Công trình cầu vượt Dầu Giây, nút giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769 (H.Thống Nhất) được triển khai xây dựng từ tháng 2-2017, dự kiến hoàn thành sau 11 tháng thi công. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, đến nay công trình vẫn đang thi công ì ạch sau nhiều lần xin gia hạn của chủ đầu tư dự án.
Công trình cầu vượt Dầu Giây, nút giao giữa quốc lộ 1, quốc lộ 20 và đường tỉnh 769 (H.Thống Nhất) được triển khai xây dựng từ tháng 2-2017, dự kiến hoàn thành sau 11 tháng thi công. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, đến nay công trình vẫn đang thi công ì ạch sau nhiều lần xin gia hạn của chủ đầu tư dự án.
Công trình cầu vượt Dầu Giây đang được chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy mạnh thực hiện. Ảnh: Thanh Hải |
Thời gian thi công kéo dài cộng với không đảm bảo an toàn khi triển khai dự án đã khiến cầu vượt Dầu Giây trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT), khiến người dân bức xúc.
* Công trình ì ạch, mất an toàn giao thông
Tháng 2-2017, cầu vượt ngã tư Dầu Giây được khởi công xây dựng với mặt cắt ngang cầu 16m, gồm 4 làn xe cơ giới. Cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6m. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và quốc lộ 20, mở rộng các bán kính nhằm đảm bảo tốc độ lưu thông 60km/giờ. Bên cạnh đó, việc mở rộng quốc lộ 20 đoạn km0+300 đến km1+877 cũng được tiến hành. Quá trình thi công, dự án nhiều lần phải tạm dừng; đến nay cầu vượt Dầu Giây vẫn chưa thể hoàn thiện như cam kết của chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Trong nhiều lần làm việc với UBND H.Thống Nhất, chủ đầu tư, đơn vị thi công đều lý giải nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng chậm và thiếu nguồn vốn. Năm 2020, UBND tỉnh từng có văn bản đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý những khó khăn của dự án để thi công hoàn tất công trình. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn, đề nghị Bộ GT-VT có văn bản đề xuất địa phương là tỉnh Đồng Nai tạm ứng nguồn vốn ngân sách địa phương để nhà thầu hoàn tất các hạng mục còn lại của dự án, đồng thời Bộ cam kết thu xếp nguồn vốn để hoàn trả.
Điều đáng nói, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa được chủ đầu tư và nhà thầu quan tâm đúng mức. Điều này khiến nút giao ngã tư Dầu Giây trở thành “điểm đen” về TNGT và tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và các hộ dân ven đường.
Theo thống kê của các ngành chức năng, năm 2017, khu vực này xảy ra 7 vụ TNGT làm 5 người chết và 5 người bị thương. Năm 2018, xảy ra 5 vụ TNGT làm 4 người chết và 5 người bị thương. Đến năm 2019, xảy ra 3 vụ TNGT làm 3 người chết và 1 người bị thương. Năm 2020, xảy ra 3 vụ TNGT làm 2 người chết. Riêng trong năm 2021, khu vực công trình xây dựng cầu vượt ngã tư Dầu Giây đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông, nhất là thời điểm ban đêm khi tầm nhìn bị hạn chế, phương tiện qua lại đông đúc.
Nguyên nhân của tình trạng trên do mặt đường hai bên cầu vượt xuống cấp trầm trọng, người điều khiển xe máy khi chạy qua đây nếu không cẩn thận thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Một số điểm trên đoạn đường này còn xảy ra tình trạng ứ đọng nước mưa, dễ xảy ra TNGT. Để khắc phục tạm thời tình trạng này, trong năm 2021, UBND H.Thống Nhất phối hợp đơn vị thi công, công trình cầu vượt Dầu Giây tiến hành khắc phục, sửa chữa một số “ổ voi”, “ổ gà” tại cầu vượt Dầu Giây với chiều dài khoảng 2km.
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền đánh giá, dự án hoàn thành chậm không những khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều năm qua, địa phương đã không ít lần làm việc với chủ đầu tư và đơn vị thi công, yêu cầu phải có phương án bảo đảm an toàn khi thi công nhưng thực tế không như mong đợi.
* Đề nghị xử lý trách nhiệm đơn vị thi công
Bộ GT-VT cho biết, dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo quốc lộ 20 đoạn km0+000 đến km123+105,17 trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, hoàn thành từ năm 2015. Để nâng cao khả năng thông xe và tạo điều kiện phát triển TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất), UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục xây dựng mở rộng nút giao Dầu Giây.
Việc thi công thiếu biện pháp đảm bảo an toàn khiến nguy cơ tai nạn giao thông tại đây luôn hiện hữu. Ảnh: Thanh Hải |
Theo đó, Bộ GT-VT phê duyệt bổ sung hạng mục xây dựng mở rộng nút giao Dầu Giây nêu trên vào hợp đồng dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 405 tỷ đồng để nhà đầu tư triển khai xây dựng từ tháng 2-2017. Thời gian qua, Bộ GT-VT rất quyết liệt chỉ đạo và giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành đưa dự án vào khai thác, tuy nhiên hạng mục bổ sung nêu trên bị chậm tiến độ và phải gia hạn nhiều lần.
Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án, trong đó có tiến độ bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 trong năm 2021, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án.
Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật cần làm rõ, xử lý trách nhiệm hình sự trong việc thi công mất an toàn, khiến nhiều người chết trong thời gian qua tại công trình nút giao thông Dầu Giây. Việc thiếu trách nhiệm trong thi công dẫn đến các vụ TNGT chết người cần được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm.
Dự án cầu vượt Dầu Giây do Công ty CP BT 20 - Cửu Long làm chủ đầu tư, đến nay đã thi công đạt trên 82% khối lượng dự án. Bộ GT-VT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và yêu cầu nhà đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để hoàn thành, đưa dự án vào khai thác trong quý I-2022. |
Thanh Hải