Vừa qua, tại vài nơi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Đồng Nai có TP.Biên Hòa xuất hiện mưa đá. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hiện tượng thời tiết bất thường này
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai |
Vừa qua, tại vài nơi ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Đồng Nai có TP.Biên Hòa xuất hiện mưa đá. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hiện tượng thời tiết bất thường này, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết:
- Cơn mưa đá xuất hiện tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) ngày 22-8 vừa qua là khá bất thường. Thông thường, mưa đá cũng có xảy ra ở Nam bộ vào thời điểm đầu hoặc gần kết thúc mùa mưa (tháng 5, tháng 6 và cuối tháng 10). Mưa đá chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn (vài phút), kích thước hạt mưa đá cũng chỉ lớn hơn hạt bắp một chút và xảy ra vào thời điểm tháng 5, tháng 6 là chủ yếu, chưa ghi nhận trận mưa đá nào vào cuối tháng 8 như trận mưa vừa rồi.
* Thưa ông, vì sao có hiện tượng thời tiết bất thường như trên?
- Mưa đá là cơn mưa với những hạt “nước đá” có kích thước khác nhau, rơi xuống từ các khối mây dông đồ sộ, chỉ xảy ra trong các cơn dông mạnh và thường kèm theo mưa rào với cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút. Tần suất số cơn dông có mưa đá chỉ chiếm trên dưới 10%.
Ở nước ta, mưa đá có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Ở Nam bộ cũng quan sát thấy mưa đá vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa, nhưng chủ yếu là mưa đá nhỏ. Mưa đá thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa khô sang mùa mưa (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa mưa sang mùa khô (tháng 10, 11).
Sở dĩ mưa đá thường xảy ra vào các tháng nói trên là vì vào thời điểm này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và dông mạnh, đôi khi là cả mưa đá.
Ảnh: Vân Liên |
Nguyên nhân xảy ra mưa đá vào chiều tối 22-8 vừa qua là do vùng áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, đẩy một lượng ẩm lớn từ biển về phía đất liền, khiến không khí trong đất liền bị nhiễu động mạnh. Ngoài ra, áp cao cận nhiệt đới cũng làm nhiệt độ không khí gia tăng, nắng khá gay gắt (nhiệt độ cao nhất tại TP.Biên Hòa vào ngày 22-8 là 34,50C). Những ngày trước đó, lượng mưa giảm nhiều, nhiều nơi không mưa kéo dài nhiều ngày tạo bối cảnh thời tiết gần giống như thời kỳ chuyển mùa, khi mưa kèm theo sấm sét, gió giật mạnh.
Với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, không khí có sự nhiễu động rất mạnh, dòng không khí chuyển động đưa khối mây nóng ẩm lên các tầng cao, vượt qua tầng đối lưu. Do càng lên cao nhiệt độ càng giảm, đến 00C, hơi nước bị đóng băng, khi hạt đủ lớn thì rơi xuống đất gây nên mưa đá.
* Dự báo trong thời gian tới, thời tiết có những chuyển biến gì khác thường gì hay không, thưa ông?
- Từ thời điểm này đến cuối tháng 10-2021 là cao điểm mùa mưa ở Nam bộ nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng. Thực tế những năm qua cho thấy, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết bất thường và khó lường diễn ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn và phá vỡ những quy luật trước đây.
Ngoài việc tổng lượng mưa trong năm hoặc số trận mưa, số ngày mưa biến động không ngừng, trong những năm gần đây thường xuất hiện những trận mưa rất to với cường độ rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, kèm theo dông, lốc, sét, gió giật mạnh.
Mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các khu vực đô thị; mưa lớn kéo dài sẽ gây trượt lở đất ở vùng đồi núi, gây lũ quét, sạt lở tại các sông suối nhỏ; mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm gây ngập ở hạ du; mưa lớn kết hợp dông lốc sẽ gây sụp đổ, tốc mái nhà cửa, đổ gãy, hư hại cây trồng, hoa màu, cây xanh đô thị; hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông, gây ẩm ướt, tạo điều kiện cho ẩm mốc phát triển, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người, thú cưng, gia súc, gia cầm, việc phơi phóng y phục, nông sản...
Vào những tháng cuối mùa mưa, cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới cuối mùa ảnh hưởng đến phía Nam nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Cơn mưa lớn chiều tối 22-8 kèm theo nhiều sấm sét và mưa đá ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Nguồn internet |
* Người dân cần lưu ý gì để tránh tai nạn rủi ro cũng như những thiệt hại xảy ra trong tình huống thời tiết xấu, thưa ông?
- Để tránh tai nạn rủi ro khi trời mưa lớn, khi không cần thiết thì không nên ra ngoài, tìm nơi trú mưa an toàn, đảm bảo khi có mưa lớn. Nếu cần thiết phải di chuyển khi có mưa lớn phải chủ động tìm tuyến đường không bị ngập, hoặc bị ngập ít, không có nước chảy xiết, phải nắm rõ tình trạng lòng đường, hệ thống cống thoát nước, kênh mương có an toàn, đầy đủ nắp cống không?
Bên cạnh đó, người dân cần tránh xa khỏi các núi, đồi có độ dốc lớn, không cố băng qua sông suối khi có lũ do mưa lớn; không trú mưa dưới các cây to, nhà cửa, lán trại không vững chắc. Có kế hoạch gia cố nhà cửa, chuồng trại; sắp xếp việc thu hoạch, bảo vệ, che chắn nông sản hợp lý; vệ sinh, giặt giũ, sử dụng y phục, chăn màn phù hợp; dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, khô ráo; chủ động trang bị đầy đủ phương tiện che mưa... sẽ hạn chế phần nào tác động bất lợi của mưa lớn gây ra…
Người đi đường hay lao động sản xuất ở nông thôn nên cẩn thận đề phòng các hiện tượng khí tượng nguy hiểm như: lốc xoáy, dông, sét vào thời điểm sau các đợt giảm mưa.
Có biện pháp chằng chống, gia cố, kiên cố hóa nhà cửa, chuồng trại và các công trình khác; chằng chống các loại cây trồng có giá trị; đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở lưu vực các sông suối nhỏ, vùng sâu, vùng xa trong các tháng có mưa lớn và ảnh hưởng do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra.
Đặc biệt, tại những vùng trũng thấp ở thượng lưu ven sông lớn cần đề phòng lũ lớn xuất hiện vào các tháng 9, 10. Ở hạ lưu sông Đồng Nai cần đề phòng triều cường gây ngập vào các tháng cuối năm.
* Xin cảm ơn ông!
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy khuyến cáo, khi có bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, người dân nên thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết để có biện pháp bảo vệ người và tài sản một cách tối ưu nhất, trong trường hợp khẩn cấp nên tuân thủ các phương án di dời khỏi vùng nguy hiểm khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. |
Kim Liễu (thực hiện)