Bệnh án điện tử khó " cán đích": Vì sao?
Bài 1: Lợi đơn, lợi kép...
.

Bệnh án điện tử khó " cán đích": Vì sao?
Bài 1: Lợi đơn, lợi kép...

Bích Nhàn - Duy Hảo
20:00, 19/10/2024
 

Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi cho nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nhằm thay thế bệnh án giấy, từ đó, giảm tải công việc cho đội ngũ y, bác sĩ để tập trung thời gian cho hoạt động chuyên môn. Và thực tế, tại các bệnh viện đã triển khai, mô hình bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích không chỉ với nhân viên y tế mà với cả người bệnh.

Tuy nhiên, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 7-2024, cả nước mới chỉ có 90/1.400 bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế.

Trong khi đó, mục tiêu của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, tất cả các bệnh viện hạng 1 trên cả nước đã phải chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Nhưng đến nay, nhiều bệnh viện vẫn còn loay hoay tìm cách triển khai vì thiếu kinh phí, thiếu cơ chế về giá…

 
 

6 năm làm việc tại BVĐK khu vực Long Khánh, bác sĩ Hoàng Xuân Quý, Khoa Ngoại thận tiết niệu đã “kinh qua” cả bệnh án giấy lẫn bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR). 2 năm đầu tiên theo nghề y, bác sĩ Quý vẫn làm theo cách “truyền thống”: khám bệnh, ghi chép vào hồ sơ giấy… Nhưng tất cả đã khác khi bệnh viện ứng dụng EMR từ đầu năm 2020. Chỉ cần gõ tên bệnh nhân, các thông tin về: ngày vào viện, mặt bệnh, sử dụng thuốc… được hiển thị rõ ràng. Thao tác nhanh, bác sĩ Quý có nhiều thời giờ hơn để trò chuyện với bệnh nhân hay học hỏi, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.
 

Ảnh 1: Trung tâm điều hành Bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã hoạt động từ
năm 2020.
Trung tâm điều hành Bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã hoạt động từ năm 2020.

“Rất thuận lợi! Tôi có thể xem lại được lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân; những loại thuốc bệnh nhân từng sử dụng chỉ bằng 1 cái “click” chuột. Hơn nữa, thay vì phải ngồi viết từng chữ, tôi chỉ cần gõ vài phím tắt trêm Ipad là ra các mã bệnh theo quy định của Bộ Y tế để thanh toán bảo hiểm. Từ đó, tôi cũng như đồng nghiệp tiết kiệm được khoảng 70% thời gian so với ghi chép hồ sơ bệnh án giấy trước đây” - bác sĩ Quý chia sẻ.

Cũng có những lần, bệnh viện bị lỗi đường truyền nên hệ thống máy bị “treo”, nhất là những lúc bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Dù vậy, bác sĩ Quý cho rằng, tình huống này không thường xuyên, được xử lý nhanh và vẫn có thể nhập liệu sau khi “sự cố” được khắc phục.

Ảnh 2: Bác sĩ Quý xem bệnh án cho bệnh nhân bằng máy tính bảng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long
Khánh
Bác sĩ Quý xem bệnh án cho bệnh nhân bằng máy tính bảng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

Không chỉ bác sĩ, mà ngay cả điều dưỡng cũng được giảm tải nhờ EMR. Điều dưỡng Lâm Thị Tuyết Sương, Khoa Hồi sức - tích cực - chống độc, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, 100% người bệnh ở đây đều trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, cần chăm sóc đặc biệt. Do vậy, công việc của chị Sương cũng như các điều dưỡng khác rất bận rộn vì vừa phải tiêm thuốc, thay băng theo y lệnh còn phải thay tã, lau người, cho bệnh nhân ăn uống...

Trước đây, mỗi ngày vào ca trực, chị Sương phải làm hết hồ sơ của 5-6 bệnh nhân tại khoa. Bệnh nhân lấy máu, làm xét nghiệm, sử dụng thuốc, làm thủ thuật… gì đều phải ghi lại hết vào phiếu chăm sóc của điều dưỡng.

“Còn khi có EMR, chúng tôi chỉ cần copy diễn biến của bệnh nhân từ bảng của bác sĩ sang bảng của điều dưỡng và sử dụng thuốc thì có thanh công cụ nên truy xuất từ của bác sĩ sang phần của điều dưỡng nhanh chóng, lại không sai sót trong dùng thuốc” - chị Sương tâm sự.

Nhờ vậy, cùng một thời gian làm việc như trước thì mỗi điều dưỡng có thể chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn.

 

Cũng nhờ bệnh án điện tử, BVĐK khu vực Long Khánh đã bỏ hoàn toàn kho lưu trữ hồ sơ rộng hơn 300 m2, thay vào đó chuyển đổi thành Khoa Nội tim mạch với 70 giường cho người bệnh điều trị. Không chỉ tiết kiệm giấy tờ in, thậm chí tiết kiệm được cả tiền in phim chụp chiếu cho các bệnh nhân khi hình ảnh đã được tích hợp tại bệnh án điện tử.
 

