Báo Đồng Nai điện tử
En

Cả ấp cùng làm việc tốt

08:04, 02/04/2017

Ở mỗi ấp, khu phố trong tỉnh luôn có những cá nhân tiêu biểu đứng ra làm việc có ích cho cộng đồng. Riêng tại ấp Ruộng Tre (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh), những việc làm tốt, cách làm hay để giúp đỡ người khó được cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện.

Ở mỗi ấp, khu phố trong tỉnh luôn có những cá nhân tiêu biểu đứng ra làm việc có ích cho cộng đồng. Riêng tại ấp Ruộng Tre (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh), những việc làm tốt, cách làm hay để giúp đỡ người khó được cả cộng đồng cùng chung tay thực hiện.

Các thành viên trong mô hình hũ gạo tình thương ở ấp Ruộng Tre (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) đang bàn giao số tiền vay cho người cần hỗ trợ để giúp họ có vốn mua vé số và ve chai.
Các thành viên trong mô hình hũ gạo tình thương ở ấp Ruộng Tre (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) đang bàn giao số tiền vay cho người cần hỗ trợ để giúp họ có vốn mua vé số và ve chai.

Ở ấp Ruộng Tre có rất nhiều mô hình thể hiện tinh thần tương thân tương ái, không vụ lợi để giúp đỡ người khó, như: hũ gạo tình thương, ruộng lúa nhân đạo, bếp ăn tình thương...

* Nhiều mô hình hay

Trần Thị Lệ Mai, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Ruộng Tre, cho biết:  “Chúng tôi chỉ mong làm được việc tốt để chia sẻ khó khăn với người kém may mắn. Đây cũng là cách làm gương cho con cháu, những người trẻ trong cộng đồng để tình làng nghĩa xóm ngày một ấm áp và lan tỏa sâu rộng. Ruộng Tre tuy không nhiều nhà cao cửa rộng nhưng nghĩa tình luôn đong đầy”.

Vừa kiểm đếm lại số tiền do các thành viên tham gia mô hình hũ gạo tình thương đóng góp trước khi đem bàn giao cho người cần hỗ trợ, bà Trần Thị Lệ Mai (Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Ruộng Tre) cho hay: “Mô hình hũ gạo tình thương được tôi thực hiện từ năm 2010. Ban đầu, mỗi người tham gia đều góp gạo tiết kiệm được rồi trao cho người nghèo. Nhưng do gạo để lâu bị mốc, lại thêm mỗi nhà ăn một loại gạo khác nhau nên khi đem trao cho người nghèo thường không đảm bảo chất lượng. Vậy nên chúng tôi chuyển sang quyên góp bằng tiền. Gần 20 gia đình tiết kiệm mỗi người 120 ngàn đồng/tháng. Sau đó chúng tôi tổng hợp lại cho những người nghèo vay, tư vấn cho họ cách sử dụng vốn để kiếm đồng lời nuôi sống bản thân, gia đình”.

Còn với bà Võ Minh Thủy (ngụ ấp Ruộng Tre), ngoài việc tham gia mô hình hũ gạo tình thương, bà còn tập hợp nhiều cá nhân khác trong ấp thực hiện bếp ăn tình thương dành cho người nghèo. Theo bà Thủy: “Vào ngày rằm hàng tháng, tôi cùng mọi người đóng góp thực phẩm, công sức để nấu những phần thức ăn chay (cơm, bún) tại nhà mình rồi sau đó đi đến từng gia đình khó khăn, bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện để trao tận tay. Qua 5 năm, mô hình này vẫn duy trì đều đặn, đúng ngày giờ và ngày càng có nhiều người cùng chung tay tham gia đóng góp để tạo nên những bữa ăn miễn phí cho mọi người”.

