Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được từng bước áp dụng cho các khối lớp ở các bậc học phổ thông. Ngoài lớp 1-2-6 đang triển khai, từ năm học 2022-2023 sẽ áp dụng thêm ở các lớp 3-7-10 và đến năm 2024-2025 sẽ phủ kín ở tất cả các khối lớp.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được từng bước áp dụng cho các khối lớp ở các bậc học phổ thông. Ngoài lớp 1-2-6 đang triển khai áp dụng, từ năm học 2022-2023 sắp tới sẽ áp dụng thêm ở các lớp 3-7-10 và đến năm học 2024-2025 sẽ được phủ kín chương trình ở tất cả các khối lớp.
Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học sinh trên lớp. Ảnh: Công Nghĩa |
Việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm, nhất là với những môn được tăng cường giảng dạy trong trường học như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Nhưng có một thực tế, từ khâu tuyển sinh đào tạo của các trường sư phạm đến tuyển dụng giáo viên sư phạm các ngành học nói trên ngày càng khó khăn.
*Khi ngành sư phạm kém hấp dẫn
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, số lượng học sinh lớp 12 có ý định đăng ký xét tuyển và thi tuyển vào các ngành sư phạm ngày càng ít đi bởi sức hút của ngành này ngày càng giảm. Những học sinh khá giỏi thường có ý định đăng ký xét tuyển các ngành kinh tế, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để khi ra trường được “chào đón” ngay với mức lương khởi điểm từ trên 10 triệu đồng/người/tháng trở lên, thậm chí là vài chục triệu đồng nếu tốt nghiệp đại học loại giỏi và đáp ứng tốt các yêu cầu đi kèm. Còn với ngành sư phạm, những điều kiện hấp dẫn về tuyển dụng như trên thường ít xảy ra.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đầu vào trong tuyển sinh ngành sư phạm, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã “siết” ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với tất cả các ngành. Từ nhiều năm nay, các trường đại học không còn tuyển sinh bậc trung cấp sư phạm, thí sinh muốn xét tuyển vào ngành sư phạm phải có học lực từ khá trở lên. Trong khí đó, đa phần học sinh nếu có học lực khá, giỏi thường không mấy “mặn mà” với ngành sư phạm dù học ngành này được nhà nước hỗ trợ học phí.
Những tác động bất lợi trong tuyển sinh đào tạo ngành sư phạm đã và đang đặt ngành GD-ĐT trước những khó khăn trong tuyển dụng về số lượng và chất lượng giáo viên phục vụ dạy và học, đặc biệt là những môn học mới lần đầu áp dụng vào các bậc học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới như: Tin học ở bậc tiểu học; Mỹ thuật - âm nhạc ở bậc THPT.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Viên chia sẻ: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho học sinh lớp 10 năm học sắp tới, có 2 môn học tự chọn mới là Mỹ thuật và Âm nhạc nhưng nhà trường chưa có giáo viên hai môn này, việc tuyển dụng chắc chắn cũng không dễ”.
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, nhiều năm nay, thành phố chưa thể chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học. Trong khi giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên Toán và Tiếng Anh (bậc THCS) khá thuận lợi trong tuyển dụng thì với giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, thậm chí những môn học như Lịch sử, Địa lý cũng không dễ tuyển dụng. Thực tế đến nay, nhiều trường trên địa bàn thành phố vẫn còn thiếu giáo viên ở những môn học này. Hầu như điều kiện tuyển dụng giáo viên đầu vào với các môn khó tuyển đều tương đối ưu ái, có hồ sơ là tạo thuận lợi nhưng thực tế số lượng hồ sơ đăng ký rất ít so với nhu cầu tuyển dụng thực tế hằng năm.
* Cần có chiến lược dài hạn
Trường đại học Đồng Nai từng được biết đến là “cái nôi” đào tạo ra lực lượng giáo viên hùng hậu ở hầu hết các bậc học từ mầm non đến THPT của tỉnh. Thế nhưng, trong xu thế hiện nay, nhiều ngành sư phạm do nhà trường đào tạo trước đây đã không còn được duy trì.
Theo lãnh đạo Trường đại học Đồng Nai, việc đào tạo của nhà trường phải bám sát với cung - cầu của xã hội. Người học có quyền lựa chọn ngành học ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn người học phải thấy được học xong có tìm được việc làm hay không, thu nhập có hấp dẫn hay không. Hiện giáo viên mới ra trường, kể cả có trình độ đại học được phân công vào trường công lập công tác, hưởng lương nhà nước với mức khởi điểm rất thấp, thu nhập so với các ngành khác thì khó có thể nào bằng, dù cùng trình độ đào tạo đại học. Điều này sẽ khó thu hút người học ngành sư phạm và tuyển dụng, từ đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực giáo viên và chất lượng dạy và học lâu dài.
Nhiều lãnh đạo các phòng GD-ĐT địa phương khá trăn trở, tới đây theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3 sẽ có môn Tin học, Tiếng Anh tăng cường thêm số tiết. Vấn đề việc bố trí giáo viên để tăng cường dạy 2 môn học này là bài toán khó.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại H.Xuân Lộc cho rằng: “Nếu tuyển dụng một giáo viên Tin học tốt nghiệp đại học về huyện miền núi công tác với mức lương nhà nước như hiện nay e là khó khả thi. Vì với chuyên môn Tin học ở trình độ đại học, người lao động dễ dàng tìm việc ở các doanh nghiệp với mức lương cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần lương giáo viên”.
Từ năm học 2021-2022, khi môn nghệ thuật, gồm Mỹ thuật - Âm nhạc, được đưa vào giảng dạy ở các trường THPT, chắc chắn Đồng Nai có thể cần đến hàng trăm giáo viên những môn học này bổ sung cho các trường. Điều này sẽ tạo ra những áp lực trong việc làm tăng biên chế của ngành Giáo dục.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng ở năm học 2022-2023 sắp tới ở lớp 3-7-10, áp lực không chỉ ngành Giáo dục Đồng Nai gặp phải mà còn là cả nước. Sở GD-ĐT đang tính toán, bố trí để có giáo viên dạy các môn học mới bằng nhiều hình thức như: xin thêm biên chế, tuyển dụng mới, hợp đồng… Về cơ bản, phải có kế hoạch rà soát lại nhu cầu thực tế để có kế hoạch phối hợp với Trường đại học Đồng Nai đào tạo. Việc này không thể giải quyết sớm trong thời gian ngắn được”.
Chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên về số lượng và chất lượng Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN VĂN PHÚC cho rằng, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cần rà soát lại lực lượng giáo viên. Với tỉnh có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, học sinh đông, Đồng Nai phải chuẩn bị số lượng và chất lượng giáo viên một cách đồng bộ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để có được số lượng và chất lượng. |
Công Nghĩa