Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người đi cứu "cái còn trong cái mất"

07:11, 06/11/2017

Khi sự cố cháy xảy ra, trong khi người dân tìm mọi cách thoát thân, chạy đến nơi an toàn thì những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) lại lao đến nơi nguy hiểm nhất để cứu tính mạng, tài sản người dân còn kẹt lại.

Khi sự cố cháy xảy ra, trong khi người dân tìm mọi cách thoát thân, chạy đến nơi an toàn thì những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) lại lao đến nơi nguy hiểm nhất để cứu tính mạng, tài sản người dân còn kẹt lại.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ luyện tập theo định kỳ trên sông Đồng Nai. ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ luyện tập theo định kỳ trên sông Đồng Nai. ảnh: Đ.Tùng

Cháy, nổ, nước cuốn, mắc kẹt trên cao…, hầu như mọi sự cố xảy ra đều có mặt lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đến làm nhiệm vụ.

Cứu người giữa dòng nước xiết

Trong năm 2016, các chiến sĩ CNCH các đơn vị thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh đã tham gia 17 vụ CNCH, cứu sống 7 người. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng đã tham gia 25 vụ, cứu sống 14 người; hầu hết đều là trường hợp đuối nước.

Là một trong những người có mặt tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông từ những ngày đầu thành lập (tháng 5-2014), Thượng úy Phùng Văn Hạnh cho biết công tác CNCH trên sông, nhất là mò tìm dưới lòng sông, là nhiệm vụ đặc biệt. Trong môi trường hết sức nguy hiểm, mỗi chiến sĩ phải nắm vững kỹ năng nghiệp vụ, có bản lĩnh vững vàng và niềm tin vào khả năng bản thân; nhất là vào mùa mưa bão, nước chảy xiết, cành cây trôi trên sông có thể khiến công tác CNCH gặp khó khăn và nguy hiểm cho nạn nhân lẫn người đi cứu.

“Một lần vào năm 2014, khi đang nghỉ phép ở nhà, được đơn vị gọi điện báo tin ở khu vực cầu Đồng Nai có vụ đuối nước, tôi đã nhanh chóng chạy đến hỗ trợ. Nhiều lần khác mà tôi không nhớ hết, chỉ cần có lệnh, tôi lại lên đường. Hầu hết các đường thủy nội tỉnh, tôi và các đồng đội đều đã đến, đều đã tập luyện để làm quen con nước, dòng chảy trên sông, để cán bộ, chiến sĩ không bị bất ngờ khi có sự cố cần CNCH trên sông” - Thượng úy Hạnh cho hay.

Trên thực tế, công tác CNCH luôn đòi hỏi những chiến sĩ làm công tác CNCH phải thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn trên mọi địa hình, mọi khu vực. Hàng năm, Cảnh sát PCCC tỉnh đều tổ chức các lớp bơi, huấn luyện chuyên sâu và cho cán bộ, chiến sĩ tham gia hội thao nghiệp vụ CNCH để mỗi người tự rút kinh nghiệm cho bản thân, trau dồi trình độ nghiệp vụ. Ngoài ra, bản lĩnh vững vàng, ý chí không ngại khó cũng là yếu tố then chốt để một người lính CNCH có thể vượt qua hiểm nguy, cứu người trong điều kiện ngặt nghèo.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và CNCH, cho biết: “Khi thực hiện CNCH, các chiến sĩ luôn phải đối mặt với khó khăn, căng thẳng và áp lực thời gian khi làm nhiệm vụ. Một số chiến sĩ khi mới vào ngành thường không quen, không chịu được cực khổ nên có lay động tinh thần. Nhận thấy điều này, chúng tôi đã tìm cách chia sẻ, động viên giúp các chiến sĩ thấy được công việc cao cả của người lính CNCH. Qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ yêu nghề, góp phần đảm bảo sự bình yên của xã hội, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CNCH trong lòng dân”.

Tính mạng người dân là trên hết

Với những vụ cháy nhà, kẹt thang máy, các chiến sĩ CNCH càng phải gấp rút hơn khi vừa phải lao vào khói lửa tìm kiếm nạn nhân vừa đảm bảo an toàn cho nạn nhân, bản thân và đồng đội, tất cả chỉ được tính bằng giây.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm người mất tích vì bị nước cuốn tại cầu Kim Bích (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) ngày 30-9. (ảnh: Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh cung cấp)
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm người mất tích vì bị nước cuốn tại cầu Kim Bích (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) ngày 30-9. (ảnh: Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh cung cấp)

Trong vụ cháy nhà tại đường Phạm Văn Thuận (KP.2, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) vào lúc 22 giờ 20 ngày 25-4, 3 cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC số 1, gồm: Trung úy Huỳnh Tấn Linh, Trung sĩ Phạm Văn Linh và Hạ sĩ Nguyễn Viết Nghĩa đã xông vào đám cháy cứu người đàn ông 60 tuổi (bị kẹt ở nhà kế bên) thoát khỏi khu vực bị khói khí độc bao trùm ra nơi an toàn.

Trung úy Huỳnh Tấn Linh nhớ lại: “Tại hiện trường, Đội Chữa cháy lo dập lửa, Đội CNCH thì lo trinh sát từng ngôi nhà và tìm kiếm, cứu người bị kẹt. Lúc nghe người dân báo tin căn nhà kế bên căn nhà cháy còn người bị kẹt bên trong, tôi liền lao vào tìm kiếm và thấy một người đàn ông nằm bất tỉnh. Kiểm tra thấy hơi thở ông rất yếu, tôi đã gọi 2 đồng đội đem cáng vào khiêng ông ra ngoài an toàn. Cũng may lúc đó ông ấy nằm ở tầng trệt, chứ ở tầng cao hơn sẽ càng nguy hiểm hơn nữa”.

Không chỉ cứu người ở giữa dòng sông hay đám cháy mới nguy hiểm mà ngay ở đất liền, chỉ một cơn mưa lớn gây ngập lụt cũng có thể xảy ra những tình huống cực kỳ nguy hiểm cần đến sự có mặt của lực lượng PCCC và CNCH. Như đợt nước ngập cao gây lụt tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) khiến 24 người thuộc 11 gia đình bị mắc kẹt vào tháng 9-2015, hay những trận mưa lớn khiến 3 gia đình với 10 người bị kẹt trong nhà tại phường Trảng Dài
(TP.Biên Hòa) vào cuối năm 2016...

Là một trong những cán bộ lao mình xuống nước lẫn chất thải gia súc, men theo các bờ tường dây kẽm gai để tiếp cận và đưa 24 người dân xã Sông Trầu đến nơi an toàn, Thượng úy Lê Văn Nương kể lại: “Cơn mưa lớn trong 3 ngày 7, 8 và 9-9-2015 tại khu vực TP.Biên Hòa và vùng lân cận đã gây ngập một số nơi; tại khu vực chúng tôi cứu nạn có chỗ ngập từ 1,5-2m. Lúc nhận tin báo, chúng tôi đến nơi đã gần 20 giờ, hiện trường bị ngập nước, đèn điện le lói gần như không quan sát được gì. Khi đó cảm giác sợ hãi của bản thân không còn mà chỉ còn biết đến nhiệm vụ, đến những người bên trong chưa được đưa ra ngoài an toàn. Vậy là tôi cùng đồng đội mím chặt môi để bơi đi cứu người… Cũng may khoảng 4 giờ sau, những người bị kẹt lại đã được đưa ra an toàn, trong đó có em bé vẫn còn run cầm cập vì lạnh và sợ”. 

Đăng Tùng

Tin xem nhiều