Ảnh 3: Khu lưu hồ sơ giấy của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trước khi làm EMR
 Khu lưu hồ sơ giấy của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trước khi làm EMR

Cụ thể, từ năm 2020 trở về trước, trung bình với mỗi tháng, BVĐK khu vực Long Khánh mất khoảng hơn 200 triệu đồng cho việc mua giấy mực để ghi hồ sơ bệnh án. Ngoài ra, tiền in film là khoảng 300 triệu đồng/tháng. Tình trạng này đã được chấm dứt khi có EMR. Theo đó, tất cả các thông tin của bệnh nhân sẽ đi qua “một cửa”, không phải qua “nhiều cửa” và chính xác, từ thông tin bệnh sử của bệnh nhân đến thuốc…

Trước khi có EMR, BVĐK khu vực Long Khánh đã có hệ thống kết nối giữa khoa cận lâm sàng với việc điều trị thông qua các phần mềm như: HIS (Hệ thống quản lý bệnh viện), LIS (Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm), PACT (Hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh). Từ đó, các kết quả xét nghiệm máu hoặc các kết quả chẩn đoán hình ảnh CT, MRI sẽ được hiển thị trên máy tính, bác sĩ chỉ cần đánh mã số bệnh nhân có thể biết được kết quả, xem và đưa ra chẩn đoán nhanh hơn.

Ảnh 4: Khu lưu trữ hồ sơ giấy đã được chuyển đổi thành Khoa Nội tim mạch với 70 giường cho người
bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
Khu lưu trữ hồ sơ giấy đã được chuyển đổi thành Khoa Nội tim mạch với 70 giường cho người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

Theo anh Nguyễn Hữu Phi, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, bệnh viện đã tận dụng một phần dữ liệu của phần mềm quản lý bệnh viện đã ứng dụng nhiều năm nay để kết nối vào EMR. Bệnh án điện tử lưu nội dung của bệnh án giấy, tiết kiệm được nhiều công đoạn, giúp quá trình hoàn thành bệnh án điện tử nhanh hơn.

Trong bệnh án điện tử sẽ sử dụng file word đơn giản, dễ hiểu nên y, bác sĩ dễ thể tiếp cận. “Nhưng để có được bệnh án điện tử, bệnh viện đã đầu tư khá lớn về phần mềm, hệ thống máy tính, Ipad cho các y, bác sĩ sử dụng. Bởi giá của mỗi máy tính bảng là khá cao và cần phải cập nhật phần mềm, công nghệ liên tục”.

 

Mỗi bệnh nhân khi tới khám tiết kiệm được ít nhất 30 phút đến 1 giờ đồng hồ làm các thủ tục khi đến khám tại BVĐK khu vực Long Khánh. Cùng với đó, bệnh nhân cũng đã được lưu hết hồ sơ điện tử nếu đã từng khám ở đây nên rất nhanh, bác sĩ để có thể đưa ra phương án điều trị, kê thuốc, thậm chí chia sẻ thông tin các khoa khác.
 

Ảnh 5: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh trên máy thay vì xếp hành chờ như trước
Bệnh nhân đăng ký khám bệnh trên máy thay vì xếp hành chờ như trước

Đã khám gì, vào thời gian nào, kết quả các xét nghiệm, đơn thuốc ra sao… tất cả đều được lưu chi tiết trong hồ sơ EMR của mỗi bệnh nhân. Thuận tiện, không xếp hàng chờ đợi lấy số, giảm gánh nặng giấy tờ nhất là với người bệnh cao tuổi, EMR cũng mở đường nhiều thuận lợi trong việc thăm khám của các y, bác sĩ.

56 tuổi, bị cùng lúc nhiều bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, suy tim…, đều đặn mỗi tháng một lần, ông Nguyễn Sinh Nhật, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ phải đến BVĐK khu vực Long Khánh để thăm khám và lấy thuốc cho những bệnh mãn tính mình đang điều trị. Thay vì ôm theo nhiều loại giấy tờ của những lần khám, chữa bệnh trước, giờ ông Nhật chỉ cần mang mang theo căn cước công dân hoặc điện thoại.

“Tôi không còn lo chuyện lỡ quên mang theo hồ sơ đã từng khám, chữa bệnh hay đơn thuốc những tháng trước nữa. Giờ chỉ có mỗi giấy tờ tùy thân lúc nào cũng trong ví. Mới đây, tôi nhờ con trai cài thêm các thông tin bệnh án trên phần mềm VNeID nên chỉ cần mang theo điện thoại là xong, còn gọn hơn trước. Tất cả từ tư vấn, đơn thuốc đều có trong hồ sơ bệnh án điện tử” - ông Nhật cho hay.

 
 

 

Từ khóa:

Bệnh án điện tử

chuyển đổi số

Bộ Y tế

bệnh viện

bệnh nhân

Xem thêm bình luận