Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp học sinh làm quen với khởi nghiệp

07:10, 06/10/2022

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm nhất, trải qua rất nhiều khó khăn, CEO của Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến đã bước đầu hái được "quả ngọt".

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm nhất, trải qua rất nhiều khó khăn, CEO của Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến đã bước đầu hái được “quả ngọt”. Theo anh, tiếp cận và làm quen với khởi nghiệp càng sớm thì càng có sự chuẩn bị tốt. Do vậy, các hoạt động khởi nghiệp nên được tổ chức trong các trường phổ thông.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) bán các sản phẩm trong Ngày hội Khởi nghiệp do nhà trường tổ chức. Ảnh: H.Yến
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) bán các sản phẩm trong Ngày hội Khởi nghiệp do nhà trường tổ chức. Ảnh: H.Yến

Đây đồng thời là hoạt động ngoại khóa bổ ích, góp phần giúp học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất cá nhân theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

* Hào hứng với Ngày hội Khởi nghiệp

Đây là năm học thứ 2 Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) tổ chức Ngày hội Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh tham gia. Ngày hội gồm 3 hoạt động chính: nghe chia sẻ và các bài học kinh nghiệm từ thực tế khởi nghiệp của start-up; các gian hàng bán sản phẩm khởi nghiệp của học sinh; thi trình bày ý tưởng khởi nghiệp.

Hơn 500 học sinh của trường đã được nghe start-up trẻ Lê Anh Tiến chia sẻ về quá trình nghiên cứu, hành trình khởi nghiệp và những bài học từ thực tiễn. Sau phần chia sẻ, học sinh đã đặt nhiều câu hỏi dành cho khách mời.

Anh LÊ ANH TIẾN, CEO Công ty CP công nghệ Chatbot Việt Nam cho biết, hiện nay có một số cuộc thi khởi nghiệp cho học sinh, đoàn viên thanh niên. Ở đó, Ban tổ chức có cung cấp tài liệu; tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, liên kết mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư… Học sinh có thể tìm đọc các tài liệu tham khảo này để hiểu thêm về khởi nghiệp.

Nhiều câu hỏi cho thấy tư duy phản biện, sự nhạy bén trước các vấn đề thực tế xã hội của học sinh như: làm sao để chào hàng với nhà đầu tư mà không bị đánh cắp ý tưởng hay thậm chí là đánh cắp bản quyền; việc khởi nghiệp đòi hỏi phải có đồng đội nhưng dễ phát sinh mâu thuẫn, vậy làm sao để giải quyết được vấn đề này; làm sao để có được ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp…

Ở phần thi ý tưởng khởi nghiệp, học sinh sẽ trình bày về dự án khởi nghiệp của nhóm với Ban giám khảo và trả lời các câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra. Các sản phẩm khởi nghiệp này được bán tại gian hàng của các lớp. Ban tổ chức chấm thi dựa trên nhiều tiêu chí: ý tưởng (mới lạ, ấn tượng, khả thi, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng), sản phẩm (chất lượng, mẫu mã đẹp), trang trí gian hàng, poster giới thiệu sản phẩm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng bán hàng, PowerPoint…

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai Vũ Thị Ni Na cho biết: “Đáp ứng được những tiêu chí đó cho thấy khi tham gia ý tưởng khởi nghiệp, học sinh phải làm việc rất tích cực và có thể phát huy được những năng lực, phẩm chất riêng của các thành viên trong nhóm”.

* Tập tành khởi nghiệp càng sớm càng tốt

Cô Vũ Thị Ni Na cho hay: “Chúng tôi tổ chức Ngày hội Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp với mong muốn giúp học sinh hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp, tự tạo việc làm, qua đó bản thân nỗ lực trong suốt thời gian học tập, rèn luyện trong nhà trường; từng bước hình thành tinh thần khởi nghiệp, khát vọng khám phá bí quyết thành công, kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cần thiết…”.

Ngày hội Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp được Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai tổ chức vừa qua dành cho học sinh khối 10, 11. Có hơn 500 học sinh nghe chia sẻ, truyền cảm hứng về khởi nghiệp; 25 dự án tham gia thi ý tưởng khởi nghiệp.

Bàn về vấn đề tổ chức hoạt động khởi nghiệp cho học sinh phổ thông có phù hợp hay không, anh Lê Anh Tiến cho rằng, nên làm việc này càng sớm càng tốt: “Cá nhân tôi khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm nhất. Quá trình khởi nghiệp giúp tôi nhận ra rằng, nếu làm càng sớm thì sẽ càng có sự chuẩn bị tốt. Do vậy, học sinh nên khởi nghiệp vì các em có nhiều lợi thế. Đó là các em có tư duy táo bạo, liều lĩnh, thậm chí là một chút sự “ngông cuồng” của tuổi trẻ. Những điều này giúp cho các em có khả năng cao tạo ra những kỳ tích và khởi nghiệp thành công. Mặt khác, tuổi học sinh đồng thời cũng là độ tuổi vô lo, nếu thất bại thì các em còn rất nhiều thời gian để làm lại”.

Bên cạnh đó, học sinh hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận tri thức thông qua nhiều phương tiện, nguồn tham khảo. Nhận thức đa dạng về thế giới sẽ giúp cho các em có được những ý tưởng sát sườn với cuộc sống và khả năng áp dụng cao. Hoạt động khởi nghiệp giúp học sinh phát triển được nhiều kỹ năng mềm. Đây là điều rất cần thiết cho sự thành công trong tương lai.

Theo vị CEO trẻ tuổi này, để học sinh tham gia hoạt động khởi nghiệp thì cần phải có sự đồng hành và hỗ trợ của cả nhà trường lẫn cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của các sở, ban, ngành để tổ chức thêm cuộc thi, sân chơi khởi nghiệp cho học sinh. Thông qua các cuộc thi, học sinh sẽ học được nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng thuyết trình để chia sẻ về sản phẩm của mình đến mọi người, khách hàng, giám khảo…

Hải Yến

Tin xem nhiều