Báo Đồng Nai điện tử
En

90 năm tác phẩm Đường kách mệnh: Một tác phẩm lý luận vô giá

09:02, 24/02/2017

Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường kách mệnh. Đây được xem là một tác phẩm lý luận vô giá của Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị.

Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường kách mệnh. Đây được xem là một tác phẩm lý luận vô giá của Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị.

Tác phẩm Đường kách mệnh.
Tác phẩm Đường kách mệnh.

Ngay trong mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc đã trích 2 câu trong cuốn Làm gì? của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.

* Có chủ nghĩa là nòng cốt

Nguyễn Ái Quốc đã giải thích cách mệnh là gì, là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Nguyễn Ái Quốc đã giảng giải ngắn gọn: Cách mệnh là gì? Cách mệnh có mấy thứ? Vì sao mà sinh ra tư bản cách mệnh? Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh? Vì sao mà sinh ra giai cấp cách mệnh? Cách mệnh khó hay dễ? Cách mệnh trước hết phải có cái gì?

Trong Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và lực lượng cách mạng gồm: sĩ, nông, công, thương. Tiếp thu những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, Đường kách mệnh chỉ ra rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy phải động viên, tổ chức và lãnh đạo đông đảo quần chúng vùng lên đánh đuổi kẻ thù. Để lãnh đạo nhân dân đứng lên giành độc lập, Nguyễn Ái Quốc xác định công việc đầu tiên phải làm là thành lập tổ chức của những người cộng sản, huấn luyện, đào tạo họ để trở thành những chiến sĩ tiên phong cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Trước hết, phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức (…). Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”.

Nguyễn Ái Quốc khẳng định Đảng muốn vững cần “có chủ nghĩa làm cốt”. Vì vậy, phải giáo dục chủ nghĩa Lênin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để những người cách mạng Việt Nam, mà trước hết những người cộng sản luôn là những người tiên phong dám hy sinh, xả thân vì sự nghiệp. Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị đối với sự ra đời và vững mạnh của Đảng, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng việc giáo dục chủ nghĩa Lênin là nguyên tắc đảm bảo cho Đảng có phương hướng, có nền tảng vững chắc. Người cũng khẳng định chỉ theo con đường của Lênin mới đảm bảo cho thành công của cách mạng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Là tác phẩm “phổ thông” về lý luận chính trị nên cách viết, ngôn ngữ, văn phong của tác phẩm rất cô đọng, dễ hiểu. Ngay mở đầu cuốn sách, khi nói về lý do cần viết cuốn sách này, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì cũng rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ, trang hoàng gì cả (…). Sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”.    

* Quan tâm giáo dục đạo đức, tư tưởng

Đánh giá về giá trị của tác phẩm Đường kách mệnh, trong lời giới thiệu cuốn sách xuất bản năm 1982, đồng chí Trường Chinh đã viết: Đường kách mệnh chẳng những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời kỳ đã qua mà còn soi sáng con đường cho nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong giai đoạn mới”. Thực tiễn của 90 năm sau sự ra đời của tác phẩm lý luận nổi tiếng này đã chứng minh tính đúng đắn trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về lý luận chính trị luôn được Đảng ta xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong những giải pháp đầu tiên là: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Việc lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lười học tập lý luận chính trị đã được nghị quyết xác định là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Là người ngay từ khi chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời của Đảng và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục lý luận chính trị và giáo dục thực hành lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. 90 năm tác phẩm Đường kách mệnh ra đời những tư tưởng này của Người lại sáng rõ hơn bao giờ hết.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều