Cách đây tròn một thế kỷ, Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra ngày 7-11-1917 giành thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.
Cách đây tròn một thế kỷ, Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra ngày 7-11-1917 giành thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.
Cuộc cách mạng thành công đã khai sinh ra Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử loài người, làm thay đổi cục diện thế giới, cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.
Lãnh tụ Đảng Bolshevik V.I.Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô-viết tại Đại hội Xô-viết toàn Nga ngày 7-11-1917 tại điện Smolny, ngay sau khi chiếm Cung điện Mùa Đông. |
Từ thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, người dân lao động Nga từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ xã hội.
Biến người nô lệ thành người tự do
Tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga phối hợp tổ chức mới đây, ông Popov Aleksey Vladimirovich, Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng Cách mạng tháng Mười đã trở thành sự kiện quan trọng đặc biệt trong lịch sử nước Nga và thế giới, xác định tương lai phát triển của toàn bộ tiến trình lịch sử. Đây là một sự thật không thể chối cãi và được đại diện của tất cả các lực lượng chính trị; các khuynh hướng tư tưởng ở Nga cũng như tại các nước khác thừa nhận. |
Có một khoảng thời gian khá dài học tập, nghiên cứu, giảng dạy về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Đảng... nên TS.Vũ Thị Nghĩa, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh, có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các tài liệu xung quanh cuộc Cách mạng tháng Mười Nga - một sự kiện lịch sử được thế giới đánh giá là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
TS.Vũ Thị Nghĩa nhận định, cũng giống như cuộc Cách mạng tháng Tám của Việt Nam, trước khi Cách mạng tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, nước Nga cũng tồn tại những mâu thuẫn xã hội gay gắt, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Viết về điều này, trong cuốn Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết của Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1978 miêu tả cuộc sống của những người lao động Nga khá khổ cực. Phần lớn nông dân bị phá sản, trở thành những cố nông hoặc phải bỏ nhà cửa ra thành phố, gia nhập hàng ngũ công nhân làm thuê. Trong các nhà máy, thời gian làm việc của công nhân kéo dài tới 12 giờ/ngày, thậm chí ở các xưởng dệt tới 16-18 giờ/ngày. Trong khi đó, tiền lương vốn đã thấp lại bị cắt xén.
TS.Vũ Thị Nghĩa cho biết thêm, với những mâu thuẫn không thể dung hòa, đầu thế kỷ 20 trên đất nước Nga đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lợi về kinh tế, đòi lật đổ chế độ chuyên chế của Nga hoàng và đòi quyền tự do dân chủ. Tiêu biểu là cuộc Cách mạng dân chủ tư sản (còn gọi là cuộc Cách mạng tháng Hai) nổ ra vào tháng 2-1917 đã lật đổ chế độ Nga hoàng. Ở nước Nga lúc này có 2 nền chuyên chính cùng tồn tại: chính quyền của giai cấp tư sản mà đại biểu là chính phủ lâm thời; chính quyền của giai cấp vô sản và nông dân mà đại biểu là các Xô-viết gồm đại biểu công nhân và binh lính.
Từ nước ngoài trở về, Lênin nhận định các Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính là hình thức nhà nước của chuyên chính vô sản thích hợp nhất với nước Nga trong thời kỳ chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Chính đường lối đúng đắn của Lênin và những hoạt động tích cực của các đảng viên Bolshevik đã giúp các tầng lớp nhân dân Nga hiểu được bản chất của chính phủ lâm thời và ngày càng ủng hộ những người Bolshevik.
