Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường Sa vẫy gọi chúng tôi lên đường

09:09, 09/09/2014

Đã 26 năm, chiến sĩ Trung đoàn 131 Công binh Hải quân hành quân ra Trường Sa xây đảo. Đó là khoảng thời gian khá dài để đổi thay nhiều thứ, song có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là tinh thần nghị lực vượt khó và ý chí bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Đã 26 năm, chiến sĩ Trung đoàn 131 Công binh Hải quân hành quân ra Trường Sa xây đảo. Đó là khoảng thời gian khá dài để đổi thay nhiều thứ, song có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là tinh thần nghị lực vượt khó và ý chí bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Mặc dù khó khăn gian khổ, nhưng các thế hệ người lính vẫn hăng hái lên đường, chưa bao giờ chùn bước. Bởi họ hiểu, xây đảo Trường Sa là sứ mệnh thiêng liêng, là đi xây những ngôi nhà mang hình Tổ quốc trong tim họ. 

* Không bao giờ chùn bước

“Đại bản đại doanh” của Lữ đoàn 131 đóng ở phường 12, TP.Vũng Tàu vốn là trạm trung chuyển vật liệu, sắt thép; tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị khác về tăng cường, hoặc từ trụ sở chính của lữ đoàn đóng quân ở Hải Phòng vào.

Thiếu tá Đoàn Công Hoạch, trợ lý hậu cần của Lữ đoàn 131, chia sẻ: “Bây giờ xây đảo có phương tiện, máy móc hiện đại, song vẫn phải chuyển đá bằng tay. Riêng đối mặt với bão tố, thường xuyên thiếu nước ngọt, rau xanh thì vẫn như cũ”.

Chiến sĩ trẻ chuyển đá xuống tàu đi Trường Sa.
Chiến sĩ trẻ chuyển đá xuống tàu đi Trường Sa.

Tuy đi xây đảo gian khổ, vất vả nhưng theo Thiếu tá Hoạch, không phải chiến sĩ nào cũng được đi, mặc dù nhiều chiến sĩ xung phong, làm đơn tình nguyện. Trong thời gian ở “trạm dừng chân”, các chiến sĩ được giáo dục chính trị, lý tưởng, tinh thần vững vàng, chấp nhận gian khổ, đặc biệt là tình thương yêu đồng chí đồng đội, hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Vì thế, nhiều năm qua, hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ đi xây đảo đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trước đây nhiệm vụ xây đảo chủ yếu của Lữ đoàn 131, song từ năm 2007, nhiều đơn vị khác cũng đảm nhiệm xây đảo, như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tiểu đoàn 1 Công binh thuộc Vùng 4 Hải quân. Trước đây, xây đảo một mùa từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, nhưng nay bốn mùa đều xây đảo. Lính đảo không có khái niệm cuối tuần, chỉ được nghỉ vào ngày tết, lễ lớn, hoặc bão tố cấp 10 trở lên.

Trung úy Đặng Trân Cảnh, người đã có thâm nhiên hơn 10 năm xây các công trình trên đảo, cho biết: “Để bảo đảm tiến độ công trình, chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian. Ngày vác đá, đêm xây nhà. Thi công ở đảo nổi còn dễ dàng, thi công đảo chìm rất gian khổ. Gian nan nhất là làm cầu cảng, phải ngâm mình dưới nước biển cả ngày trời”.

* Hy sinh đâu chỉ thời chiến trận

Tháng 7-2013, Trung đoàn 131 Công binh Hải quân chính thức nâng cấp lên Lữ đoàn trực thuộc Quân chủng Hải quân. Qua 39 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã có những chiến sĩ hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ xây đảo.

