Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha mẹ cần tôn trọng quyết định chọn ngành học của con

08:04, 15/04/2023

Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, nhiều học sinh gặp khó khi cha mẹ không ủng hộ trường và ngành học mà con muốn chọn. Những rào cản vô hình của cha mẹ khiến học sinh càng trở nên băn khoăn hơn trong chuyện quyết định tương lai của chính mình.

Trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, nhiều học sinh gặp khó khi cha mẹ không ủng hộ trường và ngành học mà con muốn chọn. Những rào cản vô hình của cha mẹ khiến học sinh càng trở nên băn khoăn hơn trong chuyện quyết định tương lai của chính mình.

Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) Phạm Tấn Hạ tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học sinh Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) Phạm Tấn Hạ tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học sinh Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa

Em T.N.T.D., học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Em dự định sẽ chọn ngành Logistics để học lên đại học, nhưng cha mẹ lại muốn em học ngành Tài chính ngân hàng. Em đã cố gắng thuyết phục nhưng cha mẹ “dọa” nếu không nghe lời sẽ không cho tiền đi học”.

Có nên quyết thay con?

Theo chia sẻ của D., sở dĩ cha mẹ khăng khăng muốn em học ngành Tài chính ngân hàng vì mẹ em đang làm việc ở một ngân hàng thương mại cổ phần. Những hiểu biết của mẹ sẽ giúp cho em chọn ngành một cách chính xác hơn, đồng thời có thể định hướng và giúp đỡ về mặt chuyên môn lẫn nghề nghiệp cho em trong quá trình học. Còn D. cho rằng, ngành Ngân hàng mà mẹ đang làm quá áp lực, thường hay về trễ nên em không muốn chọn công việc mẹ em chọn. Hơn nữa, ngành Logistics là ngành học mới, chưa nhiều trường đại học đào tạo nên sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Dù muốn hay không thì chậm nhất trước ngày 10-7 sắp tới, D. cũng phải tìm được tiếng nói chung với cha mẹ trong chuyện chọn ngành, chọn trường, vì đây là thời điểm thí sinh phải đưa ra quyết định đăng ký ngành và trường học.

Khi được hỏi em sẽ làm thế nào để cha mẹ ủng hộ quyết định của mình, D. cho hay: “Em sẽ tiếp thục thuyết phục cha mẹ bằng việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về ngành em muốn chọn, từ đó làm cơ sở để củng cố niềm tin cho cha mẹ. Bên cạnh đó, em cũng sẽ nhờ những người thân thiết với cha mẹ “vận động” cha mẹ ủng hộ và tôn trọng quyết định của em”.

Không chỉ có những khúc mắc giữa cha mẹ và con trong chuyện chọn ngành, việc chọn bậc học nào cũng có không ít “bối rối”. Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Biên Hòa cho hay, nhà trường rất chú trọng khâu tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh từ khối 11 chứ không đợi đến lớp 12. Các em được nhà trường tổ chức cho đi tham quan, tìm hiểu khá nhiều trường, trong đó có những trường cao đẳng nghề nhưng chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm rất tốt, phù hợp với nhiều học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Mới đây, hiệu trưởng đã bị phụ huynh đến tận trường “mắng vốn” vì trước đây con đã thống nhất với cha mẹ là sẽ đăng ký thi vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhưng nay lại “quay xe” muốn học Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ngay tại Đồng Nai. Lý giải về điều này, vị hiệu trưởng cho rằng, đó là quyết định của học sinh và nhà trường chỉ đóng vai trò định hướng. Khi gặp và trao đổi trực tiếp với học sinh, em đã đưa ra rất nhiều lý lẽ thuyết phục, bởi em đã trực tiếp đi tham quan và tìm hiểu trường mà em muốn chọn. Không dừng lại đó, em còn quen một số anh chị từng học ở trường này và nhận thấy cả điều kiện học tập và việc làm đều thuận lợi.

* Nhiều cách cùng con chọn nghề

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai sau khi học hết bậc THPT là rất quan trọng. Tương lai có sáng lạn hay không, phụ thuộc vào cách chọn nghề đúng đắn, từ đó giúp học sinh phát huy được sở trường, đam mê lẫn động lực học tập. Chính vì vậy, việc chọn ngành nghề của con rất cần sự định hướng của cha mẹ, nhưng không đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ được toàn quyền quyết định thay con. Cha mẹ chỉ nên định hướng cho con em mình dựa trên những hiểu biết về sở trường, sở đoản, tâm sinh lý và cả điều kiện kinh tế gia đình.

Có những trường hợp phụ huynh vì can thiệp quá sâu vào chuyện chọn ngành, chọn trường của con nên con không chịu chia sẻ và tự quyết.

Chị Đặng Thị Tuyết Trinh (ngụ ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Năm nay, con tôi chuẩn bị bước vào đại học. Khi hỏi con sẽ xét tuyển vào ngành gì thì con một mực không nói, khiến vợ chồng tôi rất lo lắng, không biết ý con thế nào. Đến khi hỏi qua “kênh” bạn bè của con thì mới biết con chọn ngành Kỹ thuật ô tô, lúc đó mới yên tâm, vì công nghiệp ô tô trong nước phát triển và có nhiều việc làm, con lại có chút năng khiếu lẫn đam mê kỹ thuật”.

Tại buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh Đồng Nai mới đây, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Trong quá trình chọn nghề, chọn trường cho chính mình, học sinh thường bị tác động từ bên ngoài khá nhiều. Việc chọn ngành, chọn nghề, không ai khác chính các em là người phải chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Cha mẹ ngoài định hướng cho con mình thì cần tránh cho con bị tác động quá nhiều thông tin liên quan đến ngành nghề. Bởi sẽ có câu chuyện người thì tư vấn ngành này “hot”, người cho rằng ngành này khó xin việc làm dẫn đến các em bị “nhiễu loạn” thông tin”.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, việc lựa chọn ngành nghề nào trước tiên đều phải xuất phát từ đam mê của chính các em và khả năng trúng tuyển. Bởi sẽ có trường hợp các em thích ngành nghề đó nhưng lực học có hạn nên khả năng trúng tuyển không cao. Phụ huynh nên tạo cơ hội cho con thoải mái bộc lộ suy nghĩ của con khi chọn ngành, chọn nghề, tìm hiểu thêm trước khi có sự tư vấn định hướng cho con. Bên cạnh đó, phụ huynh nên chủ động chia sẻ với con về khả năng tài chính của gia đình, để con tham khảo lựa chọn môi trường học cho phù hợp.

PGS-TS ĐINH PHƯƠNG DUY, Học viện Cán bộ TP.HCM:

3 sai lầm khi chọn ngành, chọn nghề nên tránh

Một là, học sinh không biết lượng sức mình, không biết mình là ai, không nắm được khả năng thật sự của mình, nhiều bạn ảo tưởng về bản thân dẫn đến lựa chọn quá sức và thất bại.

Hai là, học sinh không có chính kiến riêng, dễ bị tác động theo những trào lưu mà không biết mình có phù hợp hay không.

Ba là, học sinh không xác định được mục tiêu rõ ràng rằng mình sẽ trở thành một người như thế nào nên dễ mất phương hướng.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều