Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần làm gì khi bị bệnh sốt xuất huyết?

03:08, 15/08/2022

Do không có nhiều kiến thức về bệnh sốt xuất huyết (SXH) và cách điều trị khi bị bệnh nên nhiều bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc, thậm chí tử vong khi chưa kịp đưa đến bệnh viện.

Do không có nhiều kiến thức về bệnh sốt xuất huyết (SXH) và cách điều trị khi bị bệnh nên nhiều bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc, thậm chí tử vong khi chưa kịp đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên chủ quan và tự ý điều trị khi bị SXH. Việc điều trị bệnh phải theo phác đồ của Bộ Y tế và hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh nặng hơn khi tự điều trị tại nhà

Bà L.T.M. (ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú) cho biết, trước đây mỗi lần bị sốt, bà thường ra tiệm thuốc tây mua thuốc hạ sốt về uống. Do vậy, cách đây khoảng 10 ngày, khi bị sốt cao, bà tiếp tục mua thuốc uống. Sau 3 ngày uống thuốc hạ sốt, bà M. không những không hết sốt mà thấy bụng to dần lên, mệt mỏi. Bà M. đến một phòng khám tư nhân trên địa bàn để siêu âm thì được nhân viên y tế ở đây khuyến cáo phải nhập viện ngay do không chẩn đoán được bệnh. Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, bà được chẩn đoán bị sốc SXH và chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 17,2 ngàn trường hợp bị SXH phải nhập viện điều trị. Trong đó có 16 ca tử vong. Theo thống kê của Sở Y tế, có khoảng 10% tổng số bệnh nhân SXH là bệnh nặng.

Khi được hỏi có biết dịch bệnh SXH đang bùng phát mạnh và đã có nhiều người tử vong do SXH hay không, bà M. cho hay, từ trước đến nay bà không biết bệnh SXH là gì, chỉ đến khi bác sĩ nói bị SXH bà mới biết. Ở quanh khu vực nhà bà M. sinh sống cũng có muỗi nhưng chưa khi nào bà và những người xung quanh dọn dẹp vệ sinh hay phun xịt thuốc diệt muỗi.

Một trường hợp khác là chị N.M.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Chị N. cho hay, công việc hằng ngày của chị là nhân viên bán cà phê tại một quán cà phê gần nhà. Do là quán sân vườn nên buổi tối có khá nhiều muỗi và khả năng chị bị muỗi đốt khi làm việc tại đây.

Chủ quan cho rằng mình còn trẻ, khỏe nên khi bị sốt cao, chị N. chỉ đi mua thuốc hạ sốt về uống rồi đi làm tiếp. Đến khi có dấu hiệu mệt mỏi, chị N. mới ra phòng khám tư nhân ở gần nhà để truyền nước. Tình trạng bệnh của chị N. sau đó không cải thiện. Đến ngày thứ 4 thì người mệt lả, sốt cao, đau đầu, chóng mặt, không ăn uống được nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Những việc cần làm khi bị SXH

BS CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong số 20-30 bệnh nhân SXH nhập viện mỗi ngày tại khoa có đến 50% là bệnh nặng, có xuất huyết, tiểu cầu thấp, thậm chí rơi vào tình trạng sốc SXH, phải điều trị tích cực.

Để phòng bệnh SXH trở nặng, BS Hùng khuyến cáo, người dân khi có biểu hiện sốt cao khó hạ, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám, làm xét nghiệm máu, chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp. Tuyệt đối không nên chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hay đến các phòng khám tư, nhờ nhân viên y tế đến nhà truyền nước.

Không phải lúc nào người bệnh SXH cũng cần truyền nước, chỉ những trường hợp cảnh báo, bệnh nhân có nôn ói, ăn uống kém mới cần truyền nước để bù nước cho bệnh nhân. Những bệnh nhân bị SXH nếu chưa có dấu hiệu cảnh báo thì tốt nhất nên ăn uống theo đường miệng, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả tươi, nước oresol để bù nước.

“Nếu lạm dụng việc truyền nước sẽ gây ra tình trạng dư dịch, ứ dịch, khi bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc SXH sẽ rất khó khăn cho quá trình điều trị” - BS Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo BS Hùng, không phải bệnh nhân nào bị SXH cũng cần phải nhập viện để điều trị. Những bệnh nhân bị bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được bác sĩ thăm khám. Trong quá trình điều trị tại nhà, nếu bệnh nhân có những biểu hiện sau đây thì cần phải nhanh chóng nhập viện bất cứ vào thời điểm nào trong ngày. Đó là các biểu hiện: vật vã, lơ mơ, li bì, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng nhiều, tiểu ít.

“Những bệnh nhân không có các dấu hiệu cảnh báo trên cũng nên đi thăm khám mỗi ngày để được làm xét nghiệm máu và có hướng điều trị thích hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc khi điều trị không đúng cách tại nhà hoặc tại các phòng khám tư nhân không đáp ứng yêu cầu chuyên môn” - BS Hùng nói.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều