Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện của đôi vợ chồng 138 năm tuổi Đảng

09:05, 03/05/2017

Bà Tô Thị Long năm nay đã 90 tuổi, chồng bà là ông Trần Xuân Dương lớn hơn vợ 2 tuổi. Tuổi đời của đôi vợ chồng già quê tỉnh Nghệ An và hiện ngụ ấp Hương Phước (TP.Biên Hòa) đã thuộc diện xưa nay hiếm, song tuổi Đảng mới thật sự đáng quý khi bà Long và ông Dương lần lượt đã 70 và 68 năm tuổi Đảng.

Bà Tô Thị Long năm nay đã 90 tuổi, chồng bà là ông Trần Xuân Dương lớn hơn vợ 2 tuổi. Tuổi đời của đôi vợ chồng già quê tỉnh Nghệ An và hiện ngụ ấp Hương Phước (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã thuộc diện xưa nay hiếm, song tuổi Đảng mới thật sự đáng quý khi bà Long và ông Dương lần lượt đã 70 và 68 năm tuổi Đảng.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thăm gia đình đồng chí Tô Thị Long và Trần Xuân Dương (ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa).
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh thăm gia đình đồng chí Tô Thị Long và Trần Xuân Dương (ngụ ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa).

Bà Tô Thị Long chia sẻ: “Tôi được kết nạp vào Đảng năm 1946, còn chồng tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng sau tôi 2 năm. Từ đó đến nay, dù trải qua bao sóng gió, vợ chồng tôi vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, tận hiến cho Tổ quốc, cho đồng bào, đóng góp xây dựng quê hương”.

* Tận hiến cho Tổ quốc

Vợ chồng bà Tô Thị Long - ông Trần Xuân Dương chia sẻ: “Thấy đất nước đổi mới từng ngày, cuộc sống của người dân ấm no, sung túc, vợ chồng tôi vui lắm. Đã đi qua 2 cuộc kháng chiến, từng sống dưới chế độ phong kiến, thực dân với sự hà khắc, bóc lột đến cùng cực nên vợ chồng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng cuộc sống hiện nay mà biết bao thế hệ đã không tiếc hy sinh, mất mát mới giành được. Tất cả phải ghi nhớ nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà dân ta thoát kiếp nô lệ để làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, ai cũng được tạo điều kiện đến trường, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống...”.

Năm 1947, bà Long tham gia bộ đội địa phương đóng quân tại quê nhà Nghệ An. Đến năm 1948, ông Dương cũng tham gia bộ đội cùng đơn vị với vợ. Sau khi tìm hiểu, năm 1951 đôi trẻ được đơn vị tổ chức lễ cưới ngay tại nơi đóng quân. “Lúc đó, đơn vị cho phép vợ tôi giải ngũ trở về nhà tham gia công tác hậu phương, nhưng khuyên nhủ thế nào vợ tôi cũng không đồng ý mà muốn trực tiếp tham gia chiến đấu. Phải đến khi có bầu, bà ấy mới chịu về quê tham gia sản xuất, công tác” - ông Trần Xuân Dương nói.

Nhìn vợ với ánh mắt trìu mến, ông Dương kể tiếp: “Ban đầu tôi nghĩ với sức vóc thanh niên, tôi chấp nhận nguy hiểm khó nhọc nơi chiến trường để vợ được an toàn hơn, nhưng sự thật không như vậy. Ở hậu phương, vợ tôi phải một mình nuôi đứa con đầu lòng rồi sau đó là 3 đứa nhỏ lần lượt ra đời. Vợ cũng là người đã thay tôi chăm sóc mẹ già trong gần 36 năm tôi tham gia quân ngũ. Làm sao nói hết ân tình sâu nặng của bà ấy đối với gia đình, với tôi và mẹ già”.

Tiếp lời chồng mình, bà Long kể: “Không chỉ chăm sóc mẹ già, nuôi con thay chồng, tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến mà tôi còn được phân công nuôi cán bộ cách mạng ngay tại nhà. Tuy cái ăn thời điểm đó còn thiếu thốn nhưng tôi và gia đình vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Trong 36 năm tham gia quân ngũ, ông Dương vẫn được đơn vị cho về phép thăm nhà. Nhưng có lần ông Dương đi biệt tăm lâu nhất là gần 9 năm (từ năm 1966 đến năm 1975). “Lúc đó, không có bất cứ thư từ hay tin tức gì của ông nhà tôi gửi về nên không biết ông còn sống hay đã hy sinh, thậm chí  còn có lời đồn đại rằng chồng tôi theo giặc. Nhưng tôi tin tưởng chồng mình luôn một lòng với Đảng, với Tổ quốc, đồng bào” - bà Long cho hay.

Tiếp nối truyền thống gia đình và cũng vì thương nhớ cha, muốn tìm tin tức của cha về cho bà nội và mẹ mà năm 1970, con trai cả của ông bà xung phong đi bộ đội, sau đó vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Suốt thời gian dài, 2 cha con cùng ở trong Nam nhưng không biết tin tức gì về nhau. Mãi đến năm 1975 khi trở về nhà, ông Dương mới được mọi người kể lại chuyện này và thật may mắn là cả 2 cha con đều còn sống để về với gia đình.

* Trọn nghĩa với gia đình

Trở về với gia đình, ông Dương cùng vợ xây dựng kinh tế, chăm nom mẹ già và các con. Ông Trần Văn Hương (51 tuổi, con trai út ông Dương) kể: “Mặc dù với chuyên môn bác sĩ, cha tôi có thể tiếp tục tham gia công tác hay mở phòng khám bệnh, nhưng ông không muốn sống xa vợ con nữa. Ông chọn việc hàng ngày cùng mẹ tôi ra đồng, chăn nuôi, giành lấy những việc nặng nhọc về phần mình để mẹ tôi bớt cực. Cũng chính ông dạy chúng tôi học chữ, đọc sách, truyền thụ tinh thần yêu nước, thương dân. Bởi như cha tôi vẫn thường nói rằng sau khi đã tận hiến với Tổ quốc, ông muốn được ở bên gia đình đề bù đắp sự thiếu vắng bấy lâu”.

Năm 1996, vợ chồng ông Dương tìm về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai sinh sống cùng con cháu. Nơi vùng đất mới, vợ chồng ông bà tiếp tục tham gia sinh hoạt, đóng góp ý kiến trong những buổi sinh hoạt của chi bộ, hội đoàn thể. Đặc biệt, vợ chồng ông bà luôn giáo dục con cháu sống hòa đồng với mọi người, chấp hành tốt quy định của pháp luật, phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhờ đó, hiện nay cả gia đình ông bà có tất cả 8 đảng viên với tổng cộng hơn 250 tuổi Đảng.

Cũng vì vậy mà gia đình ông bà luôn được bà con, chính quyền địa phương yêu mến, trân trọng. Trong chuyến thăm các đảng viên có nhiều tuổi Đảng mới đây, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã động viên, mong muốn gia đình bà Long tiếp tục cống hiến trí tuệ để xây dựng Đảng, chính quyền, quê hương, vun đắp tình làng nghĩa xóm.

Văn Truyên

Tin xem nhiều