Theo Bộ Y tế, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân tại các cơ sở y tế từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách, khiến lượng thông tin lưu trữ quá lớn, công tác tìm kiếm khó khăn.
Dù mang lại lợi ích lớn, nhưng các bệnh viện vẫn khó triển khai vì không đủ nguồn lực, nhất là chưa được tính vào giá viện phí.
Là đơn vị đầu tiên thực hiện bệnh án điện tử (EMR), những năm qua, BVĐK khu vực Long Khánh đã hoạt động khá ổn định. Nhưng vẫn có những có những lần bệnh viện rơi vào tỉnh trạng treo máy. Khi ấy, xe đi buồng, máy tính đi buồng có cài đặt EMR đều đứng im và mất tác dụng.
Nhân viên phòng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh làm việc tại phòng điều hành EMR. |
Từ khi thực hiện bệnh án điện tử đến nay, BVĐK khu vực Long Khánh chỉ mới dành chi phí để vận hành, bảo trì còn việc nâng cấp tốc độ đường truyền, mua máy tính bảng hay nâng cấp bảo mật vẫn “dậm chân tại chỗ” do thiếu nguồn kinh phí. Đây sẽ là những khó khăn mà các đơn vị muốn làm bệnh án điện tử phải đối mặt. Hơn nữa, nguồn nhân lực chuyên về công nghệ thông tin tại các bệnh viện vẫn còn thiếu và yếu, nhất là vấn đề bảo mật.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn gặp những lỗi hệ thống vì bệnh án điện tử chạy liên tục 24/24 nên bị treo máy. Từ đó, các y, bác sĩ cũng không thể làm việc được do không xem được các dữ liệu của bệnh nhân. Nhưng may nắm là những lỗi này lại không quá lớn, vẫn xử lý nhanh để hệ thống hoạt động lại ngay. Hơn nữa, nhiều lỗi sự cố không tìm ra được nguyên nhân rõ ràng” - anh Nguyễn Hữu Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay.
Dù chưa chính thức triển khai bệnh án điện tử, nhưng BVĐK Đồng Nai đã ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, và hoạt động khám, chữa bệnh. Hiện, bệnh viện này đang dùng song song cả bệnh án giấy để thanh toán bảo hiểm y tế, và hồ sơ bệnh án điện tử nhằm lưu trữ cho các bác sĩ, điều dưỡng nắm quá trình bệnh sử của bệnh nhân.
Vào đầu tháng 8-2024, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã khắc phục được sự cố chậm và treo hệ thống máy chủ làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị này. Cụ thể, trong ngày 6-8, hệ thống máy chủ của Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai xảy ra hiện tượng chậm và treo, khiến cả y, bác sĩ lẫn bệnh nhân ở các khâu như: tiếp nhận, khám bệnh và thanh toán đều bị ảnh hưởng, không làm thủ tục cho bệnh nhân nhập hay xuất viện. Trước sự cố này, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi khám, chữa bệnh và làm thủ tục xuất viện.
Ban giám đốc BVĐK Đồng Nai giải thích cho bệnh nhân khi xảy ra sự cố chậm và treo hệ thống máy chủ vào tháng 8-2024. |
Chỉ trong 1 ngày, bệnh viện đã nỗ lực triển khai nhanh hệ thống máy chủ tạm thời để khắc phục sự cố, nhanh chóng hoạt động trở lại. Đến sáng ngày 7-8, hệ thống máy dự phòng đã được đưa vào khai thác sử dụng, công tác khám chữa bệnh hoạt động trở lại bình thường để phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân.
Bác sĩ Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, trung bình với mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 4 ngàn bệnh nhân và điều trị nội trú cho hơn 1 ngàn bệnh nhân. Trong khi đó, hệ thống máy chủ - lưu trữ dữ liệu hồ sơ bệnh án đã được sử dụng từ năm 2015, có nhiệm vụ đẩy dữ liệu khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế lên cổng của Bảo hiệm xã hội Việt Nam và đẩy toa thuốc lên cổng dược quốc gia của các cơ sở y tế.
