Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới công tác tuyên giáo

05:08, 01/08/2013

Không còn cảnh cán bộ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa phải lặn lội về tỉnh mỗi khi học tập nghị quyết, hiện nay báo cáo viên chỉ cần ngồi một chỗ đã có thể truyền đạt nội dung đến khắp nơi trong tỉnh.

Không còn cảnh cán bộ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa phải lặn lội về tỉnh mỗi khi học tập nghị quyết; báo cáo viên chỉ cần ngồi một nơi có thể truyền đạt nội dung đến khắp nơi trong tỉnh. Đó là viễn cảnh tương lai khi dự án đầu tư hội nghị truyền hình trực tuyến thực hiện thành công từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Các cán bộ của tỉnh tham gia một hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 7 tại hội trường Công an tỉnh bằng hình thức trực tuyến.

Dự án hội nghị truyền hình trực tuyến do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm chủ đầu tư, phối hợp cùng các sở: Khoa học - công nghệ; thông tin - truyền thông thực hiện. Hiện dự án đã được xây dựng hoàn chỉnh, chờ ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện.

Góp phần đổi mới công tác Đảng

PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, cho biết dự án hội nghị trực tuyến truyền hình đã được triển khai theo đúng quy trình. Công tác thẩm định được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo trang thiết bị sử dụng đều hiện đại, đồng bộ. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng tính toán khắc phục được nhược điểm về tính một chiều của hội nghị trực tuyến.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết từ năm 2007, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đầu tiên tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng bằng hình thức truyền hình trực tuyến cùng lúc tại 13 điểm cầu trên toàn tỉnh, với 3.721 cán bộ, đảng viên chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở cùng tham dự. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều hoan nghênh hình thức tổ chức hội nghị này và bày tỏ nguyện vọng sớm triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện được thêm khoảng 5 hội nghị trực tuyến online với khoảng 14 ngàn cán bộ, đảng viên tham gia. Dịp triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào đầu năm 2013 thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến tại hội trường Công an tỉnh cũng rất thành công, càng khẳng định ưu thế của hình thức này.

[links(left)]Tuy nhiên, nhược điểm của hội nghị trực tuyến đã và đang thực hiện là chạy trên đường truyền ADSL - vốn là một đường truyền dân sự, nhỏ, yếu, bấp bênh và không ổn định. Bên cạnh đó, các hội nghị trực tuyến hiện nay vẫn còn mang tính một chiều, chưa có sự trao đổi thông tin từ người nghe đến báo cáo viên. Vì thế, việc đầu tư hội nghị truyền hình trực tuyến nhằm khắc phục các nhược điểm trước đây, góp phần đổi mới công tác Đảng.

Theo quy hoạch của dự án, khi hội nghị truyền hình trực tuyến được thực hiện thành công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, sẽ có 28 điểm được kết nối. Trước mắt, từ nay đến năm 2018 có 12 điểm được kết nối (điểm của tỉnh và mỗi huyện, thị xã, thành phố có một điểm), với sức chứa mỗi điểm cấp huyện khoảng 150 người.

Nhiều ứng dụng với hiệu quả cao

Đồng chí Huỳnh Văn Tới nhận định, dự án hội nghị truyền hình trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả trong công tác Đảng, bởi có thể triển khai hơn 20 mô hình hoạt động. Với những nội dung phổ quát, cần truyền đạt nhanh đến các Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, thông qua hội nghị trực tuyến truyền hình sẽ giúp tất cả các đối tượng cùng một lúc đều được học tập nghị quyết, vừa tiết kiệm được kinh phí vì không cần tổ chức nhiều hội nghị ở cơ sở; thời gian phổ biến, thời gian di chuyển của cán bộ, đảng viên từ cơ sở về tỉnh, vừa nâng cao chất lượng truyền đạt bởi cấp cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc với báo cáo viên “xịn”.

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống đường truyền của dự án, có thể tổ chức các mô hình, như: đào tạo, bồi dưỡng báo cáo viên, đào tạo các lớp trung cấp lý luận chính trị từ xa, các lớp bồi dưỡng chuyên đề, chuyên môn cho Đảng và Nhà nước; phục vụ giao ban cấp ủy, thường trực ủy ban, giao ban hàng quý của các tổ chức, đoàn thể chính trị- xã hội. Một triển vọng nữa từ dự án là có thể tổ chức các cuộc tiếp dân, tiếp xúc cử tri, giải quyết nguyện vọng của nhân dân... mà không nhất thiết các đại biểu phải tốn nhiều thời gian đi đến từng cụm dân cư. “Khi dự án truyền hình trực tuyến đi vào hoạt động, không chỉ phục vụ cho học tập nghị quyết mà còn phục vụ cho công tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước được diễn ra ngay tại cơ sở” - đồng chí Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.

Phương Hằng

 

 

 

 

Tin xem nhiều