Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân "chật vật" tìm nơi gửi trẻ

07:06, 19/06/2023

Mùa hè đến, nhiều công nhân lao động có con trong độ tuổi đi học đều rất lo lắng về chuyện gửi con. Một số công nhân phải gửi con ở các nhóm trẻ tư thục hoặc chấp nhận cho con ở phòng trọ để đi làm.

Mùa hè đến, nhiều công nhân lao động có con trong độ tuổi đi học đều rất lo lắng về chuyện gửi con. Một số công nhân phải gửi con ở các nhóm trẻ tư thục hoặc chấp nhận cho con ở phòng trọ để đi làm.

Con công nhân nghỉ hè tại phòng trọ ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa)
Con công nhân nghỉ hè tại phòng trọ ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.MAI

Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân ở trọ P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, do vợ chồng chị đều làm công nhân nên đành cho 2 con tự trông nhau tại phòng trọ. Dù rất lo lắng nhưng đây là lựa chọn duy nhất để chị đi làm, có thu nhập lo cho gia đình.

Tự trông nhau tại phòng trọ

Chị Mai bày tỏ, để 2 con ở nhà trọ tự trông nhau khiến chị luôn lo lắng cho sự an toàn của các con. Khi đến công ty làm việc, chị tranh thủ giờ giải lao hoặc nghỉ ăn cơm trưa để gọi điện về thăm hỏi, dặn dò các con. Việc để con ở phòng trọ rồi khóa cửa đi làm là điều các gia đình công nhân không mong muốn nhưng nếu xin nghỉ việc ở nhà trông con lại không đủ thu nhập trang trải cuộc sống xa quê.

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với công nhân lao động vừa qua, nhiều công nhân trong tỉnh đã bày tỏ những lo lắng, bất cập về việc thiếu nơi giải trí, nơi gửi trẻ và nhà ở xã hội cho công nhân. Đó là những bất cập khiến đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động xa quê.

Tương tự, nhiều năm nay, cứ đến dịp hè, chị Lê Thị Hải, công nhân làm việc một doanh nghiệp giày da ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) lại đưa con gái đang học lớp 7 từ Đắk Lắk xuống Đồng Nai để trông em gái đang học lớp 2. “Hàng ngày, 2 anh em chỉ biết nhốt mình trong phòng trọ. Dù biết các con rất thiệt thòi nhưng trong hoàn cảnh này, cả nhà đều phải cố gắng” - chị Hải bộc bạch.

Anh Lê Minh Đạt cùng vợ từ tỉnh An Giang lên Đồng Nai mưu sinh đã 4 năm nay. Do không có người thân ở Đồng Nai nên cứ vào dịp hè, họ lại đau đầu về chuyện gửi con. Hè này cũng vậy, phải mất hơn 3 tuần lễ, vợ chồng anh Đạt mới tìm được nơi gửi con tại một trường mầm non tư thục với chi phí 1,8 triệu đồng/tháng.

“Lúc đầu, vợ chồng tôi định gửi con về quê nhưng ông bà hai bên đã lớn tuổi nên thôi. Gửi con ở nhóm trẻ tư nhân cũng không an tâm mấy nhưng vợ chồng tôi không có sự lựa chọn nào khác” - anh Đạt chia sẻ.

Mong có chính sách hỗ trợ con công nhân

Hè năm nay, công nhân Lê Thị Hằng lại gọi điện về quê nhờ mẹ từ Hà Tĩnh vào Đồng Nai trông con để đi làm. Trong phòng trọ chỉ rộng 15m2 nhưng có đến 5 người sinh sống. Dù phòng trọ nóng nực, việc sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn nhưng chị Hằng vẫn cảm thấy may mắn, yên tâm vì có mẹ hỗ trợ trông cháu.

Con công nhân vui chơi cùng gia đình vào buổi tối tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa)
Con công nhân vui chơi cùng gia đình vào buổi tối tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa)

Hiện nay, công nhân tại các khu công nghiệp phải làm theo ca nên việc chăm sóc, giáo dục con thường trông chờ vào các nhóm nhà trẻ hoặc ông bà. Tại các khu nhà trọ, con công nhân sau giờ học tự chơi đùa với nhau hoặc một số trẻ nhỏ phải ở một mình trong phòng trọ khóa trái cửa, làm bạn với điện thoại, tivi để đợi cha mẹ đi làm về…

Bà Lê Thị Ngọc Hường, chủ nhà trọ tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay, từ đầu tháng 6 đến nay, dãy trọ của bà trở thành nơi giữ trẻ, chủ yếu là con công nhân. Khu nhà trọ của bà Hường có 9 trẻ con công nhân, trong đó có 6 trẻ sắp vào lớp 1. Một số công nhân đi làm lệch ca có thể tự trông con được, song nếu đi làm cùng ca, con phải ở nhà trọ một mình.

“Nhìn thấy công nhân đi làm vất vả vừa lo lắng cho các con ở trọ một mình nên tôi nhận chăm sóc trẻ. Mong công nhân sẽ có việc làm ổn định hơn để lo cho các cháu” - bà Hường chia sẻ.

Nhiều cán bộ Công đoàn cho biết, phần lớn con công nhân thiệt thòi hơn so với nhiều trẻ em khác vì ít khi được vui chơi giải trí, do cha mẹ phải làm ca, tăng ca, ít có điều kiện và thời gian cho con đi chơi. Do đó, ngoài việc quan tâm, chăm lo cho công nhân thì người sử dụng lao động cần có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa dành cho con em của công nhân lao động trong dịp hè.

Đồng hành với con công nhân, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho con em công nhân như: trao học bổng và khen thưởng con công nhân đạt thành tích cao trong học tập; tặng quà, tổ chức cho con công nhân vui chơi nhân dịp Tết Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6…

Các Công đoàn cơ sở tổ chức cho con em công nhân tham quan nhà máy trong dịp nghỉ hè để biết nơi làm việc của cha mẹ mình. Ngoài ra, tổ chức trại hè, hỗ trợ con công nhân phòng trọ; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho con công nhân…

Trong các đợt làm việc với Công đoàn Đồng Nai, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương đề nghị các cấp Công đoàn Đồng Nai cần đề xuất với chính quyền có cơ chế, chính sách tổ chức việc giữ trẻ an toàn và ngoài giờ cho con công nhân. Đồng thời, vận động đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho nhà trẻ hoặc xây dựng trường mầm non tại khu công nghiệp để các cháu có điều kiện giáo dục tốt hơn, được học tập, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Lan Mai

Tin xem nhiều