Không chỉ hưởng ứng những mô hình nhân đạo vì cộng đồng bằng cách đóng góp tiền bạc, công sức mà sư cô Bổn Nguyên còn tự tạo ra một mô hình nhân đạo rất hay và ít người nghĩ đến. Theo đó, với mô hình ruộng lúa nhân đạo, mỗi năm sư cô Bổn Nguyên (tu tại gia) tự mình cấy trồng 1 hécta ruộng lúa để tặng cho người nghèo, hỗ trợ cho đám tang mà gia chủ quá khó khăn.

Ngoài ruộng lúa nhân đạo, sư cô Bổn Nguyên còn là một lương y hết lòng vì người bệnh. Mỗi ngày có hàng chục người đến nhà để xin khám bệnh, bốc thuốc và tất cả đều được miễn phí. Đặc biệt, để giúp điểm bốc thuốc từ thiện này duy trì lâu dài, hàng chục người dân tại ấp Ruộng Tre đã tình nguyện cung cấp thuốc nam miễn phí bằng cách gieo trồng trong vườn nhà hay tìm kiếm từ các nơi về cho sư cô Bổn Nguyên để cấp cho người cần.

* Giúp người nghèo khó

Trong số những trường hợp được thụ hưởng từ các mô hình từ thiện nhân đạo kể trên có bà Phạm Thị Sáu (ngụ ấp Ruộng Tre). Gia đình bà Sáu rất khó khăn vì không có đất sản xuất, con mắc bệnh tâm thần, chồng lại bị bệnh nặng nên không còn khả năng lao động. Vậy nên tất cả chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào tiền làm mướn hàng ngày của bà Sáu.

Thấy hoàn cảnh của bà Sáu quá ngặt nghèo, bà Trần Thị Lệ Mai, người sáng lập mô hình hũ gạo tình thương, cùng các thành viên khác đã tìm đến để hướng dẫn bà Sáu bán vé số để kiếm tiền. Để có vốn mua vé số về bán, bà Sáu đã được nhận 500 ngàn đồng từ mô hình hũ gạo tình thương. Còn sư cô Bổn Nguyên với mô hình ruộng lúa nhân đạo đến trao gạo hàng tháng cho gia đình bà Sáu. “500 ngàn đồng với nhiều người là rất nhỏ nhưng với tôi đó là tất cả những gì cần có để mua vé số đem bán. Nhờ có các thành viên trong mô hình hũ gạo tình thương mà trong 2 năm qua tôi có được đồng lời nuôi sống gia đình” - bà Sáu nói.

Một trường hợp khác cũng nhận được sự giúp đỡ từ những mô hình này là bà Nguyễn Thị Sinh (ngụ ấp Ruộng Tre). Bà Sinh kể: “Mấy năm trước vợ chồng tôi cùng làm thợ hồ để nuôi 3 con ăn học nhưng được ít lâu sức khỏe của tôi yếu quá nên không được người ta thuê nữa, từ đó cuộc sống càng khó khăn. Thấy vậy, các thành viên tham gia mô hình hũ gạo tình thương đã đến nhà tìm hiểu và cho tôi vay vốn đi mua ve chai; giới thiệu tôi đến dọn dẹp vệ sinh tại Trạm y tế xã với mức thù lao 700 ngàn đồng/tháng. Tôi rất biết ơn bà con trong ấp”.

Đặc biệt, trước tấm lòng nhiệt tình của bà con trong ấp, hàng ngày những người nghèo như các bà: Phạm Thị Sáu, Nguyễn Thị Sinh... vẫn học tập để làm những việc tốt theo khả năng của mình. Trong đó, bà Phạm Thị Sáu sau khi bán hết vé số đều tìm đến các khu rẫy của người dân trong ấp để xin cắt cây thuốc nam đem đến trao tặng sư cô Bổn Nguyên để chữa bệnh cho người nghèo.

Riêng bà Nguyễn Thị Sinh đã tiết kiệm từ số tiền 700 ngàn đồng/tháng có được từ việc dọn dẹp vệ sinh tại Trạm y tế xã để mỗi năm mua một thẻ bảo hiểm y tế cho một người bệnh hiểm nghèo trong ấp.

Văn Truyên

Tin xem nhiều