Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

10:01, 06/01/2017

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016, hầu hết các ý kiến tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 (khóa X) đều thống nhất cho rằng những thành tựu mà Đồng Nai đã đạt được khá toàn diện.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016, hầu hết các ý kiến tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 (khóa X) đều thống nhất cho rằng những thành tựu mà Đồng Nai đã đạt được khá toàn diện. Điều này thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.NGHĨA
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: C.NGHĨA

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, như: các dự án treo, ô nhiễm môi trường, khai thác cát trái phép…

* Phải giải quyết tình trạng ô nhiễm

Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa, hiện nay Vĩnh Cửu đang chịu cảnh ô nhiễm khủng khiếp từ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn. Để giảm bớt bụi, ô nhiễm cho người dân sống xung quanh khu vực có khai thác khoáng sản, huyện đã có đề án làm mương dọc 2 bên đường để hứng nước tưới đường, xả bụi. Huyện đề nghị tỉnh để lại phí tài nguyên môi trường cho địa phương để địa phương có kinh phí xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện nay, loại phí này đang do tỉnh quản lý.

 Ngoài ô nhiễm từ khai thác khoáng sản, người dân Vĩnh Cửu còn bị ô nhiễm từ các trang trại chăn nuôi lớn của một số doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp gây ô nhiễm cho người dân địa phương, huyện không có thẩm quyền xử phạt, chỉ biết báo cáo về Sở Tài nguyên - môi trường. Đồng chí Nghĩa cho rằng, cơ quan chức năng và địa phương phải có sự phối hợp tích cực trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, kiên quyết di dời và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Quách Hữu Đức nêu thực trạng nói cải cách hành chính được đẩy mạnh, có chuyển biến nhưng nhiều việc còn xử lý chậm. Mỗi khi thu hồi đất của dân để làm dự án, dân đều bức xúc về giá cả đền bù nhưng khi đối thoại với dân về việc này, cơ quan thẩm định giá không trực tiếp đối thoại với dân để giải thích cặn kẽ mà chủ yếu chỉ có hội đồng bồi thường đối thoại với dân, trong khi cơ quan này không phải người làm ra giá nên khó giải thích cặn kẽ, gây bức xúc cho dân.

Nhân dân Nhơn Trạch cũng rất bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép và có phép. Việc này đang gây ô nhiễm môi trường cho người dân và ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản ở những vùng thuộc xã Phước An, Long Thọ. Việc cấp phép khai thác cát hiện nay do tỉnh và Trung ương cấp, huyện không biết. Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch kiến nghị, khi cấp phép phải được tiến hành song song với kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án.

* Mỗi địa phương nên có điểm uống Methadone

 Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải bày tỏ trong năm 2016, Long Khánh có 2 chỉ tiêu không đạt: tình hình tội phạm và tai nạn giao thông. Nguyên nhân là Long Khánh mới có trạm điều trị nghiện ma túy bằng methadone. Hàng ngày, có khoảng 400 đối tượng từ một số huyện lân cận chưa có trạm này đến Long Khánh để uống thuốc. Từ ngày trạm điều trị nghiện ma túy bằng methadone được đặt tại Long Khánh, tội phạm hình sự ở Long Khánh đã tăng mạnh. Nhiều đối tượng ở nơi khác đến Long Khánh uống thuốc xong không về ngay, lòng vòng khắp thị xã gây ra các vụ cướp giật.

Khi các đối tượng dồn về một nơi, dễ tạo điều kiện cho người nghiện khắp nơi gặp gỡ, quen biết, rủ rê nhau thêm phức tạp. Do đó, tỉnh nên chỉ đạo mỗi địa phương có 1 trạm điều trị nghiện ma túy bằng methadone để đối tượng của địa phương nào, uống thuốc ngay tại địa phương đó, tránh gây phức tạp cho địa phương khác.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận thì nêu thực trạng nhiều cán bộ cơ sở đã làm đơn xin nghỉ việc, nhất là đội ngũ cán bộ bán chuyên trách. Phần lớn cán bộ xin nghỉ việc vì lý do kinh tế, lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống. Nhiều cán bộ đã được xã cử đi học, nay nghỉ việc, phí.

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các cấp ủy cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Trong đó, năm 2017 phải là năm siết chặt kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu để bộ máy được vận hành trơn tru.

Phương Hằng

Đồng chí Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Tránh dự án ô nhiễm môi trường

Hiện nay, Đồng Nai hết sức tránh thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là khi doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương, đóng góp cho địa phương được bao nhiêu thuế, chất lượng cuộc sống người lao động ra sao… Tuy nhiên, nếu đưa ra các tiêu chí thu hút đầu tư cao và khó thì lại bị đánh tụt hạng về năng lực cạnh tranh, vì doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận đầu tư ở Đồng Nai.

Đồng chí Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch: Phòng phải đi đôi với chống

Trong năm 2016, có chỉ tiêu về tội phạm hình sự không đạt. Một địa phương phát triển như Đồng Nai bảo không có tội phạm là chuyện không tưởng. Vấn đề tội phạm trên địa bàn là đương nhiên, quan trọng là phải phòng và chống như thế nào. Phòng và chống phải tiến hành song song. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nơi nào xảy ra nhiều vụ tội phạm bị trừ điểm thi đua nên có nơi án xảy ra nhiều mà không dám báo, từ đó làm hạn chế việc tấn công trấn áp tội phạm. Do đó, phải nghiên cứu để thay đổi cách chấm điểm thi đua kiểu này. Nên học tập như TP.Hồ Chí Minh, nơi nào tấn công, trấn áp được nhiều tội phạm, nơi đó được khen thưởng.

 

Tin xem nhiều