Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển y tế biển, đảo để phục vụ dân

10:01, 20/01/2017

Từ năm 2013, Chính phủ phê duyệt và thực hiện Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020. Đề án nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Từ năm 2013, Chính phủ phê duyệt và thực hiện Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020. Đề án nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

Đưa bệnh nhân từ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đến Bệnh viện Quân y 175 (TP.Hồ Chí Minh) để điều trị.
Đưa bệnh nhân từ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đến Bệnh viện Quân y 175 (TP.Hồ Chí Minh) để điều trị.

Theo đề án, việc phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh biển đảo từ nay đến năm 2020 được chú trọng. Bộ Y tế đã tổ chức đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho 6 khoa hồi sức cấp cứu thành trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedecine) đặt tại 6 bệnh viện ven biển, gồm: Viện Y học biển (TP.Hải Phòng), Bệnh viện Quân khu 4  (tỉnh Nghệ An), Bệnh viện C (TP.Đà Nẵng), Bệnh viện 87 (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt Nga - Vietsopetro (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Bệnh viện quân dân y 78 (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Nhờ đó, y tế biển, đảo có điều kiện để phát triển chuyên sâu, phục vụ việc khám, chữa bệnh tại chỗ cho quân, dân.

Từ hoạt động xung kích của các tổ quân y

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngành quân y mà trực tiếp là các bệnh viện lớn của quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, bảo đảm ngày càng tốt hơn trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho quân và dân.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai lực lượng quân y ở biển, đảo. Đại tá, bác sĩ Nguyễn Kỳ Dưỡng, Khoa Ngoại bụng Bệnh viện Quân y 175, Tổ trưởng Tổ Quân y đầu tiên ở huyện đảo Trường Sa, nhớ lại: “25 năm trước, cuộc sống của quân, dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn gian khổ lắm. Chúng tôi ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Phòng mổ nhỏ, chật hẹp, trang thiết bị thiếu thốn và không đồng bộ. Thuốc men chỉ có các loại thông thường. Để khắc phục, tổ quân y chúng tôi đã xác định quyết tâm, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để xử trí, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường...”.

Các bệnh viện khác, như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7), Viện Quân y 110 (Quân khu 1), Bệnh viện Quân y 87 (Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân)… cũng đưa các tổ quân y thực hiện nhiệm vụ y tế ở các điểm đảo. Hoạt động khám bệnh, thu dung, điều trị không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, mà còn phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản trên các ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Tại Bệnh xá đảo Trường Sa, chỉ trong giai đoạn 2012-2016 đã tiếp nhận hơn 6 ngàn lượt bệnh nhân, xử trí cấp cứu 105 trường hợp; phẫu thuật thành công 54 ca, trong đó có các ca phức tạp, như: viêm phúc mạc ruột thừa, chấn thương sọ não, đa chấn thương...; thực hiện thành công 2 ca mổ sinh trên đảo...

Đầu tư đồng bộ, chuyên sâu cho y tế biển, đảo

Trong những năm gần đây, hệ thống y tế biển, đảo ngày càng được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, như: máy siêu âm, huyết học, điện tim, tăng áp… Hoạt động y tế biển, đảo cũng ngày càng được các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quan tâm, chăm lo; huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Hơn 5 năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) phối hợp với các bệnh viện đã triển khai đầu tư các hệ thống y khoa trực tuyến Telemedicine ở một số cơ sở quân y, bệnh xá của các đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, tàu quân y kết nối với Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Qua hệ thống này, các cơ sở quân y ở đảo đã truyền trực tiếp hình ảnh, dữ liệu về các bệnh viện để được hỗ trợ hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị. Nhiều ca phẫu thuật phức tạp đã được thực hiện thành công tại Trường Sa nhờ được hỗ trợ hội chẩn, chỉ đạo từ đất liền thông qua hệ thống truyền thông hiện đại. Đây là bước đột phá lớn trong công tác y tế, xử trí kịp thời và hiệu quả các ca bệnh nặng. Những ca quá nặng thì được chăm sóc, bảo đảm giữ ổn định ban đầu, sau đó được chuyển về đất liền bằng tàu hoặc trực thăng để tiếp tục điều trị. Nhờ đó, trong những năm qua chưa xảy ra một trường hợp nào tử vong trên đảo trong quá trình cấp cứu, điều trị, chuyển bệnh.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết “Thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Quân chủng Hải quân, các cơ quan, ban, ngành, địa phương… triển khai các chương trình nâng cao công tác y tế biển, đảo; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh xá đảo Trường Sa. Mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ trước khi ra đảo làm nhiệm vụ đều được tham gia những khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, bảo đảm khả năng xử trí đa khoa. Bệnh viện cũng xây dựng các phương án, huấn luyện cấp cứu, điều trị, chuẩn bị trang thiết bị y tế, thuốc men, phối hợp với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - không quân trong hoạt động chuyển bệnh về đất liền, bảo đảm kịp thời, an toàn nhất”.

Hiện nay, dự án nâng cấp Bệnh xá đảo Trường Sa đang được gấp rút thực hiện. Dự kiến đến tháng 5-2017, dự án sẽ hoàn thành, đưa Bệnh xá đảo Trường Sa trở thành một trung tâm y tế hiện đại, đồng bộ hơn và có nhiều chuyên khoa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên biển, đảo.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 1 triệu lao động làm việc trên biển. Ước tính đến năm 2020, khoảng 35-40% dân số toàn quốc sẽ sinh sống tại các vùng biển, hải đảo. Cuộc sống người dân ở các vùng biển, đảo và ven biển có đặc thù là bị chia cắt với đất liền, nếu cơ sở y tế không đủ trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị, bệnh nhân sẽ phải chuyển vào đất liền, đi lại rất vất vả, tốn kém, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Việc tăng cường mạng lưới khám, chữa bệnh biển đảo nhằm mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người dân.

P.V (tổng hợp)

 

 

 

Tin xem nhiều