Gần nhất là cách đây 1 năm, Thiếu úy chuyên nghiệp Đỗ Hữu Tuấn đã bị một bức tường thành nhấn chìm xuống rạn san hô, khi anh và 5 đồng đội gỡ giàn giáo giữa mưa to sóng lớn tại đảo Phan Vinh B. Trung úy Đặng Trân Cảnh chứng kiến sự hy sinh ấy kể lại: “Sau 1 tháng cả đơn vị thi công xong đoạn đê nối từ bờ kè ra sân bay. Chiều hôm ấy, Tuấn và 5 đồng chí tháo gỡ cốp pha, chuyển giàn giáo đến vị trí khác, thì bất ngờ dông gió ập đến. Những con sóng lớn cao hơn 2m liên tiếp ập vào chân bờ kè. Bất thần toàn bộ đoạn bờ kè đổ ập đè Tuấn xuống biển. Lúc đó chúng tôi lao tới. Nhiều người lặn xuống cố nâng những mảng tường vỡ để cứu Tuấn, nhưng vô vọng. Hơn 20 phút sau mới đưa được thi thể đồng chí Tuấn lên bờ. Chúng tôi đứng quanh thi thể Tuấn ôm mặt khóc”.

“Gian khổ là thế, nhưng cứ nói đi xây đảo là các chiến sĩ xung phong, kể cả khối quân nhân chuyên nghiệp, thế mới lạ chứ” - Thiếu tá Hoạch cười nói.

4 ngày sau đó, thi thể Đỗ Hữu Tuấn được chuyển về đất liền theo tàu trực, rồi đưa về Đại Hà, Kiến Thụy (Hải Phòng) an táng. Nơi ấy là tổ ấm của anh, có người vợ trẻ và 2 con nhỏ. “Do đặc thù, tính chất nhiệm vụ của đơn vị thường xuyên tiếp cận với công việc hiểm nguy, sóng gió, bão tố, nên không thể lường trước được những bất ngờ xảy ra. Chúng tôi luôn lấy đó là tấm gương về tinh thần dũng cảm để cán bộ, chiến sĩ học tập và noi theo” - Thiếu tá Hoạch cho biết.

* Tạm gác tình riêng

Để bảo đảm thay, chuyển quân, vật liệu ra đảo, những sĩ quan luôn có mặt túc trực tại đơn vị để đón bộ đội từ các đơn vị khác về tăng cường, nhận vật liệu từ nhà máy chuyển đến rồi bốc xuống tàu đưa đi đảo. 15 năm công tác ở Lữ đoàn 131, tính quân bình mỗi năm Thiếu tá Đoàn Công Hoạch, chỉ ở nhà trọn vẹn với vợ con 10-15 ngày. Do vậy, 2 con, một cháu 12 tuổi, một cháu lên 7 chỉ biết mặt cha qua ảnh và lời mẹ tả nhiều hơn thực tế.

Cho đến bây giờ, không chỉ lính “phòng không” mà cả “lính già” ở Lữ đoàn 131 vẫn truyền tai nhau câu chuyện “Đêm bay, ngày kia cưới”. Đó là chuyện từ 3 năm trước, sau “hai tăng” ròng ở Trường Sa xây đảo, Trần Văn Trung theo tàu về đất liền cưới vợ. Trước đó, cha mẹ anh ở Nam Định đã định ngày cưới. Phông màn đóng sẵn, khách mời đã xong. Sau gần 4 ngày đêm hành quân từ đảo Phan Vinh B, tàu neo tại Bãi Trước Vũng Tàu để vệ sinh, lau chùi vũ khí trước khi cập cảng. Nếu trong ngày mai không về kịp thì ngày kia ai làm chú rể? Được phép của chỉ huy, Trung nhờ xuồng của ngư dân chở vào bờ, rồi tức tốc bắt xe lên sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp chuyến bay đêm.

Nhưng không phải chiến sĩ nào cũng có được may mắn ấy. Như Đại úy Chu Đoàn Ngọc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 884 của lữ đoàn khi làm nhiệm ngoài đảo Phan Vinh B, được tin cha lâm bệnh qua đời nhưng không về được.

Thêm một mùa biển động đang đến gần, những người lính Công binh Hải quân Lữ đoàn 131 Anh hùng vẫn kiên cường ra Trường Sa xây đảo. Ra đảo, họ được cống hiến sức trẻ cho ngàn trùng sóng vỗ. Bởi họ hiểu, cuộn nén trong mỗi viên đá là công sức, mồ hôi của triệu triệu tấm lòng người dân đất Việt. Bởi họ thấu, mỗi viên đá ném vào lòng biển là góp phần kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la. Để mỗi khi Trường Sa vẫy gọi, họ lại lên đường...

Mai Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều