Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên tìm việc - quan trọng là kỹ năng

07:09, 08/09/2022

Ở nhiều ngành nghề, sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không có nhiều cách biệt về cơ hội việc làm, mức lương. Các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động không chú trọng nhiều vào bằng cấp mà quan trọng là kỹ năng, thái độ làm việc và mức độ đáp ứng với vị trí việc làm.

Ở nhiều ngành nghề, sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không có nhiều cách biệt về cơ hội việc làm, mức lương. Các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng lao động không chú trọng nhiều vào bằng cấp mà quan trọng là kỹ năng, thái độ làm việc và mức độ đáp ứng với vị trí việc làm.

Sinh viên phỏng vấn tuyển dụng tại Ngày hội giao lưu nguồn nhân lực năm 2022 ở Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành). Ảnh: H.Yến
Sinh viên phỏng vấn tuyển dụng tại Ngày hội giao lưu nguồn nhân lực năm 2022 ở Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành). Ảnh: H.Yến

Hiện có nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ kỹ thuật. Đây là cơ hội cho các sinh viên mới tốt nghiệp.

* Đề cao kỹ năng, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp

Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp sản xuất tại tỉnh Đồng Nai (do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ) được thực hiện từ năm 2014. Sau giai đoạn thí điểm ở 2 trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và đại học Lạc Hồng, chương trình tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 và đang được nhân rộng tại Trường đại học Đồng Nai, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2.

Trong chương trình này, phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo giáo viên cho các trường về: an toàn và 3S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ), phương pháp giảng dạy, quản lý an toàn vệ sinh lao động... Các trường đã đưa chương trình đào tạo an toàn và 3S vào giảng dạy nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết để xây dựng môi trường học tập, môi trường làm việc vệ sinh, an toàn, gắn bó lâu dài với DN trong tương lai. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các trường cũng tăng cường đào tạo các kỹ năng, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp cho sinh viên. Cùng với đó, sinh viên các trường còn được trải nghiệm thực tế để thực hành, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Trong khuôn khổ của chương trình, hằng năm UBND tỉnh đều tổ chức sự kiện giao lưu nguồn nhân lực nhằm kết nối sinh viên với các DN Nhật Bản. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh vẫn tổ chức sự kiện bằng hình thức trực tuyến. Qua nhiều năm tổ chức, chương trình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, đến nay phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp sản xuất tại tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ các trường tổ chức đào tạo hơn 6 ngàn sinh viên. Trong đó, hơn 2 ngàn sinh viên tốt nghiệp được giới thiệu đến làm việc tại các DN Nhật Bản.

“Cuối năm nay, chúng tôi sẽ tổng kết chương trình giai đoạn 2 và dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm Thực hành 3S và an toàn để tiếp tục duy trì chương trình và nhân rộng cho các địa phương khác” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay.

* Cơ hội chia đều cho sinh viên đại học và cao đẳng

Sau 1 năm phải tổ chức online do dịch bệnh Covid-19, năm nay chương trình giao lưu nguồn nhân lực được tổ chức tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, thu hút 220 sinh viên (từ bậc trung cấp đến đại học) cùng hơn 20 DN Nhật Bản tham gia. Các sinh viên đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và đăng ký phỏng vấn tuyển dụng ngay tại buổi giao lưu. Nhiều sinh viên đã tìm được việc làm bởi họ đã được nhà trường chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng, thái độ… Mặt khác, nhu cầu tuyển dụng của các DN hiện đang rất nhiều.

Anh NGUYỄN HẢI ĐĂNG, sinh viên ngành Điện công nghiệp (Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai) cho biết, trong quá trình thực tập trước đây, DN đã ngỏ ý nhận anh ở lại làm việc. Tuy nhiên, anh từ chối lời mời để tham gia Ngày hội giao lưu nguồn nhân lực nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm ở DN Nhật Bản.

Bà Võ Thị Thùy Trang, Phó trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, H.Long Thành) cho hay, công ty hoạt động tại Đồng Nai từ năm 2015. Trong năm 2022, công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1 ngàn lao động ở nhiều vị trí như: công nhân sản xuất, kỹ sư sản xuất, nhân viên khối văn phòng. Trong đó, ở vị trí kỹ sư sản xuất cần tuyển 120 kỹ sư tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí, cơ khí chế tạo; đối với vị trí công nhân sản xuất thì yêu cầu tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng nghề.

Bà Trang chia sẻ: “Mức thu nhập khởi điểm (chưa tính tăng ca) của công nhân trong công ty khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động còn được trợ cấp môi trường làm việc. Đặc biệt, công ty khuyến khích người lao động có trình độ ngoại ngữ. Nếu người lao động có chứng chỉ tiếng Nhật N3, N2, N1 sẽ được hỗ trợ tương đương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Tương tự, nếu có trình độ tiếng Anh TOEIC đạt từ 700 điểm trở lên, người lao động được hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng/tháng. Nếu có cả 2 chứng chỉ tiếng Nhật và tiếng Anh sẽ được hưởng cả 2 khoản hỗ trợ”.

Cũng theo bà Trang, từ nay đến năm 2025, DN cần tuyển khoảng 3 ngàn lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể hoàn thành vì việc tuyển dụng lao động hiện không mấy thuận lợi, đặc biệt là với vị trí kỹ sư sản xuất.

Đến với Ngày hội giao lưu nguồn nhân lực, Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (H.Long Thành) thông báo nhu cầu tuyển dụng 50 lao động ở nhiều vị trí khác nhau: quản lý sản xuất, nhân viên thao tác… Đối tượng cần tuyển dụng là sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề như: công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), cơ khí, điện, kế toán…

“Chúng tôi tuyển dụng lao động có trình độ từ trung cấp trở lên, không phân biệt bằng cấp mà quan trọng là các bạn đáp ứng được công việc. Chúng tôi kiểm tra kỹ thuật nền cơ bản, nếu đáp ứng được sẽ tuyển dụng. Đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp thì các bạn có nền tảng khá ổn, điều quan trọng là trong quá trình học các bạn có được thực tập, thực hành nhiều hay không” - bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, quản lý tuyển dụng, đào tạo của công ty cho hay.

Trong khi đó, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Hirota Precision Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho biết, khi tuyển dụng, mức thu nhập của người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có chênh lệch nhau. Tuy nhiên, công ty thường tùy vào năng lực làm việc của từng cá nhân để thỏa thuận mức lương. Nhiều trường hợp dù tốt nghiệp cao đẳng nhưng tay nghề tốt vẫn được trả lương cao hơn người tốt nghiệp đại học. Thực tế làm việc cho thấy, không có sự chênh lệch nhiều về thực hành nghề giữa người tốt nghiệp đại học với cao đẳng.

Hải Yến

Tin xem nhiều