Báo Đồng Nai điện tử
En

Ăn vặt ở… xứ người

02:02, 05/02/2013

Người Việt đi xa thường mang tâm lý nhớ nhà khi ngồi trước “mâm cao cỗ đầy” với các món ăn lạ hoắc. Không hiếm người không chịu nổi, chỉ “đòi” tô mì gói trộn cơm, ngồi húp ngon lành. Những lần xuất ngoại ít ỏi của tôi cho thấy, thú vị nhất không phải là ngồi ở bàn ăn sang trọng chờ được chiêu đãi các món ăn đậm “hương vị quốc tế”, mà là được lê la nếm trải món ăn đường phố...

Người Việt đi xa thường mang tâm lý nhớ nhà khi ngồi trước “mâm cao cỗ đầy” với các món ăn lạ hoắc. Không hiếm người không chịu nổi, chỉ “đòi” tô mì gói trộn cơm, ngồi húp ngon lành. Những lần xuất ngoại ít ỏi của tôi cho thấy, thú vị nhất không phải là ngồi ở bàn ăn sang trọng chờ được chiêu đãi các món ăn đậm “hương vị quốc tế”, mà là được lê la nếm trải món ăn đường phố...

Hủ tiếu Thái ở Chinatown.
Hủ tiếu Thái ở Chinatown.

Chẳng đi đâu xa, loanh quanh vài nước lân cận, và cũng chỉ vài ngày, nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian lang thang các khu chợ, những đường phố bé nhỏ len lỏi trong các khu dân cư, để được ngắm nhìn nhịp sống thường nhật và để thử các món ăn địa phương đặc sắc.

Lê la phố Tàu ở Thái

Đêm đầu tiên trong khách sạn ở Bangkok, tự dưng vẫn xao xác nhớ… tô bánh canh đầu hẻm sau cả ngày trời miệt mài với đủ món chua cay. Cho đến khi người bạn dẫn đi ăn vặt ở Chinatown, tôi tự nhủ: “Phải tới chỗ này mới đúng chớ. Thiên đường là ở đây rồi !”.

Tuyến phố chính của Chinatown không dài, chỉ khoảng hơn nửa cây số, nhưng tập trung rất nhiều quán ăn, nhà hàng, cửa tiệm thực phẩm… mở cửa sáng đêm, chủ yếu đón khách nước ngoài. Bên cạnh một số tiệm bán món ăn Trung Hoa, Chinatown cung cấp đầy đủ các món ăn truyền thống Thái Lan. Và đặc biệt, con đường này bán rất nhiều loại trái cây thuộc hàng “đỉnh” của xứ này.

Khách du lịch chọn mua trái cây Thái.
Khách du lịch chọn mua trái cây Thái.

Kết thúc màn dạo đầu với các món ăn truyền thống của Thái, như: rau nhút xào tỏi, canh Tom-yum, gỏi đu đủ… trong một tiệm ăn nhỏ chật hẹp nhưng nấu rất ngon, chúng tôi “tràn” xuống đường. Vốn nổi danh từ lâu về trái cây nhiệt đới, Thái Lan cung ứng cho khách du lịch hàng chục loại trái cây đặc sản thơm ngon đến tê lòng. Rải rác khắp con đường là các xe trái cây đủ loại: dâu, me, xoài, cherry, sầu riêng, chanh, táo, lựu… Chỉ với 12 baht (1 baht khoảng 700 đồng), tôi có thể uống no nê nước lựu ép thơm ngon màu đỏ sẫm, hoặc bỏ ra 25 baht để có một vỉ sầu riêng lột sẵn tươi mới, ngon lành. Hai món đặc sản khác không thể bỏ qua cũng được chế biến từ trái cây là xôi xoài và xôi sầu riêng của Thái. Hạt nếp dài, mảnh được ướp nước dừa rồi “đồ” lên, bên trên rưới thêm chút cốt dừa béo ngậy, phủ lên trên nữa là một lớp xoài cắt hạt lựu hoặc sốt sầu riêng thơm lựng. Món ăn không hề cho cảm giác ngán, trái lại, thơm ngon và rất thanh khiết.

Dọc đường, các xe hủ tíu Thái bày bán nhan nhản, có mùi vị khá quen thuộc với tỏi phi, tỏi ngâm, ớt sa tế, hải sản và nước mắm, tương tự Việt Nam.

