Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở tuyến xã lộ rõ nhiều "lỗ hổng". Để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế và Bộ KH-CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.
Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở tuyến xã lộ rõ nhiều “lỗ hổng”. Để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế và Bộ KH-CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở. Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay. Đó là tận dụng lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất…
Bài 1: Trạm y tế quá tải, nhiều nhân viên xin nghỉ việc
Từ cuối tháng 6-2021 đến nay, đội ngũ y tế tuyến xã, huyện luôn trong tình trạng quá tải vì công việc quá nhiều mà nhân lực thì ít. Không ít cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc vì đã quá mệt mỏi, áp lực từ nhiều phía.
Trạm y tế P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) luôn có rất đông người dân đến khai báo y tế, xin cấp giấy quyết định cách ly, kết thúc cách ly F0 tại nhà. Ảnh: Hạnh Dung |
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở một số phường như Trảng Dài, Long Bình của TP.Biên Hòa bị nhiễm Covid-19 phải gọi điện cầu cứu khắp nơi để được hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, họ vẫn chưa thể tiếp cận được với nhân viên y tế.
* Việc nhiều, người ít
Ông Diệp Minh Tuấn, ngụ tổ 19, KP.2, P.Trảng Dài (TP.Biên Hoà) cho hay, ngày 11-11, vợ ông là công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Vợ ông sau đó đã đến trạm y tế để khai báo y tế, được nhân viên y tế nói cứ về cách ly tại nhà mà không được hỗ trợ gì thêm. Do gia đình không đủ điều kiện cơ sở vật chất để cách ly F0 tại nhà, ông Tuấn liên tục gọi điện cho Trạm y tế phường để được hỗ trợ với mong muốn đưa vợ ông đi cách ly tập trung nhưng không có ai nghe máy hoặc có nghe máy nhưng chỉ nói gia đình chờ.
Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ: “Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong 1 năm, TP.Biên Hòa tổ chức tiêm chủng mở rộng cho khoảng 20 ngàn trẻ trong độ tuổi. Nhưng nay, chỉ trong vòng 1 tháng, TP.Biên Hòa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 1 triệu người, bằng số lượng công việc của… 50 năm”. |
“Trong nhiều ngày, tôi gọi điện khắp nơi nhưng vẫn không có nhân viên y tế nào hoặc lực lượng chức năng xuống nhà để hỗ trợ gia đình tôi. Do ở chung nhà với F0 nên từ 1 người mắc bệnh, đến nay cả gia đình tôi 3 người đều đã bị nhiễm. Tôi lại bị thêm bệnh tim nên rất lo lắng. Nếu y tế phường không xuống, tôi buộc phải đeo khẩu trang ra tiệm thuốc mua thuốc ho, sốt về cho vợ con dùng vì không thể nhờ được ai mua hộ” - ông Tuấn bức xúc.
Một điều dưỡng của Trạm y tế P.Trảng Dài nói, trạm chỉ có 10 người, trong đó có 3 trường hợp F0, còn lại là F1 nguy cơ cao. Dân số toàn phường có đến 160 ngàn người. Những ngày qua, khi các doanh nghiệp trong tỉnh phát hiện F0 đều đẩy về phường khiến trạm y tế trở tay không kịp.
Cũng đang trong tình trạng công việc chồng chất vì mỗi ngày phải xử lý hàng chục ca F0 là Trạm y tế P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). BS Hoàng Trọng Đại, Trưởng trạm y tế bộc bạch, từ khi triển khai cách ly F0 tại nhà đến nay, toàn phường ghi nhận vài ngàn trường hợp. Trong khi đó, nhân lực chuyên môn toàn trạm chỉ có 6 người, trạm y tế lưu động không được bổ sung lực lượng chuyên môn nên anh em y tế luôn trong tình trạng quá tải.
“Cả 6 nhân viên y tế của trạm đã phải thực hiện “3 tại chỗ” trong nhiều tháng để làm nhiệm vụ, không được về nhà, không được nghỉ ngơi. Có trường hợp nữ nhân viên y tế bắt đầu thực hiện “3 tại chỗ” tại trạm khi con vừa biết ngồi, đến khi được về nhà, con đã biết đi và không nhận ra mẹ. Chúng tôi hiện đều đã rất mệt mỏi căng thẳng, nếu không sớm được bổ sung nhân lực, e rằng trạm sẽ không thể đảm đương được nhiệm vụ” - BS Đại nói.
BS Đậu Ngọc Trung, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa, Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.Biên Hòa cho biết, nhiều phường đông công nhân trên địa bàn thành phố đang bị quá tải nghiêm trọng. Các đội phản ứng nhanh của thành phố cũng xử lý không kịp do F0 tăng nhanh. Với tình hình này, nhiều phường có nguy cơ “vỡ trận” vì không có đủ nhân viên y tế.
Giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn thì cho hay, do nhân lực thiếu nên trong thời gian qua, có nhiều trạm y tế trong huyện gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm 2020 vừa qua, nhiều cán bộ của các trạm y tế trên địa bàn H.Long Thành về hưu nhưng đến nay chưa tuyển dụng được. Thời điểm đó, Sở Nội vụ đề nghị rút lại 5 biên chế của Trung tâm Y tế huyện và đặt vấn đề khi nào cần nhân lực thì bổ sung lại. Tuy nhiên từ đó đến nay, đặc biệt năm 2021, huyện thiếu nhân lực trầm trọng mà vẫn chưa được bổ sung lại.
* Thu nhập không tương xứng, nhiều người xin nghỉ việc
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh cho biết, trước áp lực công việc quá lớn, nhiều cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là ở trạm y tế trên địa bàn huyện đã xin nghỉ việc. Lãnh đạo địa phương phải làm công tác tư tưởng, vận động để anh em ở lại, gắn bó với trạm để tiếp tục làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Nhiều người dân đến Trạm y tế P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) khai báo y tế do có liên quan đến ca F0. Ảnh: Hạnh Dung |
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đồng Nai Đàm Đức Chính cho hay, trong thời gian qua, có 2 giám đốc trung tâm y tế đã xin nghỉ việc. Có nhiều lý do để cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở xin nghỉ việc, trong đó có nguyên nhân do áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại rất thấp.
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở tăng gấp 3-4 lần. Trước kia, nhân viên y tế chỉ làm 8 tiếng/ngày, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, còn nay họ phải làm “3 tại chỗ” trong nhiều tháng hoặc 16-18 tiếng/ngày, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Trong khi đó, mức thu nhập vẫn giữ nguyên. Đó là chưa kể, do tập trung hết vào công tác phòng, chống dịch nên các trung tâm y tế, trạm y tế không triển khai được các dịch vụ y tế, không có thu nhập tăng thêm như trước, dù khoản tiền tăng thêm này không đáng là bao.
Khi tỉnh bước sang giai đoạn “bình thường mới”, hầu hết các hoạt động đều trở về trạng thái bình thường với điều kiện đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Thế nhưng lực lượng y tế thì công việc lại nhiều hơn, trọng trách nặng nề hơn, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh bình thường vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là áp lực khi cách ly F0 tại nhà. Như vậy, trong trạng thái “bình thường mới”, áp lực từ nhiều phía đè nặng lên vai lực lượng y tế, nhất là y tế tuyến xã, huyện. Tâm lý anh em nặng nề, mệt mỏi, stress. Nhiều trường hợp đã xin nghỉ việc vì “quá đuối”.
Một bác sĩ trưởng trạm y tế khác thì tâm sự, điện thoại của ông lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy” vì người dân gọi điện liên tục. Lúc nào trong túi của vị bác sĩ này cũng phải chuẩn bị vài cục pin dự phòng để đề phòng điện thoại hết pin. Xăng xe lúc nào cũng phải đầy bình để hễ có ai gọi thì chạy đi ngay. Những chi phí xăng xe, điện thoại tốn gấp 10 lần so với trước, mà hễ làm không kịp là bị người dân gọi điện phản ứng, bị cấp trên la rầy.
Lương của các bác sĩ ở trạm y tế hiện tính theo ngạch bậc. Bác sĩ chính quy được hưởng thêm chế độ thu hút của tỉnh là 2,4 triệu đồng/tháng, bác sĩ liên thông là 1,8 triệu đồng/tháng, còn lại nếu tiết kiệm được nguồn chi thường xuyên thì chia 6 tháng/lần nhưng không đáng bao nhiêu. Tổng thu nhập của 1 bác sĩ lâu năm ở trạm y tế khoảng 8-9 triệu đồng/người/tháng. Còn bác sĩ trẻ mới ra trường thì 5-6 triệu đồng (đã bao gồm chế độ thu hút), riêng y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ chỉ có mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. |
Hạnh Dung
Bài 2: Nghịch lý nơi thiếu, nơi thừa