Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cần thêm trợ lực

08:11, 28/11/2021

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đang ngày càng lan tỏa trong học sinh, sinh viên (HS-SV); khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ.  Để hoạt động này ngày càng chất lượng, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành…

[links()]Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đang ngày càng lan tỏa trong học sinh, sinh viên (HS-SV); khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ.  Để hoạt động này ngày càng chất lượng, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành…

Thí sinh tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021. Ảnh: Hải Yến
Thí sinh tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021. Ảnh: Hải Yến

Đặc biệt, các cuộc thi KNĐMST cần chú trọng hơn đến công tác huấn luyện, đào tạo nhằm cung cấp cho HS-SV kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.

* Đào tạo kiến thức, kỹ năng

Từ năm 2018 đến nay, Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) đã có 2 đại diện tham gia cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp (SV Start-up) của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chuẩn bị, tham gia cuộc thi, giáo viên hướng dẫn và các nhóm học sinh hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào về kiến thức khởi nghiệp mà đều phải tự mày mò.

Sầm Đức Anh, cựu học sinh nhà trường cho biết: “Từ kinh nghiệm của lần dự thi năm 2018 và những kiến thức về KNĐMST được học tại trường đại học, em đã hướng dẫn lại cho các thành viên của đội dự thi năm nay. Nhưng việc truyền đạt này là rất hạn chế. Chúng ta cần phải chú trọng việc đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp nhiều hơn nữa nhằm tạo ra một thế hệ trẻ biết khởi nghiệp”.

Để KNĐMST phát triển mạnh hơn nữa, cần lan tỏa những sân chơi về khởi nghiệp, đặc biệt phải chú ý nhiều hơn đến đối tượng học sinh THPT. Hiện nay, các trường phổ thông chưa có nhiều thông tin hoặc chưa chủ động giới thiệu, phổ biến để học sinh biết đến các cuộc thi ngoài địa bàn tỉnh (ngoại trừ các cuộc thi do ngành Giáo dục chủ trì hoặc phối hợp tổ chức).

Thực tế, hiện nay hầu hết các trường phổ thông chưa có hoạt động phổ biến kiến thức về khởi nghiệp. Đa số học sinh tình cờ biết đến các sân chơi khởi nghiệp và cùng với giáo viên hướng dẫn tự tìm cách tham gia.

Thầy Nguyễn Thanh Phương, giáo viên Trường THPT Thống Nhất A là người thường xuyên hướng dẫn học sinh tham gia các sân chơi khoa học, kỹ thuật và khởi nghiệp. Đối với một giáo viên như thầy Phương thì kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp là khá xa lạ. Để có thể hướng dẫn cho học sinh, thầy Phương phải tự tìm các tài liệu liên quan để nghiên cứu, trau dồi, đúc kết lại rồi mới định hướng cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất để các em nắm bắt. Tuy vậy, với việc tự nghiên cứu mà không có kinh nghiệm thực tiễn, bản thân thầy Phương không dám chắc rằng những gì mình truyền đạt cho học sinh là hoàn toàn chính xác.

Để học sinh tham gia sân chơi khởi nghiệp một cách chất lượng hơn, giáo viên, học sinh rất cần sự hỗ trợ chuyên môn về khởi nghiệp từ các chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, nhất là các chuyên gia xuất thân từ khởi nghiệp trong trường đại học.

Ngoài công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng, hoạt động KNĐMST trong HS-SV còn cần hỗ trợ về nhiều mặt khác như: có nhân sự phụ trách mảng khởi nghiệp để đồng hành, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí để các em có thể thỏa sức đam mê… Đối với những dự án có tính khả thi cao, HS-SV cần được tạo điều kiện để đưa sản phẩm ra thị trường nhằm giúp các em trải nghiệm, hiểu rõ quy trình vận hành của một dự án khởi nghiệp.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, trường rất chú trọng công tác đào tạo giảng viên có kiến thức về khởi nghiệp. Tính đến nay, đã có 62 lượt giảng viên được đào tạo bài bản và chính thức về kiến thức khởi nghiệp (được đào tạo cả 5 chương trình khởi nghiệp hiện có tại Việt Nam). Bên cạnh đó, trong 4 năm qua, trường liên tục cử giảng viên tham dự chương trình Ngày hội KNĐMST Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhà trường đến chương trình khởi nghiệp trong sinh viên.

* Đa dạng hóa sân chơi khởi nghiệp

Cùng với việc thúc đẩy phong trào KNĐMST, các cuộc thi - sân chơi khởi nghiệp dành cho HS-SV cũng ngày càng nhiều: từ cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia…Trong đó, nhiều cuộc thi có chất lượng cao đã góp phần tạo tiền đề cho HS-SV khởi sự kinh doanh.

Là “sân chơi” giúp HS-SV có thể học hỏi, phát triển được năng lực, những cuộc thi thường chú trọng đến công tác huấn luyện, đào tạo kiến thức, kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm cho thí sinh. Ngoài các hoạt động đào tạo tập trung, mỗi nhóm thí sinh khi tham gia cuộc thi còn được làm việc với 1 mentor (người hỗ trợ, định hướng) để họ đồng hành, hỗ trợ trong suốt hành trình chinh phục giải thưởng. Nhờ đó, sau mỗi cuộc thi, các thí sinh đã thu nhận được rất nhiều giá trị, nhất là những bài học quý giá cho công việc trong tương lai.

Hồ Thị Bích Hạnh (cựu sinh viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai) chia sẻ: “Từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức và khởi sự kinh doanh sau đó không mấy thành công nhưng tôi không hối tiếc. Đối với tôi, đó vẫn là những trải nghiệm quý báu và là bài học để tôi bước đi vững vàng hơn nếu tiếp tục khởi nghiệp”.

Hội Sinh viên tỉnh cũng đã phối hợp với Sở KH-ĐT tổ chức Ngày sinh viên Đồng Nai sáng tạo và khởi nghiệp. Trong đó, sinh viên tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về phong trào khởi nghiệp; tham gia diễn đàn, giao lưu với các start-up - gương mặt trẻ khởi nghiệp thành công, những diễn giả nổi tiếng hiện là các doanh nhân thành đạt, có sức hút trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, với “thời lượng” tổ chức 1 lần/năm, hoạt động chỉ mang tính khuấy động phong trào rồi nhanh chóng bị lắng xuống bởi không có các hoạt động tiếp theo để duy trì, phát huy tinh thần khởi nghiệp.

Điều đáng mừng là hiện nay cùng với việc xây dựng “vườn ươm”, các trường đại học đã chú ý tổ chức cuộc thi khởi nghiệp để giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, thúc đẩy tinh thần KNĐMST trong sinh viên. Ở khối trường nghề, hoạt động này vẫn còn khá trầm lắng. Ở bậc phổ thông thì hiện vẫn chưa có trường nào tổ chức sân chơi riêng về khởi nghiệp để học sinh tham gia.

Ông LẠI THẾ THÔNG, Giám đốc Sở KH-CN: Tiếp tục thúc đẩy KNĐMST

Trong tháng 8 vừa qua, Tổ triển khai hoạt động KNĐMST thuộc Sở KH-CN đã có nhiều buổi làm việc với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế triển khai hoạt động KNĐMST ở các trường, đồng thời lắng nghe những kiến nghị, đề xuất từ phía nhà trường để có thêm định hướng cho hoạt động này.

Chúng tôi đã có kế hoạch là sau 6 tháng sẽ quay trở lại làm việc với các trường để xem hoạt động KNĐMST ở cơ sở có chuyển biến như thế nào. Tôi cho rằng, để hoạt động KNĐMST ở các trường phát triển thì điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động từ đơn vị. Về phía Sở KH-CN, với vai trò, chức năng của mình sẽ hỗ trợ về mặt chính sách, đồng thời kết nối các trường trong hệ sinh thái KNĐMST để thúc đẩy hoạt động này phát triển tốt hơn. 

TS NGUYỄN VĂN TÂN, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế (Trường đại học Lạc Hồng): Xây dựng 6 cấu phần chính của hệ sinh thái khởi nghiệp

Để triển khai chương trình ươm tạo tại Trường đại học Lạc Hồng, chúng tôi tiến hành xây dựng hệ sinh thái ươm tạo khởi nghiệp trong trường đại học gồm có 6 cấu phần chính để ươm tạo khởi nghiệp. Một là doanh nghiệp khởi nghiệp, hai là giảng viên liên quan khởi nghiệp, ba là khu không gian làm việc chung, bốn là đơn vị hỗ trợ dịch vụ, năm là doanh nghiệp lớn và vốn cho khởi nghiệp và sáu là chính sách cho khởi nghiệp.

Để đạt được những thành quả lớn hơn và bền vững hơn trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cấp trường cũng như của tỉnh Đồng Nai, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng thúc đẩy hình thành Mạng lưới cố vấn KNĐMST địa phương trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho trường trong công tác cố vấn các dự án khởi nghiệp.

ThS TRẦN THỊ HÀ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai): Cần người “truyền lửa”

Khi phát động phong trào KNĐMST hoặc tổ chức cuộc thi về khởi nghiệp có khá đông sinh viên hào hứng tham gia. Tuy nhiên, đến khi tổ chức trong thực tế lại khó tập hợp sinh viên, chỉ một số ít chú tâm và theo đuổi khởi nghiệp. Đây cũng là điều dễ hiểu vì khởi nghiệp thực sự rất khó, từ ý tưởng đến khi đi vào thực tế là chặng đường gian khó, không dễ vượt qua.

Tôi nghĩ rằng để thúc đẩy tinh thần KNĐMST trong HS-SV thì cần phải có người “truyền lửa”. Đây nên là người đã khởi nghiệp và thành công chứ không phải là người chỉ có lý thuyết. “Người truyền lửa” càng gần gũi càng kéo được tinh thần các em tích cực tham gia.

Hải Yến

Bài 3: Mô hình nào cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp?

Tin xem nhiều