Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông

10:06, 25/06/2021

Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng, tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, an toàn và thân thiện cho con người...

Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng.

Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh ở TP.Biên Hòa vào đầu năm học 2020-2021
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh ở TP.Biên Hòa vào đầu năm học 2020-2021. Ảnh: T.Hải

* Tăng cường công tác tuyên truyền

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2019-2021, Phòng Cảnh sát giao thông đã tổ chức gần 200 buổi tuyên truyền miệng cho trên 53 ngàn lượt người tham dự; tuyên truyền trực tiếp qua công tác xử lý vi phạm với 17 ngàn lượt người; tổ chức ký cam kết cho 3,5 ngàn lượt người là chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông, người nuôi cá bè, hành nghề trên sông…

Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm; kết hợp việc tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia, rượu là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%...

Đối với lĩnh vực đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục tuyên truyền quy tắc ATGT đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, mục đích để người dân không buôn bán, họp chợ, phơi nông sản, lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt, mở các lối đi đường ngang tự phát.

Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và Tân Phú, trong các buổi tuyên truyền cho bà con vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, các nội dung tuyên truyền được gắn với công tác từ thiện xã hội. Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã tặng hơn 1,3 ngàn mũ bảo hiểm, 65 xe đạp, 110 thẻ bảo hiểm y tế học sinh, 725 phần quà (mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng), hỗ trợ 170 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp nhưng 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tập trung tuyên truyền miệng cho 950 lượt người, tuyên truyền trực tiếp qua công tác xử lý vi phạm gần 2,5 ngàn lượt và cung cấp 400 tài liệu, tờ rơi, sách tuyên truyền về an toàn giao thông.

Nhờ vậy, ý thức, nhận thức về chấp hành pháp luật giao thông của người dân nâng lên rõ rệt. Qua đó, giúp tình hình trật tự ATGT trên toàn tỉnh được giữ vững ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy được kiềm chế trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương) so với cùng kỳ.

* Tiến tới văn minh giao thông

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc an toàn như: không giữ khoảng cách an toàn; không tập trung khi lái xe dẫn đến không chú ý quan sát các biển chỉ dẫn giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu; dừng, đậu xe tùy tiện mà không có cảnh báo đối với các phương tiện khác…

Một nguyên nhân nữa, đó là công tác tuần tra kiểm soát giao thông của các lực lượng chức năng không trải dài trên toàn tuyến; thiếu hệ thống giám sát trên các tuyến giao thông. Thực tế cho thấy, tuyến đường nào có hệ thống camera giám sát giao thông và áp dụng xử phạt bằng hình ảnh thì tuyến đường đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông tốt hơn.

Việc nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng, không những hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội mà về lâu dài còn góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Muốn làm tốt công tác này, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc giao thông an toàn cũng như phổ biến, tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả về sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, mỗi người khi tham gia giao thông cần phải có ý thức về văn hóa giao thông, đó là sự hiểu biết các quy định của pháp luật về ATGT và ý thức tự giác chấp hành các quy định. Có như vậy mới xây dựng được một xã hội giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện.

Theo ông Hùng, nội dung tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông cũng cần có sự thay đổi và phù hợp về nhận thức, công việc, thời gian của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất. Xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện cho con người. Qua đó, kêu gọi mọi người tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình bằng những hành động hết sức thiết thực khi tham gia giao thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều