Những thay đổi trong mùa xét tuyển đại học năm 2022 tiếp tục khiến nhiều thí sinh bối rối, mệt mỏi khi phải trải qua quá nhiều bước xác nhận trên hệ thống xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT.
Những thay đổi trong mùa xét tuyển đại học năm 2022 tiếp tục khiến nhiều thí sinh bối rối, mệt mỏi khi phải trải qua quá nhiều bước xác nhận trên hệ thống xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA |
Muốn xét tuyển đại học năm sau “trơn tru” hơn, Bộ GD-ĐT cần phải cải thiện lại hệ thống xét tuyển trực tuyến để tránh gây phiền hà cho thí sinh...
Hệ thống chưa hoàn thiện
Mùa tuyển sinh năm 2022, thí sinh phải đăng ký xét tuyển trực tuyến hoàn toàn trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT thay vì đăng ký trực tiếp với các trường như mọi năm. Với điểm mới này, mỗi thí sinh được cấp một tài khoản truy cập kèm theo mật khẩu để đăng ký suốt mùa tuyển sinh ở nhiều thời điểm. Mỗi thời điểm thí sinh lại phải làm một quy trình xét tuyển khác nhau, vì vậy thí sinh không chú ý mốc thời gian sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
Dự kiến nhiều trường đại học sẽ xét tuyển bổ sung đợt 2 Từ ngày 18-9 đến 17 giờ ngày 30-9, Bộ GD-ĐT mở hệ thống để các thí sinh đã trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến. Sau ngày 30-9, thí sinh không xác nhận nhập học trên hệ thống coi như không nhập học. Sau khi tuyển sinh đợt 1, nếu các trường đại học chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung đợt 2. Khác với xét tuyển đợt 1 thí sinh phải đăng ký qua hệ thống của Bộ GD-ĐT, đợt 2 thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường thí sinh muốn xét tuyển. |
Thí sinh hoàn chỉnh quy trình xét tuyển đại học phải qua nhiều bước, trong đó có đăng ký tài khoản, đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Tiếp đó, thí sinh còn phải vào hệ thống để thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Thậm chí đã trúng tuyển thí sinh vẫn còn phải hoàn thành một thao tác cuối cùng là xác nhận nhập học.
Thí sinh Phạm Thanh Hương ở TP.Biên Hòa cho biết, quá trình xét tuyển đại học năm nay khiến nhiều thí sinh “vã mồ hôi” vì quá nhiều bước, nhất là với những thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm trước, năm nay tiếp tục xét tuyển đại học.
Thanh Hương chia sẻ: “Những thí sinh năm nay mới thi tốt nghiệp THPT thì được nhà trường hướng dẫn cấp tài khoản đăng nhập hệ thống xét tuyển, còn với thí sinh tự do như tôi thì phải tự mày mò, không biết hỏi ai để được giải đáp, hỗ trợ”.
Hiệu trưởng một trường đại học tại TP.Biên Hòa cho biết, những năm trước, sau khi thi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh đã có thể tiến hành nhập học. Còn năm nay phải phụ thuộc vào hệ thống xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT và “lọc ảo” xong các trường mới được công bố điểm chuẩn xét tuyển và tiến hành nhập học. Nhập học xong, thí sinh phải tiếp tục quay lại hệ thống của Bộ GD-ĐT xác nhận thêm lần nữa là đã nhập học. Chính vì qua nhiều bước nên đến ngày 16-9, nếu trúng tuyển thí sinh mới bắt đầu được nhập học.
Cần đơn giản quy trình xét tuyển
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT và cán bộ tuyển sinh của nhiều trường đại học, việc ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số trong tuyển sinh là cần thiết, nhưng quy trình cần đơn giản hơn. Hệ thống xét tuyển cần hoàn thiện, tránh sự cố quá tải như đã xảy ra. Bên cạnh đó, thời gian xét tuyển cho đến khi công bố kết quả trúng tuyển cần rút ngắn để tránh chờ đợi, gây tâm lý lo lắng và mệt mỏi cho thí sinh lẫn phụ huynh.
Thí sinh Võ Quốc Anh (ở xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho hay em cũng gặp “rắc rối” với hệ thống tuyển sinh đại học trực tuyến trong mùa tuyển sinh năm nay. Khi vào xác nhận nhập học, dù thao tác đúng hướng dẫn nhưng hệ thống lại hiện ra hàng loạt nguyện vọng “đỗ” giống nhau khiến em không biết xác nhận cái nào. Trong khi đó, quy định thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao nhất thì hệ thống sẽ không xét đến nguyện vọng tiếp theo.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Ngọc Lân (ngụ TP.Long Khánh) xét tuyển vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM lại được phen “rụng rời” chân tay vì hệ thống bị lỗi.
Ngọc Lân cho hay: “Trường công bố điểm chuẩn 25, tôi được 26,5 điểm, như vậy đương nhiên đủ điều kiện đậu. Thế nhưng, khi vào hệ thống xác nhận nhập học thì hệ thống báo tôi trượt hết các nguyện vọng. Đến khi đăng nhập lại, hệ thống mới cho kết quả đúng để tôi xác nhận nhập học. Quả là quá mệt mỏi với cách xét tuyển trực tuyến năm nay”.
Nhiều thí sinh nhận xét rằng, phương pháp xét tuyển đại học năm nay khiến các em cảm thấy đến khi trúng tuyển vẫn chưa hết phiền. Thí sinh Vũ Văn Quân trúng tuyển vào Trường đại học Lâm nghiệp (phân hiệu tại H.Trảng Bom) than phiền: “Khi biết kết quả đậu tôi chỉ cần mang hồ sơ đến trường nhập học là xong, thế nhưng hệ thống vẫn còn bắt tôi phải vào xác nhận nhập học mới chịu, trong khi hệ thống không phải lúc nào cũng chạy trơn tru”.
Công Nghĩa