Theo báo cáo của BVĐK khu vực Long Khánh gửi Sở Y tế, bên cạnh những ưu điểm mà EMR mang lại như: tự động hóa các quy trình làm việc, giảm thiếu sai sót, tăng năng suất làm việc của bác sĩ, điều dưỡng, bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, việc bảo trì và nâng cấp hệ thống đòi hỏi chi phí thường xuyên và đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp. Trong khi, bệnh viện vẫn còn thiếu nhân lực có kỹ năng. Ngoài ra, dữ liệu y tế là thông tin nhạy cảm, việc bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng là một thách thức lớn nhưng việc xây dựng và thực thi các quy định về bảo rật thông tin y tế còn chưa hoàn thiện.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại BVĐK khu vực Long Khánh. |
“Hiện nay, dù EMR đã thực hiện được vài năm nhưng vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ, khung pháp lý chưa hoàn thiện. Do đó, chúng tôi mong có các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện triển khai chuyển đổi số. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các bệnh viện trong việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ như: đầu tư vào các hệ thống phần cứng, phần mềm hiện đại, đảm bảo kết nối mạng ổn định, đầu tư vào các giải pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu bệnh nhân. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng chính sách, tạo khung pháp lý và hỗ trợ tài chính để các bệnh viện thực hiện EMR” – bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh kiến nghị.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế đánh giá, bệnh án điện tử này khá phức tạp, chưa có sự đồng nhất giữa các đơn vị và mỗi đơn vị đã xây dựng một cấu hình riêng dù “đầu ra” là giống nhau. Nhưng thực tế, EMR tại BVĐK khu vực Long Khánh mới là phần mềm thử nghiệm, chưa phải là phần mềm thương mại chính thức nên còn thiếu sót nhất định.
“Do đó, khi có Đề án đầu tư EMR cho các đơn vị sắp tới, chúng tôi đề cao đến vấn đề bảo mật từ cấp cơ sở” – bác sĩ Trung cho biết.
Hiện nay, hầu như các cơ sở y tế đều thực hiện tự chủ tài chính một phần. Trong khi đó, giá viện phí vẫn chưa tính đúng tính đủ, chưa tính yếu tố đầu tư công nghệ thông tin hay bệnh án điện tử vào giá viện phí. Do đó, các bệnh viện hay trung tâm y tế rất khó “tự lực” triển khai bệnh án điện tử hoàn chỉnh và chuẩn hóa. Bác sĩ Minh phân tích, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống bệnh án điện tử từ mua các thiết bị máy tính, thuê phần mềm, bảo mật, vận hành… là rất lớn. Trong khi đó, bệnh viện chỉ có một nguồn tiền từ Quỹ phát triển sự nghiệp là không đủ, và gần như không thể làm.
Điều dưỡng khoa Tiêu hóa, BVĐK Đồng Nai ghi chép thông tin của bệnh nhân vào hồ sơ giấy. |
Gần 100 bệnh nhân nằm viện nội trú, tại khoa Nội tiêu hóa, BVĐK Đồng Nai, trong đó, mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 15-30 bệnh nhân mới, đồng nghĩa với các y, bác sĩ phải làm bằng đó hồ sơ bệnh án mới. Và hầu như bệnh nhân nào cũng có nhiều loại bệnh cùng lúc nên việc chữa trị cũng phức tạp hơn và việc ghi hồ sơ bệnh án cũng dài hơn. Bác sĩ Đặng Văn Mạnh khoa Nội tiêu hóa, BVĐK Đồng Nai cho hay, đa số là bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền, có tiền sử nhập viện nhiều lần đi đôi với việc sử dụng nhiều thuốc và các xét nghiệm, cận lâm sàng. “Trong khi đó, hiện tại, chúng tôi phải làm song song cả bệnh án giấy lẫn phần mềm quản lý bệnh bệnh viện (đẩy lưu trữ thông tin khám, chữa bệnh trên hệ thống) nên mất khá nhiều thời gian do mất 2 lần ghi chép tay rồi nhập lên máy. Kéo theo, thời gian ghi chép làm hồ sơ cũng tăng gấp đôi so với thời gian khám bệnh. Do vậy, tôi mong được áp dụng EMR để giảm tải thời gian làm giấy tờ, có thời gian dành cho bệnh nhân, chuyên môn nhiều hơn” – bác sĩ Mạnh tâm tư.
Bác sĩ Mạnh tái khám cho bệnh nhân nằm viện tại khoa Tiêu hóa, BVĐK Đồng Nai. |
Theo lãnh đạo các cơ sở y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, lưu giữ hồ sơ… đều do các bệnh viện tự đầu tư. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ phần nào và đây là “cái khó” với các cơ sở y tế, nhất là khi viện phí chưa tính đúng tính đủ, tính yếu tố đầu tư công nghệ thông tin trong giá viện phí.