Phải thừa nhận, người Thái rất biết cách làm vừa lòng thực khách. Sao có thể từ chối không thử món gỏi đu đủ Tom-yum cay thơm tê tái khi anh chàng Thái Lan tươi cười vừa giã gia vị đủ màu trong cối đá, vừa nài nỉ bạn nếm thử, không thích thì không cần ngồi lại. Tôi cũng ăn thử món chè yến sào với xoài Thái cắt hột lựu thanh mát, không cầm lòng nổi trước món súp vi cá ăn cùng những cọng giá thon dài, thử luôn món xoài xanh cắt thành từng thanh đựng trong các hộp giấy, chấm cùng thứ nước sốt lạ lẫm làm từ tôm khô, hành lá, nước mắm Thái, ớt sa tế… Về khuya, trên đường về khách sạn bằng xe tuk tuk, chẳng biết tự khi nào, xung quanh tôi đã lúc lỉu bao nhiêu thứ: mứt trái cây đủ loại, cherry, mấy chai nước lựu ép, đùm táo, hộp xôi xoài… và dĩ nhiên, không thể thiếu túi hạt dẻ tươi ngon mập mạp được rang ngay bằng chảo cát ven đường, còn ấm nóng thơm bùi trên tay.

Đất nước của… côn trùng

Từ Việt Nam đi Campuchia rất rẻ. Nếu đi bằng đường bộ, một tour 3-4 ngày chỉ mất chừng 3-4 triệu đồng. Vậy nên nhiều món ăn của Campuchia không còn quá xa lạ với người Việt.

Đầu tiên, xứ Chùa Tháp này đặc biệt nhiều cây thốt nốt. Dọc các con đường vắng vẻ của tỉnh Kongpongthom, Kongpongcham, thậm chí giữa thủ đô Phnompenh náo nhiệt, đâu đâu cũng thấy cây thốt nốt. Nước thốt nốt ngọt, chắt lọc từ hoa thốt nốt nên hương vị rất tinh khiết, được nấu thành đường. Đường thốt nốt không chỉ dùng nấu chè, còn có thể nêm vào thức ăn, canh hay các món kho. Ngoài ra, nước thốt nốt còn chế biến thành một loại rượu nhẹ như rượu vang rất đặc biệt còn có tên gọi là "tức-thốt-chu" (thốt nốt chua). Lần đầu tiên nếm thử món rượu này, thấy dễ uống, nhiều người có thể uống… đến say, bởi nó “đã khát” một cách kỳ lạ đối với xứ khô hạn quanh năm như Campuchia. Và thật khó lòng không nhắc đến mắm bò hóc khi bạn đã từng ăn uống ở Campuchia. Món mắm truyền thống này được làm từ những con cá con tốt nhất, mổ ruột ướp muối rồi để trong tủ đậy kín, vài tháng sau mới đem ra ăn. Trong các món xào như bò xào kruong, cá amok hấp, mắm bồ hóc đều có nước cốt dừa, nghệ, riềng, chanh rừng, lá ngót, cà ri… Khác với mắm Việt Nam, mắm bồ hóc rất mặn do chỉ ướp muối. Mắm bồ hóc được người dân giữ lại lâu bằng cách ướp muối khi đánh bắt cá ở Biển Hồ không sử dụng hết và được dự trữ để dùng dần và trở thành món ăn không thể thiếu của người dân.

Cô gái bán thức ăn đường phố ở chợ Kampong Cham. Món dế chiên được bày bán khắp các chợ ở Campuchia .
Cô gái bán thức ăn đường phố ở chợ Kampong Cham. Món dế chiên được bày bán khắp các chợ ở Campuchia

 Lang thang đường phố ở Campuchia, đâu đâu tôi cũng bắt gặp những đứa trẻ da ngăm, đôi mắt đen láy, đội những rổ côn trùng đi bán dạo. Loại thức ăn giàu đạm này được tìm thấy rất nhiều trên đất nước này. Từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm. Đắt đỏ nhất vẫn là con cà cuống - một loại côn trùng có ích sống nhiều ở đồng ruộng Campuchia với hương vị thơm cay. Cà cuống hiện nay đang bày bán tại các chợ côn trùng Campuchia hầu hết đã được lấy túi hương ra, chỉ còn lại thân, còn túi hương người ta bán riêng với giá khá cao. Campuchia xưa nay vẫn nổi tiếng là nước xuất khẩu côn trùng sang Thái Lan. Món ăn chế biến từ côn trùng của nước này không cầu kỳ và ít gia vị hơn món ăn từ côn trùng của Thái Lan. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn khác không kém phần hấp dẫn như cá lóc quấn trong bẹ chuối và nướng trực tiếp trên bếp than. Khô cá trèn, khô cá lóc, đặc biệt cá amok hấp nước cốt dừa với cà ri có vị Khmer rất riêng mà chỉ ăn vài lần, tôi đã xao xuyến nhớ.

Xứ sở gạo nếp, khô bò

Không “xả láng” như ở Campuchia, người dân Lào có vẻ hiền lành, mộc mạc và “không biết ăn chơi” lắm. Trú tại tỉnh biên giới Champasak suốt 3 đêm, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chỉ mới 8 giờ tối, phố phường đã vắng hoe, dù đây được xem là một trong các tỉnh giàu của Lào. Vậy nên, trải nghiệm về thức ăn đường phố ở Lào không nhiều như ở Campuchia và Thái, mà chủ yếu thưởng thức trên các bàn ăn. Và 2 món đặc sắc nhất, ngoài món “lạp” truyền thống của Lào (làm từ thịt băm nhỏ trộn lá bạc hà và gia vị truyền thống), là khô bò và gạo nếp.

Thịt khô bò Lào được bày bán nhiều trong các chợ, nổi danh đây đó vì được làm từ những phần thịt ngon nhất của những con bò nuôi thả tự nhiên trên cao nguyên Boloven bốn mùa dịu mát. Ngành chăn nuôi của Lào chưa mấy phát triển, nên ngoài một số trang trại heo, gà được đầu tư quy mô, còn lại các loại gia súc khác đều được nuôi tự nhiên. Thịt bò khô của Lào được chế biến thành nhiều loại: khô bò cây, khô bò miếng và chà bông. Mỗi cách chế biến đều cho một vị ngon riêng. Khô bò cây được làm từ những thỏi thịt bò dài, ướp sơ gia vị truyền thống rồi phơi khô, khi nướng lên còn giữ nguyên mùi vị thơm ngon của thịt bò nguyên chất. Khô bò miếng có pha chút mỡ nên có vị béo bùi đặc trưng. Chà bông làm từ thịt bò theo kiểu Lào cũng rất ngon với nhiều loại gia vị như: hành phi, gừng, tỏi… lạ miệng nhưng khá dễ ăn. Đặc biệt, Lào cũng là xứ sở nổi tiếng với… ớt. Chợ nào cũng bán đầy ớt khô cay xé lưỡi. Gia vị chính trong các món ăn hầu hết đều có ớt, và khi chế biến riêng cũng có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế , ớt hầm, ớt luộc…

Cô gái bán thức ăn đường phố ở chợ Kampong Cham. Món dế chiên được bày bán khắp các chợ ở Campuchia .
Các món cơm và bánh chế biến từ hạt gạo nếp và thịt bò khô các loại bán ở chợ của Lào.

Ngoài thịt bò khô, đặc sản của Lào là gạo nếp. Xôi nếp là món ăn truyền thống của người Lào, người ta cho rằng người Lào ăn xôi nhiều hơn ăn cơm và gạo nếp gần như lương thực hàng ngày của họ. Cô gái phiên dịch nhỏ nhắn người Lào của chúng tôi cho biết, từ nhỏ, như bao gia đình khác, ngày nào nhà cô cũng ăn cơm nếp, không ăn xôi buổi sáng thì ăn vào trưa, tối. Ở xứ cao nguyên lành lạnh, chõ cơm nếp dẻo bùi, có khi chỉ cần ăn với quả trứng chiên, hay dúm chà bông từ thịt bò cay xé lưỡi cũng đủ làm nên ký ức thân thương cho cô bé. Ở Lào, nhà nào cũng có những cái chõ hong xôi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Bữa cơm ở nhà hàng nổi trên dòng Mekong ấn tượng bởi ngoài các món ăn quen thuộc của người Lào như: lạp heo, lạp bò, thịt vịt… tôi còn được thưởng thức cơm nếp nấu trong chiếc chõ tre xinh xinh ăn cùng một loại cá nước ngọt đánh bắt trên sông Mekong, phơi sơ một nắng rồi chiên giòn. Ngon hết biết!

Xôi nếp Lào thường ăn với các món mặn như: thịt nướng hay ram, chà bông hay cá kho… Các tour du lịch đến Lào luôn có món xôi nếp giới thiệu với khách. Ăn kèm với xôi là thịt gà nướng hay cá kho riềng và thêm món rau như: bông bí, đọt bầu, đọt bí luộc chấm với một loại mắm giống như mắm nêm của Việt Nam. Trên cao nguyên Boloven mà chúng tôi ghé qua vào một buổi sáng mưa dầm, nhà bếp khách sạn đãi món bắp cải và su su mới hái luộc, chấm cùng món mắm nêm đặc trưng của Lào, ngọt ngào và thấm vị đến khó quên. Đặc biệt, nếp Lào nấu cơm rượu cũng ngon không kém. Hạt nếp tơi, rời và mềm còn nguyên dáng vẻ ban đầu cho dù đã qua quá trình lên men, kết hợp với vị ngọt, béo bùi của cơm nếp, thực khách nào không cẩn trọng, có thể ăn mê mệt đến say vùi, chếnh choáng.

VI LÂM

 

 

 

 

Tin xem nhiều