Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày xuân suy ngẫm về "đoàn kết" theo tư tưởng Hồ Chí Minh

03:01, 28/01/2019

Nói đến "đoàn kết", mọi người nghĩ ngay đến câu "ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT. THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG!". Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần II năm 1961, gửi thông điệp đến quốc dân, đồng bào về sức mạnh đoàn kết, gọn trong 14 chữ, như một cặp câu đối hay. Ngày xuân, thanh thản với chén xuân, suy ngẫm về cặp đối này cũng là một cách đón xuân.

Nói đến “đoàn kết”, mọi người nghĩ ngay đến câu “ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT. THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG!”. Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần II năm 1961, gửi thông điệp đến quốc dân, đồng bào về sức mạnh đoàn kết, gọn trong 14 chữ, như một cặp câu đối hay. Ngày xuân, thanh thản với chén xuân, suy ngẫm về cặp đối này cũng là một cách đón xuân.

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn - bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ở đó, chân dung vị lãnh tụ hiện lên thật giản dị, gần gũi với thần thái ung dung, tự tại.
Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn - bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ở đó, chân dung vị lãnh tụ hiện lên thật giản dị, gần gũi với thần thái ung dung, tự tại.

* Kết tinh truyền thống của dân tộc

Đoàn kết có nghĩa là hội tụ lại, họp lại một cách hiệu quả, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Với cách hiểu như vậy, dân tộc ta đã có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, hội tụ sức mạnh của 54 dân tộc anh em, của tất cả các tầng lớp nhân dân khắp các địa bàn miền xuôi, miền ngược, nông thôn, thành thị, các giới, các lứa tuổi thuộc các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, qua các thời kỳ lịch sử nhằm mục đích chung là dựng nước, giữ nước, chống giặc xâm lược, giặc đói, giặc dốt (nói vui là giặc hai chân, giặc bốn chân và giặc không chân).

Tiết mục văn nghệ giao lưu văn hóa ASEAN tại Đồng Nai
Tiết mục văn nghệ giao lưu văn hóa ASEAN tại Đồng Nai. Ảnh: Hữu Cường

Nhờ vậy mà trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, trong điều kiện đất nước nhỏ bé, nghèo thiếu, nhiều thiên tai; dân tộc ta có được sức mạnh tổng hợp, trường tồn trong dựng nước, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước;  yếu thắng được mạnh, nội lực thắng ngoại xâm, sức người thắng thiên tai; đến nay, xây dựng được đất nước độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, thống nhất. Ai cũng thấy rằng, có được thành quả như vậy là nhờ truyền thống đoàn kết của dân tộc. Hai tiếng đoàn kết đã trở thành chân lý, bài học, phương châm, lẽ sống, tài sản văn hóa của dân ta.

Như vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến đoàn kết và thành công, đó không phải là sự khởi đầu, mà là sự kết tinh, tiếp nối, vận dụng và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

* Từ Xuân Kỷ Hợi 1959

Không phải đến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới lần đầu tiên nói đến “đoàn kết”. Từ khi làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến sức mạnh đoàn kết và vận dụng nó trong mọi hoạt động. Ít nhất là trong dịp Xuân Kỷ Hợi 1959, Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở, chúc xuân và truyền lửa “đoàn kết” đến mọi người. Ngày Tết Dương lịch 1959, Người có thơ chúc Tết, “đoàn kết” là lời chúc trước hết:

Chúc mừng đồng bào năm mới

Đoàn kết thi đua tiến tới

Hoàn thành kế hoạch ba năm

Thống nhất nước nhà thắng lợi.

Ngày 1-1-1959, buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Mặt trận đoàn thể; Người chúc: Năm mới đoàn kết, mạnh khỏe, vui vẻ, cố gắng và tiến bộ. Chữ đoàn kết cũng đặt lên hàng đầu. Buổi chiều cùng ngày, Người tiếp khách quốc tế, trong lời chúc cũng mở đầu bằng “đoàn kết”: Chúc đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước tốt đẹp, bền chặt.

Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đón các chức sắc tôn giáo đến chúc tết Tỉnh ủy nhân dịp Tết Nguyên đán 2018
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đón các chức sắc tôn giáo đến chúc tết Tỉnh ủy nhân dịp Tết Nguyên đán 2018

Ngày 7-1-1959, trong bài viết Tình hữu nghị vô sản thắng lợi cho Báo Tin tức (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Củng cố và tăng cường sự đoàn kết, nhất trí không gì phá vỡ nổi của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước anh em.

Ngày 30-1-1959, trong dịp dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần XXI, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva, người nhắc nhở: Mọi người phải học tập, đoàn kết để cùng tiến bộ. Khi viết lời tựa cho một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Nga ở Moskva, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh bài học của cách mạng Việt Nam: Dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi, trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh Moskva, Người cũng nhắc lại ý như vậy.

Đêm 29 rạng 30 Tết Kỷ Hợi (nhằm đêm 6 và rạng ngày 7-2 dương lịch), Bác Hồ đón xuân cùng thanh thiếu niên Việt Nam đang học tại Moskva, Bác chúc Tết, không quên chữ đoàn kết: Chúc các cháu mạnh khỏe, chăm ngoan, kính yêu thầy, đoàn kết với bạn, cố gắng học tập để sau này phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Vậy, “đoàn kết” là mong mỏi, kỳ vọng ở mọi người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó luôn thường trực, thôi thúc trong tâm trí của Người; nó có ý nghĩa là nguồn lực, là sức mạnh, là nguyên nhân đồng thời là mục tiêu của cách mạng; trong đó nội hàm được mở rộng và nâng cao về đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên tinh thần quốc tế vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự mình thực hành làm tấm gương, làm hạt nhân, làm biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc. 

* Đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh

Thời ta đang sống là thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế. Vấn đề “đoàn kết” toàn đân tộc luôn được đề cao, phát huy và phát triển.

Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ người dân khi tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KP.6, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú năm 2018
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ người dân khi tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KP.6, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú năm 2018

Thời này, thực hiện đại đoàn kết dân tộc có thuận lợi hơn trước do tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng thống nhất, kiên định trong các nghị quyết Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước;  được hiến định trong Hiến pháp (điều 9, Hiến pháp 2013), được luật hóa (đảm bảo trong mọi văn bản luật, Luật MTTQ Việt Nam 2015 số 75/2015/QH13); có tổ chức (MTTQVN và các đoàn thể chính trị, tổ chức của nhân dân). Tuy nhiên, do xã hội phát triển, phân hóa thành nhiều tầng lớp, nhiều thành phần xã hội khác nhau, lợi ích khác nhau nên hình thức thể hiện và cơ cấu thành phần khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng đa dạng, phong phú; có nhiều nét khác xưa, nhiều nét mới; cũng có nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay, có hiện tượng lợi dụng các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo, nhân quyền để kích hoạt hành vi phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đối với hiện tượng này cần được phân tích, phản bác, đấu tranh loại trừ, chống phân rã để đoàn kết hơn. Cũng có hiện tượng lôi kéo số đông núp bóng hoặc giả danh đoàn kết để mưu cầu lợi ích nhóm. Hiện tượng này có họ hàng với tham nhũng, dễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần được kê đơn, bốc thuốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Lại có hiện tượng “đoàn kết giả hiệu“: Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại... còn thừa một cây. Hiện tượng này gọi là bệnh chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, cần đặc trị bằng việc thực hiện quy chế dân chủ thực sự ở cơ sở.

Ngày Tết, suy ngẫm chuyện đoàn kết có lạc điệu không? Không lạc điệu mà còn thiết thực. Năm nay, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 50 năm, ta tiếp tục học và làm theo lời dạy của Người: Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình; đoàn kết nữa, đoàn kết mãi, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự. Lưu tâm ở hai chữ THỰC SỰ.

HUỲNH VĂN TỚI

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh

Tin xem nhiều