Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới để thu hút người lao động

08:07, 27/07/2016

Việt Nam với xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới đã đem lại nhiều việc làm hơn cho người lao động. Tuy nhiên thời gian tới với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự báo tổ chức Công đoàn sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn.

 

Việt Nam với xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới đã đem lại nhiều việc làm hơn cho người lao động. Tuy nhiên thời gian tới với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự báo tổ chức Công đoàn sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn.

Người lao động Công ty Changshin Việt Nam trong giờ sản xuất.
Người lao động Công ty Changshin Việt Nam trong giờ sản xuất.

Khó khăn lớn nhất đối với Công đoàn khi Việt Nam gia nhập TPP chính là “giữ chân” được người lao động tiếp tục đứng trong tổ chức của mình. Muốn làm được điều đó thì đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải mạnh ngay từ cơ sở.

* Nâng chất Công đoàn cơ sở

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm đến nay tình hình đình công ở các doanh nghiệp còn diễn ra khá phức tạp khi có tới 30 vụ đình công xảy ra, chủ yếu liên quan tới chế độ tiền lương, tiền công. Số công nhân tham gia các vụ đình công nói trên lên tới 10 ngàn người. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới 25/30 vụ đình công, có những vụ đình công kéo dài nhiều ngày mới được xử lý dứt điểm. 

Điều trăn trở nhất là các vụ đình công phần lớn diễn ra ở những doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn cơ sở, tuy nhiên Công đoàn cơ sở lại không phải là đại diện đứng ra tổ chức hướng dẫn đình công đúng pháp luật, mà chủ yếu là tự phát. Điển hình là vụ đình công kéo dài tới 12 ngày tại Công ty hữu hạn sợi Tainan Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) nằm ngoài khả năng xử lý của Công đoàn cơ sở, buộc phải nhờ tới Công đoàn cấp trên và một số sở, ngành liên quan can thiệp.

Có những vụ tranh chấp lao động dù nhỏ lẻ, nhưng cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp không dám mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Điển hình như vụ tranh chấp lao động tại Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp  Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) mới đây. Khi xảy ra tranh chấp, người lao động tìm gặp Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty để được bảo vệ quyền lợi thì bị lảng tránh trách nhiệm, vì chính Chủ tịch Công đoàn cũng sợ bị doanh nghiệp “làm khó”.

* Công đoàn cần làm mới

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho rằng việc Việt Nam ngày càng gia nhập sâu với nền kinh tế thế giới là cơ hội cho công nhân lao động, nhưng cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy tổ chức Công đoàn cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đổi mới để phù hợp với nhiệm vụ hiện nay. Để có thể tự tin hội nhập, Công đoàn Đồng Nai không chỉ nâng số lượng doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, tỷ lệ người lao động tham gia tổ chức Công đoàn mà quan trọng không kém chính là nâng cao chất lượng hoạt động.

Để sẵn sàng cho hội nhập, đặc biệt là tới năm 2018 khi TPP chính thức có hiệu lực, sẽ có thêm nhiều tổ chức bảo vệ người lao động khac ra đời, hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh đã và đang tiếp tục chăm lo phát triển đoàn viên, phát triển tổ chức Công đoàn, hướng các hoạt động xuống cơ sở. Một trong những hoạt động đó là tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân; nâng cao kỹ năng thương lượng, hiểu biết pháp luật cho cán bộ Công đoàn; xây dựng các mô hình hỗ trợ công nhân lao động trẻ, kiến nghị khẩn trương đầu tư các thiết chế văn hóa cho công nhân, đặc biệt là nhà ở, nhà trẻ và nhà văn hóa.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết:“Trong thời kỳ hội nhập, sẽ sớm có những tổ chức bảo vệ người lao động khác ra đời, nhưng yêu cầu tất yếu là Công đoàn Việt Nam phải hoạt động hiệu quả, bảo vệ được những quyền lợi sát sườn của người lao động. Hiểu và nói được tiếng nói bức xúc của người lao động thì người lao động sẽ chỉ đi theo duy nhất tổ chức Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Để phát triển thêm các tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai việc thành lập và vận động theo phương pháp mới. Theo đó, thay vì Công đoàn cấp trên xuống doanh nghiệp vận động thành lập và công nhận Công đoàn cơ sở, thì hiện nay người lao động có thể xin phép tự thành lập Công đoàn, tự bầu ra ban chấp hành Công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng hướng Công đoàn cơ sở tập trung vào các giải pháp trọng tâm để thể hiện uy tín với người lao động, như: thường xuyên đối thoại, thương lượng tập thể, giám sát chặt chẽ doanh nghiệp thực hiện pháp luật về lao động, môi trường làm việc. Ở những doanh nghiệp có đông lao động sẽ có cán bộ Công đoàn chuyên trách.

Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng Công đoàn cần chuẩn bị tốt các điều kiện để khi TPP chính thức có hiệu lực thì Công đoàn phải đủ mạnh để tiếp tục “giữ chân” người lao động, thay vì người lao động tìm tới những tổ chức khác. Muốn vậy cán bộ Công đoàn phải thực sự mạnh, am hiểu pháp luật, năng động, tâm huyết vì cán bộ mạnh thì phong trào mạnh. Muốn vậy, hoạt động của Công đoàn Đồng Nai sẽ phải tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tránh bệnh hình thức, phải thiết thực, tập trung vào những nhu cầu cấp bách và chính đáng của người công nhân lao động.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều