Báo Đồng Nai điện tử
En

Có lộ trình giải quyết vấn đề “nóng”

11:07, 12/07/2013

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra vào sáng 12-7 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra vào sáng 12-7 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo nhận xét của chủ tọa kỳ họp, đại biểu chất vấn đã thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cử tri, còn cơ quan được chất vấn trả lời đúng nội dung, xác định rõ trách nhiệm đồng thời đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (tổ đại biểu Long Thành) chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (tổ đại biểu Long Thành) chất vấn tại kỳ họp.

8 vấn đề mà đại biểu tập trung chất vấn đều là những vấn đề được cử tri hết sức quan tâm, như: hiệu quả ứng dụng một số đề tài khoa học, công nghệ chưa cao; việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán không đảm bảo điều kiện vệ sinh; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn xảy ra nhiều sai phạm…

* Khó định lượng hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (tổ đại biểu Long Thành) chất vấn: “Một số đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh chậm triển khai và hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn chưa cao.  Đề nghị Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho biết hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án khoa học công nghệ từ năm 2010 đến nay, những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục”.[links(right)]

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng cho biết, từ năm 2010 đến nay, Đồng Nai thực hiện 69 đề tài, dự án khoa học - công nghệ mới và 51 đề tài, dự án chuyển tiếp, trong đó đã nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 61 đề tài, dự án. Nhiều đề tài, dự án có tính ứng dụng cao và được triển khai có hiệu quả, nhất là những đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như dự án xây dựng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học; dự án đưa công nghệ thông tin về nông thôn hiện đã được triển khai ở 133 xã trong toàn tỉnh. Hay đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống tội phạm về tham nhũng. “Có những đề tài, dự án thấy được rõ hiệu quả của nó nhưng cũng có những đề tài, dù rất có ý nghĩa, tuy nhiên để lượng hóa việc này thì chưa thể đánh giá cụ thể được. Bên cạnh đó, phải thừa nhận một thực tế là, hiệu quả của không ít dự án, đề tài còn hạn chế do mới chỉ phát huy mang tính cục bộ, đơn lẻ ở từng đơn vị, khó triển khai đại trà” - ông Sáng nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho rằng, có những đề tài chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và đề nghị Sở Khoa học - công nghệ phải tăng cường các giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể hơn nữa.

* Chưa kiểm soát được hoạt động giết mổ

Trả lời chất vấn của đại biểu Quách Ngọc Lan (tổ đại biểu huyện Định Quán) về tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát, chưa được phép dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo thừa nhận ngành chưa làm tốt vai trò của mình. Ông Đạo nói: “Hiện trên địa bàn vẫn còn khoảng 200 điểm giết mổ lậu, tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và TP.Biên Hòa. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sắp xếp giết mổ còn chậm; cơ quan thú ý chưa làm tốt việc kiểm tra những cơ sở giết mổ không đủ điều kiện để rút giấy phép; công tác quản lý dịch bệnh từ gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh mới đánh giá được 29/174 cơ sở giết mổ (tỷ lệ 17%), có 5 cơ sở đạt loại A, 13 cơ sở đạt loại B và 11 cơ sở đoạt loại C. Đáng nói là các cơ sở giết mổ loại B và C chủ yếu theo phương thức thủ công, trang thiết bị thô sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường…”.

Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Huy Hoàng khi trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Ngôn (đơn vị huyện Thống Nhất) về công tác quản lý quy hoạch Khu liên hợp thể dục thể thao của tỉnh (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) cho biết, khu liên hợp này được quy hoạch từ năm 2001 với quy mô 45,75 hécta. “Khu vực này khi quy hoạch đất chỉ có 14 hộ dân sinh sống nhưng đến nay, con số mà chúng tôi nắm được là đã có 1.186 hộ. Tình trạng sang nhượng, xây dựng trái phép ở đây diễn ra khá phức tạp nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, kiên quyết” - ông Hoàng cho hay.

Đại biểu Quách Ngọc Lan cho rằng, ngành nông nghiệp chưa làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và một khi công tác này làm chưa tốt thì người tiêu dùng sẽ còn tiếp tục bất an. “Vì vậy, tôi đề nghị ngành phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp để hoạt động giết mổ đảm bảo an toàn” - bà Lan nói. Ông Phạm Minh Đạo cũng đã hứa sẽ kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, giết mổ dọc đường, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đồng thời kêu gọi đầu tư, củng cố và hỗ trợ các hợp tác xã giết mổ trên địa bàn hoạt động hiệu quả.

Nguyễn Phượng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều