Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm tựa cho phụ nữ nghèo

09:03, 06/03/2017

Bằng việc hỗ trợ vốn, cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, dạy nghề, tạo việc làm, tặng mái ấm tình thương... các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bằng việc hỗ trợ vốn, cây, con giống, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, dạy nghề, tạo việc làm, tặng mái ấm tình thương... các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Thòng Hải Yến, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ xã Túc Trung (huyện Định Quán) được hỗ trợ vốn để nuôi dê.
Bà Thòng Hải Yến, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ xã Túc Trung (huyện Định Quán) được hỗ trợ vốn để nuôi dê.

Nhờ có sự vận động hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và những người xung quanh, hơn một năm nay gia đình chị Phan Thị Kiều Trang (ấp Thoại Hương, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) được ở trong căn nhà mới khang trang thay cho căn chòi rách nát.

* Hỗ trợ thiết thực

Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho biết trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ giúp nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo; tích cực khai thác các nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị xây dựng các dự án thiết thực hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kết hợp với dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu việc làm cho hội viên, nhất là hội viên nghèo, khó khăn.

Lập gia đình sớm, mới 28 tuổi vợ chồng chị Kiều Trang đã có với nhau đến 4 đứa con trong khi bản thân chưa có nghề nghiệp ổn định. Cha mẹ đều nghèo, đất đai nhà cửa không có, 6 con người của gia đình chị Trang sống trong căn chòi che bạt rách nát trên đất của người hàng xóm tốt bụng. Giữa năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Đông vận động giáo xứ trên địa bàn hỗ trợ đất. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động hỗ trợ 30 triệu đồng và anh em họ hàng hỗ trợ thêm, căn nhà với diện tích 44m2 trị giá 55 triệu đồng nhanh chóng được xây dựng.

Sau khi có nhà, gia đình chị Kiều Trang còn được bảo lãnh vay vốn để chăn nuôi dê. Hiện tại, chị Trang ở nhà chăn nuôi dê, chăm lo con cái, còn chồng chị đi làm thuê, rảnh thì đi đánh cá kiếm thêm thu nhập.

Tương tự, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội, gia đình chị Thổ Thị Loan (dân tộc Chơro, ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống với mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Chị Loan chia sẻ sau khi kết hôn 3 năm, vợ chồng chị ra ở riêng với nhiều khó khăn chồng chất. Để duy trì cuộc sống, ai thuê gì vợ chồng chị cũng làm, bất kể thời gian, mưa nắng.

Năm 2000, sau khi được vay 3 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm của Hội, chị Loan mạnh dạn bàn với chồng mua một con bò. Từ con bò ban đầu cùng sự cần cù chịu khó lao động, tích lũy, học hỏi kinh nghiệm... chị có vốn và đầu tư chăn nuôi heo, bò, dê và trồng lúa. Có thời điểm, đàn heo trong chuồng của gia đình chị có tới 10 con heo nái, 200 con heo con, 11 con bò và gần chục con dê. Tiền lời kiếm được từ chăn nuôi, chị dùng mua thêm đất ruộng. Từ chỗ chỉ có 4 sào đất trồng lúa, sau 15 năm vợ chồng “chung lưng đấu cật”, đến nay gia đình chị sở hữu 4 hécta đất trồng lúa cho thu hoạch từ 2-3 vụ/năm. Vừa mở rộng diện tích trồng lúa, gia đình chị còn mua 4 máy xới, 2 máy cắt liên hợp phục vụ sản xuất của gia đình, cũng như người dân trong xã.

* Phát huy nội lực

Ổn định kinh tế gia đình, cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ yên tâm gắn bó với công tác Hội, từng bước đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ đi lên. Nhận thức được điều đó nên trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững luôn được các cấp Hội đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, một trong những hình thức hỗ trợ phổ biến, thiết thực nhất của các cấp Hội hiện nay là giúp vốn thông qua các chương trình, đề án, hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến cuối năm 2016, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đang quản lý trên 38 ngàn hộ vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 698 tỷ đồng.

Các cấp Hội còn đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tiết kiệm nhằm phát huy nội lực của cán bộ, hội viên trong việc giúp đỡ hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn. Toàn tỉnh đã thành lập được trên 7 ngàn tổ tiết kiệm có trên 123 ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia với số dư gần 65 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội đã phát động đợt thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, mỗi cán bộ, hội viên tiết kiệm ít nhất 5 ngàn đồng/tháng. Kết quả, cán bộ, hội viên trong tỉnh tham gia tiết kiệm với số dư trên 89 tỷ đồng, giúp cho 91 ngàn lượt hội viên khó khăn vay.

Chi hội phụ nữ KP.5, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) là chi hội điển hình thực hiện mô hình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình, mỗi năm huy động từ 1,5-1,6 tỷ đồng vốn từ cán bộ, hội viên, hỗ trợ khoảng 80 lượt hội viên khó khăn (khoảng 20 triệu đồng/người). Chị Phạm Thị Bông, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.5, chia sẻ thông thường đầu năm chi hội khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên trong năm để làm cơ sở vận động tiết kiệm. Nếu số tiền tiết kiệm của chị em khá không đáp ứng đủ nhu cầu của hội viên có nhu cầu vốn thì chi hội sẽ họp xét cho những trường hợp khó khăn vay trước, rồi lần lượt đến các hội viên còn lại. Cuối năm, chi hội thanh toán tiền vay sòng phẳng kèm theo một phần quà thay lời cảm ơn. “Cách làm này đã tạo được lòng tin của hội viên và được chi hội duy trì nhiều năm nay. Nhiều chị em cuối năm được thanh toán đã ngay lập tức gửi lại cho chi hội giải quyết cho chị em khác vay vào năm sau” - chị Bông nói.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều