Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các địa phương phải có nhiều giải pháp đột phá, chú trọng phát triển các mô hình công nghệ cao, tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ để phát triển bền vững hơn.
Trong cuộc đua chuyển đổi công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, địa phương, doanh nghiệp nào chậm chân sẽ mất đi cơ hội mở rộng thị trường sang các nước phát triển, đang phát triển.
Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác trong tương lai, địa phương không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại, công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Phạm Tùng |
Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, tỉnh xây dựng các khu công nghiệp xanh, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, tỉnh quy hoạch hình thành một khu công nghệ thông tin tập trung để phát huy các lợi thế, tiềm lực phát triển. Khu Công nghệ thông tin tập trung này có diện tích khoảng 100 hécta ở huyện Long Thành, nhằm tận dụng lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, cũng như tập trung thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế. Đồng thời, tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, tạo sự liên kết trong chuỗi công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số, hướng tới phát triển các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục - đào tạo chuyên sâu cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ…
Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng ban Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây (Hội Truyền thông số Việt Nam - chi hội phía Nam), nhận định Đồng Nai còn nhiều dư địa để phát triển, kết nối hạ tầng về công nghệ thông tin. Khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển khu đô thị sân bay, cùng nhiều ngành thương mại, công nghiệp, dịch vụ phát triển. Điều này sẽ góp phần mở rộng tiềm năng về thu hút đầu tư cho khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ, công nghệ của khu công nghệ thông tin tập trung này. Khi đó, tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến chuyển giao công nghệ cao, kết nối trung tâm dữ liệu, phát triển công nghệ số…
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường bày tỏ, những chia sẻ góp ý từ các chuyên gia về phát triển trung tâm dữ liệu sẽ góp phần giúp các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình phát triển trung tâm dữ liệu và các tiêu chuẩn, thu hút đầu tư về trung tâm dữ liệu, nhất là khi trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt có dự án khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Long Thành.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để trao đổi thông tin, đề xuất xây dựng lộ trình, kế hoạch về phát triển, đầu tư trung tâm dữ liệu, cũng như kết nối đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, tỉnh còn quy hoạch phát triển khu công nghệ cao ở huyện Cẩm Mỹ với quy mô 497 hécta. Qua đó trọng tâm thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo... Xây dựng hạ tầng kết nối khu công nghệ cao với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm hình thành hệ sinh thái liên kết, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo...
Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch khu trung tâm đổi mới sáng tạo với diện tích 300 hécta tại huyện Long Thành. Khu trung tâm này hướng tới chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ quốc tế nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ.
Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, Đồng Nai cần phải đo lường được hiệu quả của việc triển khai và chú trọng đến người dùng hơn là số lượng và hình thức.
Ngoài ra, địa phương cần lưu ý đến đầu tư hạ tầng máy móc, thiết bị, công nghệ thông tin, phát triển bền vững có mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh; vấn đề về “khoảng cách số”, năng lực số giữa các địa phương trong tỉnh, giữa người dân ở khu vực nông thôn, thành thị…
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị chuyển đổi thông minh (Đại học RMIT), thành viên Hội đồng Tư vấn Chuyển đổi số của Đồng Nai, dịa phương cần dành ưu tiên cao cho triển khai chiến lược chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh cũng cần nghiên cứu kỹ đặc thù của các địa phương trong tỉnh để tùy chỉnh một cách linh động các chỉ tiêu, phương thức triển khai, phát triển các chỉ số thành phần liên quan đến chuyển đổi số bởi một khi hạ tầng số khác biệt, thu nhập khác biệt, trình độ khác biệt thì không thể triển khai rập khuôn, giống nhau được.
Đơn cử như, việc triển khai chuyển đổi số ở thành phố Biên Hòa sẽ khác so với các địa phương vùng xa như: Tân Phú, Định Quán. Việc phổ biến các ứng dụng chính quyền số, xã hội số dành cho người dân ở các các độ tuổi, dân tộc, nghề nghiệp… có sự linh động, phù hợp.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Ngữ, chuyên gia về chuyển đổi số, thành viên Hội đồng tư vấn Chuyển đổi số tỉnh chia sẻ, địa phương cần bám sát, phân tích từng tiêu chí về chuyển đổi số theo quyết định của Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông để triển khai các dự án chuyển đổi số một cách phù hợp, đảm bảo các tiêu chí.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hướng tới “đặt hàng”, nêu đề bài về các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số từ các chuyên gia, doanh nghiệp một cách cụ thể hơn, cũng như đẩy mạnh nguồn nhân lực về chuyển đổi số, nhất là từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Hơn thế nữa, tỉnh cần chú trọng hệ thống cơ sở dữ liệu để thúc đẩy chuyển đổi số…
TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE, bày tỏ yếu tố quan trọng nhất mà Đồng Nai cần chú trọng là sự kết nối toàn diện giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái số, bao gồm: chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Quá trình chuyển đổi số thành công không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn là sự tương tác và liên kết chặt chẽ giữa các bên.
Song song đó, địa phương có thể định hướng, tham khảo và triển khai các dự án, mô hình gắn chuyển đổi số với tăng trưởng xanh dựa trên những lợi thế, tiềm năng của địa phương. Đơn cử như các dự án về nông nghiệp thông minh và bền vững, mô hình về thành phố thông minh và quản lý năng lượng, mô hình về công nghiệp số hóa và xanh hóa…