Báo Đồng Nai điện tử
En

Chật vật mua điện giá cao

08:07, 10/07/2018

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở các tổ từ 31 đến 42 (KP.7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) phải dùng điện với giá cao do mua lại từ các doanh nghiệp sản xuất xung quanh, với chất lượng không bảo đảm.

 

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở các tổ từ 31 đến 42 (KP.7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) phải dùng điện với giá cao do mua lại từ các doanh nghiệp sản xuất xung quanh, với chất lượng chập chờn không bảo đảm.

Do các doanh nghiệp ngưng bán điện nên có những hộ dân phải dùng đèn sạc pin thắp sáng trong nhà. Ảnh: M.QUÂN
Do các doanh nghiệp ngưng bán điện nên có những hộ dân phải dùng đèn sạc pin thắp sáng trong nhà. Ảnh: M.QUÂN

Những trường hợp trên đã được UBND tỉnh xem xét chấp thuận cấp điện tạm theo đề án cấp điện tạm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ban hành vào tháng 4-2017.

* Gánh nặng chi phí điện

Lâu nay, một trong những chi phí sinh hoạt nặng nhất của người dân khu vực các tổ trên phải chi trả hằng tháng chính là tiền điện, trung bình từ trên 500 ngàn đồng đến hàng triệu đồng. Mỗi khi nhắc đến khoản chi tiêu này, nhiều người đều ngao ngán và mong muốn sớm được sử dụng điện quốc gia.

Theo quyết định cấp điện tạm (đề án cấp điện tạm của tỉnh vào tháng 4-2017 của UBND tỉnh), có gần 240 hộ ở các tổ từ 31-42 của KP.7, phường Long Bình nằm trong danh sách được cấp điện. Các hộ có tên phải ký cam kết tự nguyện đóng góp vốn xây dựng đường điện. Sau khi đầu tư xong phải giao lại cho ngành điện quản lý mà không yêu cầu hoàn vốn cũng như phải cam kết tự giải tỏa khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, việc câu móc điện cũng tốn kém không ít vì khi các doanh nghiệp cần điện sản xuất, họ có thể ngưng bán điện cho dân bất cứ lúc nào. Khi đó người dân lại chật vật tìm chỗ mua mới và đầu tư đường dây mới như trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ, ngụ tổ 32.

Bà Mỹ cho biết, hộ nào muốn có điện sử dụng ngoài việc phải đóng tiền cọc 1 triệu đồng cho các “chủ” điện, còn phải tự đầu tư đường dây để kéo điện về nhà, mỗi đường điện mới thường tốn khoảng 2 triệu đồng.

“7 năm sống ở đây, gia đình tôi đã 5 lần đổi chủ cung cấp điện, nhiều hộ dân khác cũng chịu cảnh khó khăn như vậy nhưng vì nhu cầu sinh hoạt đành phải chấp nhận. Ngoài tiền đầu tư không hoàn lại thì hằng tháng gia đình còn trả khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện sinh hoạt (4,2 ngàn đồng/kWh cộng với tiền điện hao hụt), đây là chi phí quá cao đối với gia đình tôi” - bà Mỹ cho biết thêm.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thoa ngụ tại tổ 33, cũng trả tiền điện hằng tháng trên dưới 1 triệu đồng. 10 ngày nay, gia đình bà không có điện dùng do phía doanh nghiệp ngưng bán điện. Mỗi sáng đi làm bà phải mang đèn đến sạc nhờ nhà người quen để chiều về có đèn chiếu sáng trong nhà.

“Gia đình tôi đang xin nhà hàng xóm cho dùng nhờ điện để bơm nước, thắp sáng bóng đèn tạm thời trước khi tìm được chỗ mua điện. Tuy nhiên, với tình hình này thì khả năng mua được điện là rất khó, chúng tôi mong sớm có điện lưới quốc gia để dùng” - bà Thoa nói.

* Mong sớm có điện quốc gia

Một số hộ dân trong khu vực cũng rơi vào tình cảnh “chật vật” như gia đình chị Thoa nhiều ngày nay. Chia sẻ về những khó khăn của người dân, ông Trần Ngọc Kiệt, Tổ trưởng Tổ nhân dân 31, cho biết lâu nay việc sử dụng điện sinh hoạt của các hộ dân trong tổ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cấp cũng như giá cả, chất lượng điện khá chập chờn.

Đường điện do người dân tự câu móc giăng ngang dọc 2 bên đường không bảo đảm an toàn.Điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách?
Đường điện do người dân tự câu móc giăng ngang dọc 2 bên đường không bảo đảm an toàn.Điều kiện để được rút ngắn thời gian thử thách?

 “Từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho cấp điện tạm, bà con rất mừng. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức họp dân để đưa ra phương án kéo điện nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do chưa có sự thống nhất trong dân. Do đó, bà con rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sớm thúc đẩy tiến độ triển khai nhanh dự án, người dân sớm được sử dụng điện quốc gia” - ông Kiệt bộc bạch.

Hiện nay, nhu cầu được sử dụng điện quốc gia là bức thiết, nhiều hộ cho biết sẵn sàng đóng góp tiền để xây dựng đường điện và cam kết tự tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường khi Nhà nước thực hiện dự án.

Ghi nhận ý kiến của người dân, ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho hay UBND phường vừa tổ chức họp dân để tìm phương án thống nhất việc xin cấp điện tạm thời cho bà con. Phường đã giao Ban quản lý KP.7 chịu trách nhiệm họp bàn với dân, thành lập các ban vận động, giám sát và tìm các nhà thi công có đủ năng lực để lên phương án, dự toán kinh phí thông báo công khai đến người dân. Phường chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, trước mắt chỉ xem xét cấp điện cho các hộ có tên trong danh sách được cấp điện tạm theo quyết định của UBND tỉnh. Những trường hợp xây dựng trái phép đã bị chính quyền địa phương lập biên bản cưỡng chế và những hộ xây dựng sau thời điểm kê khai (năm 2014) sẽ không được phép đăng ký sử dụng điện.

Minh Quân

Tin xem nhiều