Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất chuyển sát hạch lái xe sang Bộ Công an

10:11, 23/11/2020

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) dự kiến sẽ được chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp GPLX sắp tới sẽ do ngành Công an hay GT-VT quản lý?

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) dự kiến sẽ được chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Dư luận quan tâm là việc sát hạch, cấp GPLX sắp tới sẽ do ngành Công an hay GT-VT quản lý?

Học viên thi thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại 1 (Sở GT-VT) tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải
Học viên thi thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại 1 (Sở GT-VT) tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Thanh Hải

* Rút ngắn số hạng GPLX

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều quy định mới về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới.

Cụ thể, dự thảo này quy định một hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3,5 tấn. Ngoài ra, dự thảo luật này bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, GPLX còn 11 hạng gồm: A1, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE so với 12 hạng GPLX đã quy định như trước đây.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nội dung chuyển sát hạch lái xe từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an đã được đưa ra thảo luận. Cơ quan công an hay GT-VT sẽ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được nghiên cứu và do Quốc hội quyết định trong các kỳ họp tới.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008  phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX dân sự do Bộ GT-VT quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho lực lượng quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý; trách nhiệm đào tạo, sát hạch lái xe cho lực lượng công an do Bộ Công an quản lý. Từ đó, đến nay công tác này được thực hiện ổn định. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có nhiều thay đổi nên phát sinh nhiều bất cập.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an phân tích, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX, có trường hợp đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi GPLX. Việc quản lý GPLX chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Vì vậy, công tác quản lý về GPLX cần được siết chặt, đưa về một đầu mối là do Bộ Công an quản lý.

* Cân nhắc việc thực hiện

Bộ Công an xác định, người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

Theo Bộ Công an, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Vì vậy, việc đưa các quy định này vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Từ đó, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, với mô hình hiện nay, ngành GT-VT quản lý đào tạo lái xe, ngành Công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì lực lượng công an sẽ xử lý. Như vậy đảm bảo nguyên tắc giám sát giữa các ngành lẫn nhau, nâng cao tính minh bạch và khách quan.

Ngoài ra, theo ông Hùng, hiện hoạt động quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang được Bộ GT-VT triển khai thông suốt, chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX có những tiến bộ. Trong khi đó, hiện nay cả nước có trên 50 triệu lái xe các loại, nếu điều chuyển cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ có sự thay đổi khối lượng công việc rất lớn, dễ phát sinh các thủ tục không cần thiết. Việc chuyển sát hạch lái xe từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho biết, trên địa bàn có 10 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 11 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép 3 trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động (gồm 2 trung tâm loại 1 và 1 trung tâm loại 2); Sở GT-VT cấp phép 4 trung tâm sát hạch lái xe loại 3.

“Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã phủ kín khắp tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người dân khi đăng ký học và dự sát hạch tại các trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện” - ông Đông nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều