Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo giao thông đường thủy dịp Tết

10:01, 19/01/2020

Trước và sau Tết Nguyên đán là những ngày cao điểm, các bến đò, bến phà có rất đông hành khách đi lại nên nguy cơ mất an toàn giao thông cũng tăng lên.

Trước và sau Tết Nguyên đán là những ngày cao điểm, các bến đò, bến phà có rất đông hành khách đi lại nên nguy cơ mất an toàn giao thông cũng tăng lên.

Nhân viên Bến đò Trạm (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) phát dụng cụ nổi cầm tay cho khách đi phà. Ảnh: T.Hải
Nhân viên Bến đò Trạm (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) phát dụng cụ nổi cầm tay cho khách đi phà. Ảnh: T.Hải

Hiện lực lượng chức năng đang tập trung triển khai các phương án, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động vận tải hành khách đường thủy; đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng, các chuyến tàu, phà chở vượt quá số lượng người cho phép.

* Đảm bảo an toàn ở các bến đò ngang

Vào dịp Tết Nguyên đán không chỉ đường bộ mà nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đối với đường thủy cũng tăng cao so với bình thường. Tại các bến đò khách sang sông nối từ Đồng Nai với các địa phương khác, người dân đi lại cũng tấp nập, rộn ràng hơn. Riêng khu vực TP.Biên Hòa hiện có 9 bến đò khách sang sông hoạt động, nhộn nhịp nhất là đoạn từ Cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân) đến Bến đò Trạm (phường Bửu Long).

Tại Bến đò Trạm (từ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa đi tỉnh Bình Dương), những ngày này luôn tấp nập khách qua lại. Vào buổi sáng, có rất đông người dân đi mua sắm Tết còn buổi chiều thời điểm công nhân tan làm nên những chuyến phà nối hai bờ luôn chật kín.

Bà Lâm Thị Ngọc Hòa (chủ Bến đò Trạm) cho hay, bình thường mỗi ngày phà hoạt động 80 lượt, chở khoảng 500-600 khách, chạy liên tục từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Tuy nhiên, dịp Tết nhu cầu đi lại của người dân tăng lên buộc bến đò phải tăng thêm một phà nhằm đáp ứng cho bà con đi lại thuận tiện.

Bến đò Hiếu Liêm - Tân Uyên (thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) là bến đò chính kết nối giao thương giữa xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) với huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), vì vậy tình hình giao thông đường thủy qua đây khá phức tạp. Với lòng sông sâu, nước chảy xiết tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.

Ông Huỳnh Văn Chánh (lái phà từ xã Hiếu Liêm đi xã Trị An) cho biết, mỗi ngày có khoảng 300-500 khách qua lại. Dịp Tết, người dân đi phà tăng cao hơn, tuy nhiên ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông chưa cao. Cả chủ phà lẫn lái tàu thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức khi đi trên sông nhưng không phải ai cũng chấp hành, khi nhắc nhở mới chịu mặc.

 “Khách lên phà được trang bị áo phao, dụng cụ nổi để đảm bảo an toàn khi phà chạy; phương tiện cũng được đăng kiểm, kiểm tra kỹ thuật trước khi xuất phát. Sau 8 giờ tối, phà sẽ ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Ngày Tết khách đi đông nên chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giao thông đường thủy, không để xảy ra sự cố mất an toàn” - ông Chánh nói.

* Tăng cường kiểm tra, giám sát

Đặc điểm ở Đồng Nai là có nhiều bến phà chở khách, nhiều điểm du lịch cũng có thuyền phục vụ nhu cầu đi lại của khách nên vào dịp Tết, hoạt động này cần được kiểm soát nghiêm. Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, các bến phà đều chấp hành, cam kết thực hiện chở khách bảo đảm an toàn, tuy nhiên vẫn còn xảy ra hiện tượng nhiều hành khách không chịu mặc áo phao khi đi phà.

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (giao thông đường thủy) thuộc Sở Giao thông - vận tải cho biết, để thực hiện hiệu quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán, với mục tiêu không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, kết hợp tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thủy qua địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Giao thông - vận tải yêu cầu chủ bến đò khách sang sông, chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động bến thủy nội địa. Chủ phà phải trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ cứu sinh cho hành khách; hướng dẫn và yêu cầu hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra giao thông cũng tăng cường lực lượng tuần tra ngăn chặn phương tiện trôi, va đập vào thành và trụ cầu của các cây cầu như: Hóa An, Ghềnh, Đồng Nai, Hiệp Hòa… đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai công tác điều tiết, hướng dẫn giao thông khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai. 

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - vận tải) Trần Quang Bình cho biết, để không xảy các vụ tai nạn, sự cố liên quan đến giao thông đường thủy, phương tiện thủy tuyệt đối không được hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, đồng thời kiên quyết từ chối phục vụ nếu hành khách không chấp hành các quy định an toàn giao thông, nội quy của bến (không mặc áo phao, không cầm dụng cụ nổi cứu sinh…).

Theo ông Trần Quang Bình, đối với thuyền viên, người điều khiển phương tiện khi hoạt động vận chuyển khách bằng đường thủy phải đảm bảo có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định; bố trí đủ nhân lực phục vụ tại bến đáp ứng kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố có thể xảy ra; không cho phương tiện chở khách xuất bến khi không đảm bảo an toàn; thường xuyên kiểm tra, duy trì kết cấu hạ tầng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình hoạt động.

“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy cho người dân” - ông Bình nhấn mạnh.

Trong năm 2019, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) đã lập biên bản vi phạm hành chính 374 vụ. Trong đó, vi phạm chở hàng quá tải 186 vụ, không có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ 26 vụ, không kẻ vạch dấu an toàn 19 vụ; các vi phạm khác như: không hướng dẫn khách mặc áo phao, không có giấy phép hoạt động… 143 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 450 triệu đồng.

Thanh Hải

Tin xem nhiều