Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành tư pháp Đồng Nai chuyển biến tích cực

11:08, 24/08/2016

Ngành tư pháp Đồng Nai được thành lập vào năm 1982. Qua 34 năm hoạt động, ngành tư pháp tỉnh đã từng bước trưởng thành và phát triển; tổ chức bộ máy không ngừng được kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường...

Ngành tư pháp Đồng Nai được thành lập vào năm 1982. Qua 34 năm hoạt động, ngành tư pháp tỉnh đã từng bước trưởng thành và phát triển; tổ chức bộ máy không ngừng được kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường...

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến tặng quà cho người nghèo xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến tặng quà cho người nghèo xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).

Kết quả hoạt động của ngành tư pháp đã cùng với các ngành, địa phương góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Từng bước trưởng thành

Ngày thành lập, Sở Tư pháp chỉ có 7 cán bộ. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc Sở là 109 người và đa số có trình độ cử nhân luật. Cơ quan tư pháp cấp huyện ban đầu chỉ có 4 phòng tư pháp, hiện các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đã kiện toàn phòng tư pháp với 77 công chức. Vai trò của tư pháp cấp xã và tổ hòa giải cơ sở ngày càng được coi trọng, hoạt động thiết thực, tăng cường sự đoàn kết nội bộ, ngăn ngừa các vụ vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tư pháp tỉnh không chỉ bắt kịp nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện rất tốt vai trò “người gác cổng” cho các cấp chính quyền trong việc ban hành các văn bản, như: tham mưu xây dựng kế hoạch ban hành văn bản UBND tỉnh, thẩm định tính pháp lý văn bản trước khi trình UBND ký ban hành; kiểm tra loại bỏ hàng trăm văn bản không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tham gia góp ý xây dựng luật, pháp lệnh; đặc biệt là việc tổ chức tổng kết Hiến pháp năm 1992, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Dân sự sửa đổi và tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013…

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung thiết thực, nhiều hình thức phong phú. Ngành tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành đưa pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân. Công tác công chứng, chứng thực và cấp các loại giấy tờ hành chính tư pháp được giải quyết nhanh, đúng trình tự thủ tục và đúng pháp luật. Trung tâm trợ giúp pháp lý đi sát các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa để trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, gia đình cách mạng.

Ngành tư pháp đã tăng cường tham mưu trong thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại và thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch toàn tỉnh.

* Những kết quả nổi bật

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho hay công tác tư pháp ở Đồng Nai thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện thể chế và các quy định liên quan, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và môi trường ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nét nổi bật của ngành là chủ động tham mưu, triển khai đầy đủ, toàn diện và thực hiện nhiều giải pháp mới, sáng tạo trên các lĩnh vực: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông hiện đại; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Với vai trò “người gác cổng” cho chính quyền, vào năm 2015, ngành tư pháp tỉnh thực hiện thẩm định 45 dự thảo và tự kiểm tra 33 văn bản quy phạm pháp luật và 9 văn bản cá biệt, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý 1 văn bản quy phạm chưa phù hợp về nội dung, 3 văn bản không phải là văn bản quy phạm nhưng chứa quy phạm pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền 23 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành.

Trong năm 2015, Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng cờ thi đua xuất sắc. Sở đã tăng cường chất lượng công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính của 20 sở, ngành; triển khai mô hình liên thông thủ tục “3 trong 1” về cấp giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi ở cấp xã. Sở đã cấp 4.250 phiếu lý lịch tư pháp với tỷ lệ giải quyết đúng hạn, trước hạn đến gần 99%.

Trong công tác cải cách hành chính, tỷ lệ giải quyết trễ hạn hồ sơ của dân trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn dưới 2% (năm 2013 là 45%, năm 2014 là 25%, năm 2015 là 5%). Nhờ vậy, vị trí xếp hạng cải cách hành chính của Sở Tư pháp không ngừng tăng lên (năm 2013 xếp thứ 19, năm 2014 xếp thứ 14 và năm 2015 xếp thứ 9).

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều