Báo Đồng Nai điện tử
En

Chắp cánh khát vọng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

10:11, 26/11/2021

Hiện nay, rất ít các dự án khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên (HS-SV) thành công. Điều này hoàn toàn có thể thay đổi nếu chúng ta hoàn thiện được hệ sinh thái khởi nghiệp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích đáng...

Thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên (HS-SV) chính là cách để nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng làm giàu chính đáng của thế hệ trẻ. Hiện nay, rất ít các dự án khởi nghiệp trong HS-SV thành công. Điều này hoàn toàn có thể thay đổi nếu chúng ta hoàn thiện được hệ sinh thái khởi nghiệp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích đáng. Làm được như vậy thì ngay cả khi không thành công, các bạn trẻ cũng đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho công việc trong tương lai.

Nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A tham gia cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 với dự án Robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Sau cuộc thi, robot này vẫn chỉ là một mô hình chứ không thể khởi nghiệp được. Ảnh: TL
Nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A tham gia cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 với dự án Robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Sau cuộc thi, robot này vẫn chỉ là một mô hình chứ không thể khởi nghiệp được. Ảnh: TL

Bài 1:  Đường đi không trải hoa hồng

Những năm gần đây, có nhiều cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức trên khắp cả nước, trong đó có không ít “sân chơi” dành riêng cho HS-SV. Nhiều thí sinh, nhóm thí sinh của Đồng Nai đã tham gia và giành được thắng lợi. Tuy nhiên, hầu hết các dự án khởi nghiệp đều dừng lại sau “chiến thắng” đó mà không thể bước tiếp.

Sự “dừng lại” đó đã phản ánh đúng thực tế khởi nghiệp trong HS-SV hiện nay. 

* “Chiến thắng” rồi… dừng lại

Năm 2017, khi đang là sinh viên năm cuối ngành công nghệ sinh học thực phẩm (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai), chị Hồ Thị Bích Hạnh đã tham gia cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2017 do Tỉnh đoàn tổ chức. Tại cuộc thi này, dự án Sản xuất nấm linh chi đỏ làm thực phẩm chức năng của chị Hạnh đã được trao giải ba. Chị cũng đã mở trang trại nấm tại nhà với diện tích 50m2.

Ngay từ lần trồng nấm đầu tiên, chị đã thu được kết quả rất tốt và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu và có thêm ít tiền để mở rộng trang trại. Cùng năm đó, chị Hạnh quyết định vay mượn thêm tiền của gia đình để mở trang trại nấm rộng 250m2 với thương hiệu nấm Gia Hỉ. Đầu ra của sản phẩm ổn định, chị Hạnh làm thêm bonsai từ cây nấm để đa dạng hóa sản phẩm…

Năm 2017, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025. Bộ GD-ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này.

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS-SV với trọng tâm là cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học. Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích cho HS-SV. Tuy nhiên, điểm yếu của sân chơi này là chưa chú trọng vào quá trình huấn luyện, đào tạo kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp cho HS-SV.

Khởi đầu thuận lợi nhưng chỉ sau 1 năm, chị Hạnh quyết định dừng toàn bộ dự án. “Có nhiều nguyên nhân khiến tôi dừng lại, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là không tìm được cộng sự để đồng hành”- chị Hạnh chia sẻ.

Cùng với chị Hạnh, năm 2017, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai còn có 4 dự án khác đoạt giải trong cuộc thi Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn duy nhất dự án Chả lụa không chất bảo quản của ThS Trần Thị Hà còn duy trì và đang có chiều hướng phát triển.

Cũng trong năm 2017, dự án Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ nguồn nhân lực sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đã giành giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2017. Nhưng dự án cũng chỉ dừng lại ở cuộc thi, bản thân những chủ nhân của dự án này sau khi ra trường đều đã chọn cho mình hướng đi mới.

Năm 2018, với dự án Robot hỗ trợ vận chuyển, chăm sóc khách hàng, nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức và đoạt giải khuyến khích của cuộc thi. Sau cuộc thi, nhóm tác giả đã tìm nhiều cách để tiếp cận khách hàng, khảo sát thị trường và rất mong muốn tìm được nhà đầu tư để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau 3 năm, sản phẩm này vẫn chỉ là một mô hình để làm lưu niệm…

* Khó “vượt lên chính mình”

Đầu năm 2021, 2 nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã tham gia chương trình FutureU do Học viện Sáng tạo Arkki từ Phần Lan phối hợp với Mạng lưới Nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, Saigon Innovation Hub, thuộc Sở KH-CN TP.HCM và Tập đoàn Truyền thông TV Hub tổ chức. Trong đó, nhóm dự án BIOVE - mạng xã hội 2 chiều gắn kết con người với nhiệm vụ sống xanh đã vào tốp 10 và bước vào giai đoạn gọi vốn cộng đồng. Theo đó, thông qua ứng dụng BIOVE, mọi người có thể góp tiền để trồng cây cho những khu rừng ở khắp mọi nơi. Số tiền này sẽ được chuyển đến đơn vị thụ hưởng để tiến hành trồng cây.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 50% các trường đã thành lập được các CLB khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 70 cơ sở đào tạo bố trí được không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HS-SV; có khoảng 45 cơ sở đào tạo đã thành lập được các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Chương trình FutureU được thực hiện theo mô hình ươm tạo khởi nghiệp xã hội nên nhóm đã được đào tạo nhiều kiến thức, kỹ năng để áp dụng trong quá trình khởi nghiệp. Sau cuộc thi, nhóm vẫn rất mong muốn đưa sản phẩm vào thực tế nên đã tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, theo em Trần Thị Kim Loan (lớp 12A2, trưởng nhóm), dự án đang gặp nhiều khó khăn mà bản thân các em không thể nào tự gỡ được. “Ngoài viết lại ứng dụng, chúng em còn dự định đưa vào sử dụng trang web và kêu gọi trồng cây tại TP.Biên Hòa, đồng thời tiến hành khảo sát trải nghiệm người dùng để cải thiện và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, chúng em đang gặp khó khăn trong việc liên hệ với các đơn vị để được trồng cây. Mặt khác, chúng em cũng không tìm được chuyên gia để góp ý cho dự án về mặt chuyên môn liên quan đến lĩnh vực cây trồng. Một vấn đề nữa là chúng em rất cần hỗ trợ về tài chính để có thể vận hành dự án” - Kim Loan chia sẻ.

Với hàng loạt khó khăn đó, Kim Loan và các bạn không biết có thể đủ sức để theo đuổi và phát triển dự án hay không.

Mới đây, nhóm học sinh Trường THPT Long Thành với dự án YouLight - ứng dụng hỗ trợ đời sống người khiếm thị đã tham gia và đoạt giải khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (CiC 2021 do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức).

Sau khi cuộc thi kết thúc, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức chương trình Gọi vốn đầu tư CiC 2021. Tuy nhiên, nhóm đã quyết định dừng lại để tập trung cho việc học, bởi đây là năm học rất quan trọng của cả 4 thành viên trong nhóm. Các thành viên trong nhóm cũng chưa có ý định sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng để đưa vào thực tế.

 Chị Hồ Thị Bích Hạnh đang thu hoạch nấm linh chi đỏ. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi nhưng chỉ sau 1 năm, chị đã dừng toàn bộ dự án khởi nghiệp của mình (ảnh chụp năm 2017)
Chị Hồ Thị Bích Hạnh đang thu hoạch nấm linh chi đỏ. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi nhưng chỉ sau 1 năm, chị đã dừng toàn bộ dự án khởi nghiệp của mình (ảnh chụp năm 2017)

Sầm Đức Anh, cựu học sinh Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) là một trong các thành viên tham gia dự án Robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng. Hiện nay, Đức Anh là sinh viên năm 3 Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).

Đức Anh cho rằng: “Xuất phát từ khâu định hướng khởi nghiệp ban đầu chưa tốt nên nhiều dự án khởi nghiệp sau khi thi xong thì… “bỏ xó”. Sau cuộc thi khởi nghiệp năm 2018, bản thân em vẫn rất muốn tiếp tục tham gia sân chơi này nhưng muốn bước đi bền vững hơn. Tức là không chỉ làm dự án để rồi vứt đi nữa, mà sẽ tập trung làm dự án thực tế hơn để có thể đưa vào thực tế”.

Muốn vậy, theo Đức Anh, các nhóm khởi nghiệp HS-SV không chỉ cần một khởi đầu đúng hướng mà còn phải có cơ hội được tiếp cận nhà đầu tư, cần có sách hỗ trợ quảng cáo, marketing, thủ tục pháp lý… “Cần phải có đội ngũ đứng đằng sau để hỗ trợ cho người trẻ khởi nghiệp, bởi HS-SV chưa đủ sức để tự mình khởi nghiệp. Chúng em cũng sẽ rất dễ “lạc đường” nếu không có người dẫn đường” - Đức Anh nói thêm.     

Hải Yến

Bài 2: Cần thêm trợ lực

Tin xem nhiều