Hàng chục năm qua, người dân các ấp 1, 2 và 6 ở xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) có đất canh tác tại cánh đồng 78A luôn cảm thấy bất an mỗi khi đi qua cây cầu sắt dân sinh tại ấp 6 bắc qua sông Nhạn…
Hàng chục năm qua, người dân các ấp 1, 2 và 6 ở xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) có đất canh tác tại cánh đồng 78A luôn cảm thấy bất an mỗi khi đi qua cây cầu sắt dân sinh tại ấp 6 bắc qua sông Nhạn…
Người dân thường phải dắt xe đi bộ khi qua cầu. |
Dù mỗi lần đi trên cây cầu ấp 6 (một bên là xã Lộ 25 và bên kia là xã Sông Nhạn) ai cũng cảm thấy bất an, nhưng vì không còn lựa chọn nào khác nên phải đi theo hướng này để ra cánh đồng sản xuất.
* Run rẩy khi qua cầu
Cầu ấp 6, xã Lộ 25 trên sông Nhạn hiện đã xuống cấp, rất chông chênh nên rất nguy hiểm cho người dân khi qua cầu. |
Cầu ấp 6 có chiều dài hơn 10m, bề ngang hơn 1m, hai bên không hề có lan can, còn mặt cầu là những thanh sắt được hàn cách khoảng từ 7-10cm. Phần bên dưới là dầm cầu được ghép bằng 2 cây xà gồ sắt gắn nối 2 trụ xây sơ sài bằng gạch, đá.
Để giữ thăng bằng cầu, người ta giằng 2 dây néo ở thân cầu nhưng rất lỏng lẻo, đồng thời mất tác dụng vì được buộc vào những thân cây bên vệ đường.
Trong khi đó, dòng sông Nhạn nước chảy khá siết. Đã có nhiều lần mưa lớn, nước dâng cao còn cuốn phăng cây cầu đi chỗ khác.
Tại thời điểm có mặt tại cầu, chúng tôi ghi nhận có hàng chục người chậm rãi đi qua cây cầu này, song mỗi lượt đi chỉ được 1 người.
Đáng kể là mỗi khi có xe cộ qua lại, cây cầu rung lắc, chao đảo khá mạnh. Không ít trường hợp người điều khiển xe máy không đủ can đảm để chạy qua mà đủng đỉnh dẫn bộ một cách thận trọng.
Điều này cho thấy, cầu tạm ấp 6 luôn rình rập những bất trắc đối với người dân đi qua đây. Khó khăn nhất là vào vụ thu hoạch nông sản, mỗi lần nông dân chỉ dám vận chuyển một số lượng nhỏ hàng hóa qua cầu.
Nói về những lần đi qua cầu, bà Sành Lầu Chánh, ngụ ấp 6, cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra cánh đồng sản xuất bằng xe máy. Nhưng khi đi qua cầu cứ đung đưa nên tôi rất run, không dám chạy xe qua, bởi cầu quá nhỏ nên nếu không cẩn thận sẽ… xuống sông ngay. Nhiều thanh niên cố gắng vượt xe qua cầu nhưng bị té ngã, cả người và xe “ùm” xuống dòng nước”.
Cùng nhận định như bà Chánh, ông Trần Văn Quyết, ngụ ấp 1 nói: “Nông dân chúng tôi vốn đã cơ cực, nhưng nông sản làm ra đôi khi bị thất thoát vì không có đường đi an toàn. Cầu ấp 6 đã gắn bó với nông dân từ lâu, nhưng giờ đi qua rất nguy hiểm. Mỗi khi chở lúa, bắp, chôm chôm… đi qua cầu ai cũng lạnh xương sống vì rất dễ xảy ra tai nạn. Vào mùa mưa, khi gió lũ đổ về nông dân chỉ biết đứng ngó trời mà than, vì không ít lần cầu bị trôi mất. Lâu nay, điều người dân chúng tôi mong muốn nhất là Nhà nước xem xét hỗ trợ xây cầu kiên cố để người dân chúng tôi yên tâm sản xuất”.
* Chờ một cây cầu mới
Theo người dân nơi đây, cánh đồng 78A rộng hàng trăm hécta là đất canh tác của hàng trăm hộ dân ở xã Lộ 25. Hơn chục năm trước, để sang được cánh đồng này người dân phải đi qua sông Nhạn nên mọi người đã tự góp tiền để dựng cầu tạm bằng tre và gỗ. Sau này, vì nhu cầu đi lại tăng cao người dân lại bỏ tiền ra nâng cấp cầu bằng sắt, nhưng vì kinh phí có hạn nên cũng chỉ làm tạm bợ để có đường đi sang sông.
Cho đến nay, cây cầu đang có dấu hiệu xuống cấp. Một số thanh sắt trên mặt cầu đã gãy, bong tróc mối hàn; 2 thanh xà đỡ bên dưới cũng bị gỉ, cong vênh; 2 mố cầu do xây dựng bằng gạch đá tạm bợ nên bị nước bào mòn, tạo nên những hốc rất sâu… Nói chung, cầu ấp 6 trên sông Nhạn có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Trao đổi về tình trạng cầu ấp 6 trên sông Nhạn đã đến thời kỳ báo động, lãnh đạo UBND xã Lộ 25 cho biết đúng như người dân phản ảnh. Chính quyền địa phương có tiến hành kiểm tra thực tế, xác nhận tình trạng xuống cấp của cây cầu, qua đó khuyến cáo người dân hạn chế đi qua cầu. Nếu cần thiết phải chở nông sản, nông dân vận chuyển đường khác dù có xa nhưng an toàn hơn.
UBND xã cũng đã có văn bản gửi các ngành chức năng và UBND huyện Thống Nhất sớm lập dự án đầu tư, xây dựng cây cầu kiên cố nhằm tạo điều kiện cho dân đi lại thuận lợi, ổn định sản xuất.
Rõ ràng, cầu tạm ấp 6 trên sông Nhạn đến nay không còn lý do gì để có thể tồn tại mãi. Những mong mỏi của người dân nơi đây về một cây cầu đúng nghĩa là chính đáng, điều này phù hợp với tiến trình phát triển nông thôn mới nâng cao của địa phương trong thời gian tới.
Minh Đăng