Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẳng định vị thế trường nghề

03:08, 01/08/2022

Các trường nghề trên địa bàn Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo với hàng loạt giải pháp như: nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề… Chỉ khi chất lượng đào tạo đi lên, người học quan tâm đúng mức đến trường nghề khi chọn trường thì mới xứng đáng với vị thế đáng có của trường nghề trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay.

 

Bài 1: Cơ hội việc làm tốt vẫn khó thu hút người học

Các trường nghề trên địa bàn Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo với hàng loạt giải pháp như: nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề… Chỉ khi chất lượng đào tạo đi lên, người học quan tâm đúng mức đến trường nghề khi chọn trường thì mới xứng đáng với vị thế đáng có của trường nghề trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng thăm xưởng thực hành nghề cơ khí của Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng thăm xưởng thực hành nghề cơ khí của Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai

Những năm qua, công tác tuyển sinh của hầu hết các trường nghề trên địa bàn Đồng Nai đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là yếu tố đảm bảo cho sự sống còn của trường nghề. Cùng với đó, công tác đào tạo cũng có nhiều chuyển biến theo hướng tăng cường thực hành, chú trọng kỹ năng nhằm giúp học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc được cho doanh nghiệp (DN) mà không cần đào tạo lại.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do tâm lý trọng thầy hơn thợ nên đa số học sinh tốt nghiệp THPT đều lựa chọn đi học đại học chứ chưa mặn mà với trường nghề.

Tuyển sinh CĐ đạt 90% chỉ tiêu/năm

Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của DN hiện đang rất cao. Sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề hầu hết đều có việc làm với mức thu nhập khởi điểm trên 6 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tuyển sinh hệ CĐ của các trường nghề lại không được thuận lợi như tuyển sinh hệ trung cấp (sau phân luồng THCS).

Trường nghề bị “cạn” nguồn tuyển sinh

Do tâm lý chuộng “thầy” hơn “thợ” nên sau khi tốt nghiệp THPT, đa số học sinh đều lựa chọn học tiếp lên đại học. Cùng với đó, các trường đại học “tốp dưới” luôn rộng cửa đón thí sinh với nhiều phương án tuyển sinh và chấp nhận cả thí sinh có mức học lực trung bình (từ 6 điểm/môn của tổ hợp xét tuyển) khiến cho trường CĐ nghề bị cạn nguồn tuyển. Nếu nhận thức về chọn nghề, chọn trường của học sinh, phụ huynh chưa thay đổi thì công tác tuyển sinh của trường nghề sẽ vẫn còn gặp khó khăn.

Theo đó, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ thấp (thường từ 500 đến dưới 1 ngàn chỉ tiêu/trường/năm) nhưng hầu hết các trường chỉ tuyển được khoảng 90%. Đáng nói, chỉ tiêu tuyển sinh nêu trên đã bao gồm cả hệ CĐ liên thông (chủ yếu là học sinh tốt nghiệp trung cấp của trường ở lại học, thường tuyển đạt và vượt chỉ tiêu).

Năm nay, Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) có hơn 1,2 ngàn chỉ tiêu hệ trung cấp, 550 chỉ tiêu hệ CĐ (bao gồm 300 chỉ tiêu CĐ liên thông). Tính đến ngày 24-7, nhà trường đã hoàn thành tuyển sinh hệ trung cấp và nhận được 250 hồ sơ tuyển sinh hệ CĐ. 300 chỉ tiêu còn lại không phải là con số lớn. Vì vậy, nhà trường có thể nắm chắc đạt ít nhất 90% chỉ tiêu tuyển sinh CĐ như những năm trước.

Đây cũng là tỷ lệ trung bình mà Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) đạt được trong công tác tuyển sinh hệ CĐ trong nhiều năm trở lại đây. Riêng trong mùa tuyển sinh năm nay, trường này đã nhận được 100 hồ sơ/tổng số 525 chỉ tiêu hệ CĐ (bao gồm 160 chỉ tiêu CĐ liên thông).

Tương tự, Trường CĐ Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cũng có 800 chỉ tiêu CĐ (trong đó có 400 chỉ tiêu CĐ liên thông). Thầy Huỳnh Lê Tấn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 400 chỉ tiêu CĐ liên thông không đáng lo vì nhà trường đã có sẵn nguồn học sinh hệ trung cấp có dự định học liên thông. 400 chỉ tiêu còn lại không nhiều so với tổng chỉ tiêu của toàn trường nhưng là khó khăn lớn nhất. Vì hiện nay, học sinh tốt nghiệp THPT vẫn có xu hướng chọn học đại học nhiều hơn là học nghề.

Các trường CĐ khó cạnh tranh được với trường đại học là điều hiển nhiên. Từ nhiều năm nay, các trường đại học đã áp dụng nhiều phương thức xét tuyển (xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực…), tăng thêm chỉ tiêu. Cánh cửa đại học ngày càng rộng mở trong khi các ngành nghề đào tạo đều có ở cả 2 bậc đào tạo này. Do vậy, dù phải đầu tư nhiều chi phí, thời gian hơn thì đa số các bậc phụ huynh vẫn muốn cho con đi học đại học hơn là CĐ.

Trên 80% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp

Đó là kết quả khảo sát nghiên cứu về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của một số trường CĐ nghề trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, tỷ lệ sinh viên CĐ nghề có việc làm sau khi ra trường trong vòng 6 tháng còn cao hơn, đặc biệt ở các nhóm ngành như: cơ khí, điện, may…

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành.

TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi cho biết: “Hầu hết sinh viên lựa chọn học CĐ nghề đều đã xác định rõ ràng nghề nghiệp, mục tiêu mà bản thân theo đuổi nên thường chọn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chỉ một số ít chọn học liên thông lên đại học hoặc tìm một hướng đi khác”.

Để sinh viên CĐ nghề hiểu rõ hơn ngành nghề mà mình đã chọn, ngay từ năm nhất, sinh viên của Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi đã được đến các DN để tham quan, nghe giới thiệu về vị trí việc làm ứng với từng ngành nghề đào tạo. Điều này giúp các em tránh lãng phí thời gian học rồi mới nhận ra không phù hợp và chọn ngành khác.

Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai Lê Đình Thâm, hiện nay nhóm ngành cơ khí, điện… đang là ngành “hot”, được nhiều DN săn đón. Nhu cầu lao động ngành này sẽ còn cao trong những năm tới. Vì vậy, nhà trường muốn thu hút đông người học hơn đến với ngành này. Tuy vậy, hiện phụ huynh, học sinh vẫn cho rằng cơ khí là nghề nặng nhọc, công việc chân tay nên lượng người học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm, mức thu nhập của các ngành nghề, trường này đã liên hệ với một số cựu sinh viên thành đạt để khảo sát thông tin và xin phép đăng tải công khai trên website của trường.

Anh Nguyễn Ngọc Tùng, cựu sinh viên ngành Cơ khí, Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai chia sẻ, anh tốt nghiệp năm 2021 và ứng tuyển vào Công ty TNHH Elentec HCM Vina (H.Nhơn Trạch) với vị trí kỹ thuật viên CNC. Đây là công ty do chính nhà trường giới thiệu cho sinh viên. Anh được nhận vào thử việc từ tháng 4-2021 với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Sau hơn 1 năm làm việc, đến nay, mức thu nhập của anh đạt hơn 12 triệu đồng/tháng.

Anh Tùng cho hay: “Nhiều người vẫn nghĩ làm cơ khí là công việc chân tay nhưng thực tế lại không phải vậy. Ví dụ, ở vị trí kỹ thuật viên CNC, công việc của tôi là thiết kế bản vẽ, lập trình rồi xuất chương trình ra máy CNC để máy tự gia công theo mẫu thiết kế. Công việc không hề nặng nhọc, bản thân tôi thấy khá hài lòng với sự lựa chọn ngay từ ban đầu của mình”.

Chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Đồng Nai

Trong tháng 7 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG đã đến thăm và làm việc với một số trường nghề trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và thành quả mà các trường nghề đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông, sự phát triển của các trường nghề hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Đồng Nai. Trong các buổi làm việc trên, lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian để  nghe các trường trình bày những khó khăn, bất cập trong thực tế hoạt động và đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị. Việc tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các trường sẽ là tiền đề để hệ thống trường nghề phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tỉnh công nghiệp như Đồng Nai.

Hải Yến

Bài 2: Thúc đẩy xã hội hóa đào tạo nghề

Tin xem nhiều
Phương pháp chạy deadline hiệu quả