Lợi dụng mùa dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận người lao động gặp khó khăn, gần đây nhiều đối tượng đã công khai mời chào thu mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động...
Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) được coi là “tài sản” đặc biệt thiết thân của người lao động, là “của để dành” cho tuổi già. Thế nhưng lợi dụng thời điểm mùa dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp khó khăn, nhiều đối tượng công khai mời chào thu mua, cầm cố sổ BHXH của người lao động.
Nhiều tài khoản mạng xã hội công khai mua sổ BHXH và cung cấp số điện thoại cho người có nhu cầu giao dịch |
Những ngày qua, nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã công khai đăng thông tin chào mời mua lại, cầm cố sổ BHXH của người lao động với giá trị cao. Thậm chí các tài khoản này còn cung cấp cả số điện thoại, tên người giao dịch cho người có nhu cầu liên hệ.
* Công khai thu mua, cầm sổ BHXH trên mạng xã hội
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Facebook có khá nhiều tài khoản đăng thông tin thu mua, cầm sổ BHXH như: Thu mua sổ BHXH, Mua sổ BHXH, Nhận cầm sổ bảo hiểm... Hầu hết các trang này ít đăng các thông tin quảng cáo dịch vụ mà chủ yếu công khai số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ trực tiếp qua tài khoản Zalo từ số điện thoại.
Chúng tôi đã thử liên hệ qua Zalo từ số điện thoại 09077444... trên trang Facebook Thu mua sổ BHXH để hỏi về điều kiện, giá mua cũng như cách thức trao đổi. Một người phụ nữ xưng tên P.T.K.N. cho biết, chỉ cần nghỉ việc từ đủ 6 tháng trở lên là người lao động có thể bán hoặc cầm sổ BHXH với nhiều mức giá khác nhau.
Theo người phụ nữ này, giá mua lại sổ BHXH được tính như sau: nếu thời gian đóng BHXH được 3 năm, chỉ mua bằng 50% giá trị thực lãnh và cứ mỗi 3 năm thêm ngoài mức căn bản này thì giá mua tăng 5%. Khi chúng tôi tỏ ý muốn gặp mặt để trao đổi cụ thể, người phụ nữ này cho biết phải chụp và gửi chi tiết sổ BHXH cho họ xem trước, thấy được mới gặp.
Sau khi tạm cung cấp ảnh chụp sổ BHXH của một người quen làm công nhân một công ty chuyên về hóa mỹ phẩm ở Khu công nghiệp Amata TP.Biên Hòa), chúng tôi nhận được câu trả lời qua tin nhắn: “Sổ này chưa chốt, mức lương thấp, thâm niên mới được 3 năm nên không mua. Vì lời ít, không bõ công đi làm”.
Ngoài ra, tại một số tiệm cầm đồ ở TP.Biên Hòa cũng nhận cầm sổ BHXH. Anh P.Q.V., công nhân một công ty sản xuất ống nhựa đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, vừa qua anh có cầm sổ BHXH (có 12 năm đóng BHXH) tại một tiệm cầm đồ trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) lấy 2 triệu đồng với lãi suất 10%. Tới ngày trả, anh chưa xoay được tiền. Một tuần sau, anh quay lại thanh toán phải chịu lãi suất tới 15%.
* Thiệt thòi khi bán, cầm cố sổ BHXH
Theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2016, người lao động được quyền giữ sổ BHXH. Việc này nhằm giúp người lao động giám sát việc đóng BHXH của chủ sử dụng lao động đối với mình, kịp thời ngăn ngừa tình trạng người lao động bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm, không nộp về cơ quan BHXH mà người lao động không biết. Đồng thời khi nghỉ việc, người lao động sẽ kịp thời được giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi chuyển sang làm việc tại đơn vị khác. Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh, mặt trái của việc này lại nảy sinh tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Người lao động có nhu cầu thanh lý sổ BHXH nên trực tiếp đến cơ quan BHXH để được chi trả theo đúng giá trị thực. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại cơ quan BHXH tỉnh. Ảnh: P.Liễu |
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết: “Hiện nay, tại Đồng Nai không xảy ra tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH. Còn người lao động có cầm cố nơi này nơi kia hay không thì cơ quan BHXH không quản lý được”.
Theo ông Phạm Minh Thành, Luật BHXH năm 2014 quy định, sau khi nghỉ việc đủ 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc và không ký hợp đồng mới thì được đến cơ quan BHXH thanh lý để được hưởng BHXH một lần. Quy trình thanh lý sổ BHXH rất chặt chẽ, phải có đủ các điều kiện sau: người thanh lý BHXH phải là đối tượng được thụ hưởng BHXH; chủ sổ BHXH phải trực tiếp giao dịch tại cơ quan BHXH (trừ mùa dịch bệnh nên giao dịch trực tuyến qua mạng xã hội Zalo); trong trường hợp vì lý do nào đó, chủ sổ BHXH ủy quyền cho người khác thì phải có giấy ủy quyền giữa hai bên và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.
Ngoài các điều kiện trên, những trường hợp thanh lý sổ mua lại cũng rất khó “qua mặt” được cán bộ BHXH, bởi họ đều có kỹ năng nghiệp vụ để kiểm soát. Ông Thành chỉ rõ, những dấu hiệu để nhận biết trường hợp sổ mua lại là một người cầm nhiều sổ BHXH, nhiều giấy ủy quyền đến kê khai thanh lý BHXH; một người nhưng lại được nhiều người lao động ở nhiều công ty khác nhau, nhiều nơi cư trú khác nhau ủy quyền... Điều này rõ ràng là bất thường.
Với những trường hợp trên, nhân viên BHXH tỉnh đều báo cáo lãnh đạo và thường sẽ không giải quyết thanh lý, mà mời chính chủ sổ BHXH lên làm việc, vận động người lao động không nên rút BHXH một lần mà nên tiếp tục đóng nối để hưởng lương hưu đến khi hết tuổi lao động.
“Người lao động nên cảnh giác trước những chào mời mua bán, cầm cố sổ BHXH trên mạng xã hội. Đừng vì cái lợi trước mắt mà thiệt thòi về sau vì khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ không có lương hưu và làm ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội ” - ông Phạm Minh Thành khuyến cáo.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Theo quy định của Bộ luật Dân sự, sổ BHXH không phải là tài sản nên không có giá trị mua bán, cầm cố, trao đổi hay thế chấp. Vì thế, khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt thòi. Do đó, người lao động không nên bán lại hay cầm cố sổ BHXH để phòng tránh những tình huống xấu xảy ra. Mặt khác, người lao động phải coi sổ BHXH là “tài sản” đặc biệt gắn liền với quyền lợi thiết thân của mình. Bởi nếu đã mang đi bán hoặc cầm cố sẽ không được chốt sổ, không được cấp lại sổ BHXH mới, người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. Chưa kể, giá trị thực hưởng khi bán sổ BHXH là rất thấp, người lao động thiệt thòi rất nhiều. |
Phương Liễu