Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam: Giá “ảo”, 8 năm tăng 30 lần

07:01, 15/01/2012

Ngay sau khi mùa giải 2011 kết thúc, V.Ninh Bình đã chi 12 tỷ đồng để có thủ môn đội tuyển U.23 Việt Nam (VN) Mạnh Dũng (cầu thủ gốc Hải Phòng này phải bỏ ra 5 tỷ đồng đền bù cho 2 năm hợp đồng còn lại với Thanh Hóa). Có điều danh hiệu “Cầu thủ VN đắt giá nhất” hiện tại chắc chắn thuộc về tiền đạo Lê Công Vinh...

NHỮNG BẢN HỢP ĐỒNG ĐẮT GIÁ NHẤT MÙA GIẢI 2012
Ngay sau khi mùa giải 2011 kết thúc, V.Ninh Bình đã chi 12 tỷ đồng để có thủ môn đội tuyển U.23 Việt Nam (VN) Mạnh Dũng (cầu thủ gốc Hải Phòng này phải bỏ ra 5 tỷ đồng đền bù cho 2 năm hợp đồng còn lại với Thanh Hóa). Có điều danh hiệu “Cầu thủ VN đắt giá nhất” hiện tại chắc chắn thuộc về tiền đạo Lê Công Vinh. Để tránh điều tiếng nên người trong cuộc đều đồng lòng không tiết lộ giá trị thực của bản hợp đồng, nhưng người ta tin rằng ngoài khoản “tiền tươi thóc thật” nếu cộng cả những quyền lợi khác để “bầu” Kiên thuyết phục Công Vinh bỏ T&T (như cổ phần của Ngân hàng ACB hay Kienlong bank chẳng hạn), giá của “người yêu Thủy Tiên” không dưới 15 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm. Nếu đúng như những thông tin hành lang thì cầu thủ nội đắt giá thứ 2 chính là thủ môn Tấn Trường. Trước khi SG Xuân Thành trở thành Sài Gòn FC, “bầu” Thụy cũng kịp để lại thêm 1 bản hợp đồng “bom tấn” khi bỏ ra tới 9 tỷ đồng đền bù cho 3 năm hợp đồng còn lại của Tấn Trường với Đồng Tháp, cùng khoản lót tay 4 tỷ đồng cho riêng thủ môn này trong 2 năm thi đấu, vị chi là 13 tỷ (cùng lương tầm 40 đến 50 triệu đồng/tháng). Hai năm trước, Tấn Trường từng lập kỷ lục khi là thủ môn đắt giá nhất với bản hợp đồng 5 tỷ đồng cho 5 năm với Đồng Tháp.

Công Vinh
Công Vinh

Những bản hợp đồng đình đám khác phải kể đến Việt Thắng từ V.Ninh Bình về B.Bình Dương với giá 9 tỷ đồng/3 năm (trừ 2,5 tỷ chuộc 1 năm hợp đồng còn lại, thêm 700 triệu phí “bôi trơn”, Thắng “bế” bỏ túi thật gần 6 tỷ đồng). Như vậy, chỉ 2 năm, từ thời điểm Việt Thắng rời Đồng Tâm Long An (ĐTLA) cập bến V.Ninh Bình, tổng giá trị hợp đồng của cầu thủ này đã lên đến 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, trớ trêu đôi chân chục tỷ này lại đang có khả năng không có suất đá chính ở đội bóng đất Thủ. Một tiền đạo khác, Hoàng Đình Tùng, rời quê hương Thanh Hóa sang Hải Phòng cũng với giá 9 tỷ đồng. Bản hợp đồng để tuyển thủ quốc gia Việt Cường rời phố núi đầu quân cho Navibank SG chắc chắn cũng không dưới 9 tỷ thì hậu vệ người Đồng Tháp mới chấp nhận trả lại khoản “lót tay” 7 tỷ đồng, cùng căn hộ chung cư cao cấp (trị giá không dưới 2 tỷ) đã nhận của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở đầu mùa giải năm rồi.

Tấn Trường
Tấn Trường


GIÁ CẦU THỦ VIỆT TĂNG PHI MÃ
Trong 8 năm qua, “sàn” chuyển nhượng cầu thủ gia tăng một cách khủng khiếp. Hai mùa đầu tiên, V-League hầu như không có khái niệm mua bán cầu thủ nội. Vụ chuyển nhượng đầu tiên ở giải đấu này là trường hợp của Minh Phương. V-League 2003, Minh Phương chuyển từ Cảng SG tới ĐTLA với giá “kỷ lục”… 400 triệu đồng. Tiếp đó Trường Giang - cầu thủ được xem là phát hiện tại Tiger Cup 2002 - lập kỷ lục mới về giá chuyển nhượng khi được Bình Dương trả 1,2 tỷ đồng, trở thành cầu thủ đắt giá nhất V-League ở thời điểm đó. Năm 2008, kỷ lục củaTrường Giang đã bị phá rất sâu bởi Lê Công Vinh. Sau bàn thắng lịch sử vào lưới Thái Lan mang về chiếc cúp vô địch AFC Cup 2008, tiền đạo xứ Nghệ về Hà Nội T&T với bản hợp đồng gây “sốc”: “lót tay” 7 tỷ đồng cho 3 năm, cùng mức lương “khủng” 50 triệu đồng/tháng (không tính thưởng). Ngoài ra, T&T còn phải trả cho Sông Lam Nghệ An 500 triệu đồng phí đào tạo. Nhưng kỷ lục của Công Vinh chỉ tồn tại đúng 1 năm. Năm 2009, V.Ninh Bình, đội bóng của ông “bầu” Hoàng Mạnh Trường chiêu mộ trung vệ Như Thành của B.Bình Dương với giá 8 tỷ đồng. Cũng mùa này, đội bóng cố đô Hoa Lư còn mua tiền đạo Việt Thắng từ ĐTLA với giá 6 tỷ đồng trong 2 năm.

Việt Thắng
Việt Thắng

Mùa giải năm ngoái, Việt Cường đồng ý ở lại HAGL theo một bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm (tới năm 2014, nhưng năm nay Việt Cường đã về Navibank SG). Đổi lại, cầu thủ gốc Đồng Tháp này nhận khoản “lót tay” khoảng 7 tỷ đồng và một căn hộ chung cư cao cấp của HAGL tại TP.Hồ Chí Minh (trị giá không dưới 2 tỷ đồng, sau khi ra đi anh đã trả lại). Tuy nhiên, kết thúc V-League 2010, kỷ lục mới của cầu thủ VN đã thuộc về trung vệ Lê Phước Tứ, từ Thanh Hóa đến SG Xuân Thành với bản hợp đồng 3 năm có giá 12 tỷ đồng.

Đoàn Việt Cường.
Đoàn Việt Cường.

Như vậy, lấy Minh Phương và Phước Tứ làm phép so sánh, sau 8 năm, kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ VN đã tăng 30 lần.
Thị trường chuyển nhượng cầu thủ với mức giá “ảo” như hiện nay được coi là nguyên nhân gây mất ổn định cho các câu lạc bộ và bóng đá VN, nhất là trong bối cảnh cầu thủ “nghiệp dư” nhưng lãnh lương “chuyên nghiệp”.

Đông Kha
Công Vinh.
Việt Thắng.

 

Tin xem nhiều