinh tại Nga.

30 năm, 50 năm hay nhiều hơn thế nữa, mỗi khi nhắc đến nước Nga, những kỷ niệm thân thương trong họ lại ùa về.

Chân thành, mến khách

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay, TS.Huỳnh Văn Tâm (nguyên Bí thư Thành ủy Biên Hòa) vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về những người Nga thân thiện. Ông kể: “Có lần, 4-5 sinh viên Việt Nam được giáo viên người Nga mời đến nhà chơi. Do không thông thuộc đường sá nên chúng tôi bấm nhầm chuông cửa một nhà khác. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, chủ nhà rất vui mừng, mời vào nhà, “bắt” cùng ngồi ăn uống với gia đình. Ngồi nói chuyện mãi không thấy cô giáo đâu, hỏi chủ nhà mới biết chúng tôi vào nhầm nhà, nhưng do họ rất quý người Việt Nam nên muốn mời chúng tôi vào nhà chơi. Đồng thời, họ đã gọi điện cho cô giáo của chúng tôi và sau đó dẫn đến đúng nhà cô giáo”.

Năm 1962, khi đang học ở Trường học sinh miền Nam (Hà Nội), ông Huỳnh Văn Tâm được cử đi học ở Liên Xô (Trường đại học quốc gia Kiev). Sau 5 năm, ông Tâm về Hà Nội giảng dạy ở Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, ông tiếp tục được cử sang Liên Xô để làm nghiên cứu sinh. Đến năm 1974 thì ông tốt nghiệp về nước làm việc. Sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để học tập rất cầu tiến và khiêm tốn. Thời gian học tập ở Liên Xô, ông Tâm và các sinh viên Việt Nam được các giáo sư, sinh viên và người dân Liên Xô rất yêu mến. Trong các tiết học, sinh viên Việt Nam được xếp ngồi ở hàng ghế đầu tiên để nghe giáo sư giảng bài cho rõ. Những ngày đầu tiên, do chưa rành tiếng Nga nên ông Tâm viết không kịp bài giảng. Cô bạn người Nga ngồi bên đã giúp đỡ ông đọc tài liệu để hiểu bài. Mùa đông tuyết rơi, người Nga sợ sinh viên Việt Nam bị lạnh nên mua giày cho đi.

TS. Huỳnh Văn Tâm bày tỏ: “Nếu có thể, tôi rất muốn quay trở lại Nga một lần nữa để được đi thăm thú những nơi mình đã từng sinh sống, học tập, nhất là phòng thí nghiệm nơi tôi đã từng nghiên cứu. Nếu có thể được gặp lại những giáo sư, những bạn người Nga học chung hồi đại học, nghiên cứu, tôi sẽ hạnh phúc vô cùng”.

Ông Lê Phát Hiển (55 tuổi, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ Sở Khoa học - công nghệ, sang Nga học từ năm 1983) thì chia sẻ: “Vào những dịp lễ, tết, người Nga biết các sinh viên Việt Nam không có điều kiện về quê nên thường mời chúng tôi đến nhà chơi. Họ xem chúng tôi như người trong gia đình, đối xử rất tốt, gần gũi và chân thật. Điều đó làm tôi rất xúc động”.

Ông Hiển vẫn còn nhớ những ngày cùng bạn bè đến khu vực tàu điện ngầm, gặp những cụ già người Nga. Khi họ biết những sinh viên là người Việt Nam thì rất quý, kể nhiều chuyện về các bạn người Việt Nam của họ, cho sinh viên Việt Nam những thanh kẹo chocolate.

Những kiến thức về cơ khí được học trong 3 năm tại Trường dạy nghề số 3
(TP.Rustavi - Gruzia), 5 năm học ngành kỹ sư công nghệ, tại Trường đại học bách khoa Vladimir (TP.Vladimir) và 5 năm sống, làm việc ở Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng (TP.Kiev, thủ đô của Ukraine) đã giúp ông Hiển nâng cao trình độ chuyên môn, luôn hoàn thành tốt công việc hiện tại.

Trở về Việt Nam sau gần 7 năm học tại Trường đại học năng lượng nguyên tử IATE MIFI theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga (ngành nhà máy điện hạt nhân: thiết kế, vận hành và điều khiển), anh Nguyễn Trí Cường (26 tuổi, hiện đang làm việc tại Nhà máy thủy điện Trị An, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, trước khi sang Nga, anh rất hồi hộp và lo lắng, vì sống xa nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi, được ở cùng các bạn người Việt và sự giúp đỡ của các giảng viên, sinh viên Nga nên những lạ lẫm ban đầu dần thay thế cho sự thích thú.

Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Nga. Thầy cô người Nga giúp đỡ sinh viên Việt Nam nhiệt tình, dạy rất kỹ nên sinh viên dễ hiểu bài, làm bài tốt. Thời gian học tập ở đây, anh Cường và các bạn sinh viên được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, bổ ích giúp gắn kết tình bạn bốn phương và hiểu hơn về phong tục, tập quán của nhau.

Đất nước cổ kính, thơ mộng

Trong trí nhớ của ông Lê Phát Hiển, Nga là đất nước rất rộng lớn mà yên bình. Đi ra đường vào ban đêm không bao giờ có cảm giác bất an. Mỗi thành phố có một nét đẹp đặc trưng. Như TP. Saint-Peterburg có đêm trắng. Hiện tượng này diễn ra vào tháng 7 hàng năm, kéo dài từ 7-10 ngày. Vào những ngày này, có thể đọc báo vào ban đêm ở ngoài trời. Người dân ở đây thường chọn một ngày trong số đó để tràn xuống đường vui chơi, ca hát, nhảy múa suốt đêm.

Anh Nguyễn Trí Cường (thứ 2 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng bạn tại Moscow.
Anh Nguyễn Trí Cường (thứ 2 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng bạn tại Moscow.

Ngoài ra, còn phải kể đến những địa danh nổi tiếng, như: Cung điện mùa đông, Cung điện mùa hè, Quảng trường đỏ.

Nói về đất nước Nga, anh Nguyễn Trí Cường không giấu nổi sự thích thú: “Đất nước Nga quá đẹp, đặc biệt vào mùa thu, nước Nga đẹp như tranh vẽ, khí hậu rất tuyệt vời. Ở Nga có những công trình tuyệt đẹp, kiến trúc và mỹ thuật của các công trình giao thoa từ nhiều vùng, miền khác nhau nên đa dạng, phong phú. Lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng cầu mở và đêm trắng, sinh viên Việt Nam cực kỳ ngạc nhiên”.

Bà Ngô Thị Lan (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) sang Nga từ năm 19 tuổi (năm 1989) làm công nhân Nhà máy dệt Leningrad theo diện hợp tác lao động. Khi đến Nga, bà Lan bị choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự phát triển của đất nước này. Để có thể làm việc, giao tiếp tốt, công nhân Việt Nam được các cô giáo người Nga dạy tiếng rất nhiệt tình suốt mấy tháng đầu. Mặc dù chỉ sinh sống, làm việc ở Nga đến năm 1992 nhưng những kỷ niệm, ấn tượng về đất nước, con người Nga trong bà Lan vẫn vẹn nguyên.

Năm 2010, cậu con trai Nguyễn Công Ngọc của bà Lan sang Nga du học ngành quản trị năng lượng, Trường đại học bách khoa Saint-Peterburg. Điều này như một mối lương duyên để bà Lan có nhiều cơ hội quay trở lại đất nước xinh đẹp này.

Còn với ông Lê Phát Hiển, mỗi lần nhắc tới nước Nga lại là một lần bồi hồi, xúc động. “Tôi xem đất nước này như quê hương thứ 2 của mình, bởi nơi đây để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm không thể nào quên” - ông Hiển chia sẻ. Cũng bởi vì quá yêu nước Nga mà năm 2010, ông Hiển đã quay trở lại nơi ông đã từng làm việc trong 5 năm. Sau chừng ấy thời gian, tình cảm giữa người Nga và các cựu sinh viên Việt Nam vẫn thân thương như thuở nào...

Hạnh Dung

Bài 4: Thắt chặt quan hệ hữu nghị Việt - Nga

Tin xem nhiều