Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh mùa tựu trường

03:08, 19/08/2022

Sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và Covid-19 là 3 loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát vào dịp học sinh tựu trường.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và Covid-19 là 3 loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát vào dịp học sinh tựu trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), đề nghị giáo viên, phụ huynh, học sinh cần hiểu rõ về các loại bệnh này để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

 3 loại dịch bệnh này sẽ diễn biến ra sao vào thời gian học sinh tựu trường, thưa bác sĩ?

- Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 17,8 ngàn ca bệnh SXH, tăng gấp 3 lần so với trung bình cùng kỳ các năm trước. Dịch bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp, đã bước vào đỉnh dịch và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Trong tổng số 17,8 ngàn bệnh nhân SXH của tỉnh, có gần 60% là trẻ em dưới 15 tuổi, đã ghi nhận 3 ca tử vong. Trên địa bàn tỉnh đang có 2 tuýp SXH lưu hành là tuýp D1, D2 khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn các tuýp D3, D4 và làm tăng nguy cơ bệnh nặng.

Đối với bệnh tay chân miệng, sau một thời gian tạm lắng do học sinh nghỉ hè, dự báo vào dịp học sinh tựu trường và sau đó sẽ gia tăng do học sinh đi học, tiếp xúc với nhau nhiều.

Là giai đoạn giao mùa nên những bệnh về đường hô hấp như cúm, Covid-19, sởi sẽ tiếp tục gia tăng khi học sinh đến trường. Mặc dù những biến chứng của bệnh Covid-19 ở trẻ nhỏ không nặng như người lớn, người già nhưng vẫn có thể mắc bệnh, ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ và sinh hoạt của cả gia đình trẻ bị mắc bệnh.

 Xin bác sĩ cho biết cơ chế lây lan của 3 loại dịch bệnh nói trên?

- Bệnh SXH lây từ người bệnh sang người lành qua vật trung gian là muỗi. Có 2 loại muỗi gây bệnh SXH. Đó là muỗi vằn Aedes aegypti, đặc điểm nhận dạng là các đốt chân muỗi có đốm trắng. Loại muỗi này sống chủ yếu trong nhà, sinh sản trong nhà hoặc ngoài nhà, bất kể là nơi nào chứa nước trong, sạch là muỗi này sẽ đẻ trứng. Thậm chí, ở những vật chứa nước tương đối đục chúng cũng đẻ trứng.

Loại muỗi thứ 2 là muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus), loài muỗi này thường sống ở quanh nhà, trong các lùm cây, bụi rậm, đặc biệt là ở những cành cây khô mục, lá cây khô.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) lau dọn bàn ghế sạch sẽ để chào đón học sinh trở lại trường học
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) lau dọn bàn ghế sạch sẽ để chào đón học sinh trở lại trường học

2 loại muỗi này đốt người bệnh trong giai đoạn máu của người bệnh chứa nhiều virus dengue. Sau khi hút máu người bệnh, virus dengue nhân lên trong dạ dày và tại tuyến nước bọt của muỗi. Đến khi muỗi đốt người lành thì trong quá trình đốt sẽ tiêm chất chống đông máu và cả virus dengue vào máu của người lành, khiến người lành bị nhiễm virus dengue và bị bệnh.

Trong khi đó, bệnh tay chân miệng lây lan qua giọt bắn đường hô hấp từ trẻ bị bệnh sang trẻ lành hoặc lây qua đường dịch tiết, dịch gỉ tại các nốt phỏng từ trẻ bị bệnh sang trẻ lành.

Các bệnh đường hô hấp như: cúm, sởi, Covid-19 do virus phát triển trong giai đoạn giao mùa và làm tổn thương đường hô hấp. Trong quá trình phản xạ của đường hô hấp ở trẻ mắc bệnh như ho, hắt hơi sẽ làm lây lan virus sang những trẻ lành ở gần đó.

 Nhà trường và phụ huynh cần phải làm gì để phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm trong mùa tựu trường, thưa bác sĩ?

- Dịch bệnh SXH xuất hiện quanh năm nhưng bùng phát dữ dội vào mùa mưa vì muỗi phát triển mạnh vào thời điểm này, cũng chính là thời điểm học sinh toàn tỉnh tựu trường. Do vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là không để bị muỗi đốt. Muốn không bị muỗi đốt thì các trường học cần dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, phát quang các bụi rậm để muỗi không có nơi trú ngụ, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để tránh muỗi đẻ trứng, lăng quăng sinh sôi, phát triển. Các lớp học cần được quét dọn thường xuyên, đặc biệt chú ý các góc lớp, góc tủ đựng sách vở, đồ dùng học tập.

Với dịch bệnh tay chân miệng, nhóm trẻ thường mắc bệnh nhất là dưới 6 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Giáo viên, bảo mẫu, người trông trẻ cần chú ý quan sát để phát hiện những trường hợp trẻ bị mắc bệnh (biểu hiện là lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi trỏ của trẻ có những nốt phỏng, lở loét, sốt cao hoặc rối loạn tiêu hóa, chảy mũi). Từ đó sớm đưa trẻ đi khám bệnh, cách ly với các trẻ khác và điều trị kịp thời.

Các trường mầm non, nhóm trẻ cần vệ sinh trường lớp sạch sẽ bằng các hóa chất tẩy rửa thông thường hằng ngày hoặc cách ngày; rửa sạch đồ chơi mà trẻ dùng chung; không cho trẻ dùng chung những vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng…

Đối với bệnh Covid-19 và cúm, cách tốt nhất để phòng bệnh là đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ; dạy cho trẻ biết cách đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người, khử khuẩn tay chân sạch sẽ.

 Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo thống kê của ngành Y tế, toàn tỉnh hiện có hơn 318,7 ngàn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 hiện đạt 78,7%, mũi 2 đạt 41,2%. Có hơn 285,4 ngàn trẻ từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 đã đạt 100%, tỷ lệ mũi 3 đạt 24,1%.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều