[Loạt Megastory] Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh: 'Gieo' nhận thức, 'gặt' hành động
Bài 3: Có bột mới gột nên hồ
.

[Loạt Megastory] Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh: 'Gieo' nhận thức, 'gặt' hành động
Bài 3: Có bột mới gột nên hồ

Hoàng Hải
09:52, 24/10/2024
 

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Trước xu thế đó, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, các địa phương, trong đó có Đồng Nai đã và đang tập trung vào các động lực, nền tảng nhằm triển khai các quy hoạch, giải pháp hướng tới các mục tiêu về chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Nổi bật trong những động lực, nền tảng này là các yêu cầu về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, tài chính xanh và thu hút đầu tư về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

 

Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là quá trình chông gai nhưng khi làm tốt thì sẽ góp phần gia tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh của địa phương. Trong đó, nhân lực số là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo. Nhân lực số giữ vị trí then chốt để thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng xanh diễn ra thành công.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ ký kết giữa Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về thành lập trung tâm vi mạch bán dẫn, phát triển các chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh: ĐNO

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Võ Hoàng Khai chia sẻ, hiện nay, nhận thức và kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp, người dân về thời cơ cũng như thách thức của nền kinh tế số đối với sự phát triển đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần tiếp thu những mô hình quản lý mới, ý tưởng sản xuất và kinh doanh mới, đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho những sáng kiến mới được ra đời và phát triển. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Trong đó, tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số; đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số…

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chuyển đổi số Đồng Nai nhấn mạnh, Đồng Nai rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tìm cách đẩy mạnh các giải pháp thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh gắn với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số để dẫn dắt, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực cho cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động.

 

Song song với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, vấn đề tài chính cũng là một bài toán không dễ có lời giải đối với tiến trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh. Đồng Nai nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung đang ở giai đoạn đầu về chuyển đổi số nên sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, có những khó khăn về nguồn kinh phí, tài chính để triển khai các dự án, giải pháp liên quan đến chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ngành Ngân hàng trong tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Hải

Theo PGS-TS Nguyễn Quang Trung, Trưởng nhóm nghiên cứu về Quản trị chuyển đổi thông minh (Đại học RMIT), thành viên Hội đồng Tư vấn Chuyển đổi số của Đồng Nai, vấn đề về kinh phí là một trong những khó khăn chung của nhiều địa phương không riêng gì ở Đồng Nai trong tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều dự án chuyển đổi chưa triển khai được vì còn thiếu kinh phí hoặc có trường hợp dù có kinh phí nhưng chưa thể sử dụng để triển khai dự án do vấn đề ở các khâu thủ tục, quản trị tài chính công và các yếu tố ràng buộc tài chính quy định…

Trong bối cảnh hiện nay, các dòng tài chính xanh được xem là một giải pháp mang lại nhiều kỳ vọng nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch từ các mô hình kinh tế truyền thống sang những phương thức sản xuất và tiêu dùng ít carbon hơn bằng cách cung cấp nguồn lực cần thiết. Đồng thời, hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, giao thông xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững.

 

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Hồ Quang Nam cho biết, trong năm 2023, công ty đã bước đầu đầu tư cho chuyển đổi công nghệ với số vốn khoảng 20 triệu USD. Theo kế hoạch đã định, từng bước tiếp theo trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện việc chuyển đổi công nghệ tại công ty, hướng đến mô hình nhà máy thông minh, tự động hóa tối đa các công đoạn sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất lao động, giảm chi phí giá thành... để gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường công nghệ cao vốn dĩ cạnh tranh khốc liệt.

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề cấp thiết hiện nay đối với nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh, đó là sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh. Để giảiquyết vấn đề này, Đồng Nai cần thiết lập một khung chính sách rõ ràng và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn tài chính xanh, thông qua việc hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng và các quỹ đầu tư xanh. Việc này sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp tại Đồng Nai đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE (Hội Truyền thông số Việt Nam) chia sẻ, tài chính xanh không chỉ là một khái niệm mới mẻ mà đã trở thành nền tảng cho việc phát triển các dự án liên quan đến tăng trưởng bền vững và chuyển đổi số. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tài chính xanh có khả năng giúp giảm từ 10-30% chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp, thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng đại diện các đơn vị của Bộ Khoa học và công nghệ cắt băng khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai năm 2024 (Techfest Dong Nai 2024). Ảnh: Thảo Quế

Đối với Đồng Nai, với vị thế là một tỉnh công nghiệp lớn, việc tiếp cận và ứng dụng tài chính xanh có thể mang lại những thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, các khu công nghiệp tại Đồng Nai có thể trở thành những mô hình tiên phong trong việc áp dụng các giải pháp tài chính xanh để xây dựng hệ thống sản xuất sạch, sử dụngnăng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Ví dụ, mô hình điện mặt trời áp mái đã được triển khai tại một số khu công nghiệp ở Đồng Nai, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm phát thải carbon.

 

“Một giải pháp về tài chính cho địa phương đó là thành lập một quỹ phát triển xanh tập trung vào việc huy động nguồn vốn từ cả trong nước và quốc tế. Quỹ này sẽ hỗ trợ các dự án phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và phát triển hạ tầng bền vững” - TS Trần Quý chia sẻ.

 

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại một hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Hải

Trong các nhiệm vụ đột phá, tỉnh sẽ xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ.

 

Đại diện Tổng công ty Sonadezi cho biết, trong thu hút đầu tư, Sonadezi ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án xanh, các dự án sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động… Trong số 895 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) tại 11 khu công nghiệp của Sonadezi, có nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như: Tripod, Meggitt, Bosch, Olympus, Aqua, Shell, Hans Vina, 3M, Sony, Kenda…

 
 

 

Từ khóa:

Chuyển đổi số

phát triển bền vững

tăng trưởng xanh

triển khai

chuyển đổi xanh

thúc đẩy tăng trưởng

Xem thêm bình luận