Rạng sáng 7-11 (25 tháng 10 theo lịch Nga cũ) lực lượng khởi nghĩa tấn công Cung điện Mùa Đông ở Petrograd (nay là Sankt Petersburg) mở đầu cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (Ảnh: Nguồn Internet) |
Trải qua hàng loạt các cuộc biểu tình, đầu tháng 11-1917 (tháng 10 theo lịch Nga, tháng 11 là theo lịch mới) dưới sự lãnh đạo của Lênin, chỉ trong thời gian chưa đầy 2 ngày, chính phủ lâm thời đã bị lật đổ, Cách mạng tháng Mười giành thắng lợi. “Chính quyền ở nước Nga sau Cách mạng tháng Mười khác hoàn toàn các chính quyền trước đây. Tất cả các hoạt động đều xuất phát từ lợi ích người dân, bảo vệ tới cùng quyền lợi của nhân dân. Nhân dân Nga từ người nô lệ trở thành người tự do, làm chủ xã hội” - TS. Vũ Thị Nghĩa cho hay.
Cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới
Bắt đầu từ cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đi vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4-1989 đến tháng 9-1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, tạo nên “cơn chấn động’’ chính trị lớn nhất trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuy nhiên, TS.Vũ Thị Nghĩa, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh, khẳng định đây không phải là sự sụp đổ về mô hình mà sụp đổ ở cách thức triển khai. Điều này càng được chứng minh một cách đầy đủ qua thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. |
TS.Phạm Thị Minh Nguyệt, giảng viên bộ môn Lý luận chính trị (Trường đại học Đồng Nai), nhận định: thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga chẳng những đã giải quyết được những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản, điều chưa từng được thực hiện ở một nước nào cả, mà còn có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cả thế giới. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười mà nhất là sự ra đời của nền chuyên chính vô sản đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và các cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Bằng chứng là hàng loạt các dân tộc đã đứng lên đấu tranh và giành được độc lập. Trong tài liệu tham khảo Phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc quốc tế (tập 6) của Nhà xuất bản Sách giáo khoa Mác-Lênin xuất bản năm 1981 viết: “Dưới ảnh hưởng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga, những cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng lao động nhiều nước trên thế giới đã tiếp diễn từ năm 1918-1923 phá vỡ thế độc quyền của chủ nghĩa tư bản, làm cho nó càng khủng hơn”. Và theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, chỉ chưa đầy nửa thế kỷ sau Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa xã hội từ một nước đã trở thành hệ thống rộng lớn, thực hiện chính sách xã hội ưu việt chưa từng có, trở thành lực lượng chủ chốt đưa loài người thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa phát xít.
Không dừng lại ở cuộc đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột với giai cấp bóc lột mà theo Th.S Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, Cách mạng tháng Mười Nga đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam thấy rằng chỉ có cách mạng vô sản, mà nòng cốt là giai cấp công nhân đã vùng lên nắm chính quyền mới có thể bảo đảm giải quyết được hoàn toàn vấn đề dân tộc.
Theo ông Toại, Cách mạng tháng Mười đã nêu gương giải quyết vấn đề dân tộc một cách thực sự tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước Xô-viết đã xóa bỏ mọi hình thức áp bức bóc lột, bất bình đẳng dân tộc... Trong khi đó, trên thế giới lúc bấy giờ chưa có một nước nào giải quyết được một cách triệt để vấn đề này. Điều này càng làm cho các dân tộc khắp các lục địa tin tưởng vào khả năng chiến thắng chủ nghĩa đế quốc, đã vạch trần huyền thoại do bọn đế quốc gieo rắc cho rằng thế giới từ xưa đến nay vẫn phân chia thành chủng tộc “thượng đẳng” và ‘’hạ đẳng’’ và số phận của các chủng tộc ‘’hạ đẳng’’ là phải bị các chủng tộc ‘’thượng đẳng’’ bóc lột.
Vì vậy, sau Cách mạng tháng Mười ở Nga giành thắng lợi, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành dòng thác cách mạng hùng mạnh bao trùm ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Hệ thống thuộc địa của Chủ nghĩa đế quốc bắt đầu bị khủng hoảng. Chủ nghĩa đế quốc bị suy yếu đã buộc phải có những nhượng bộ quan trọng.
Nga Sơn
Bài 2: Ánh sáng soi đường của cách mạng Việt Nam