Báo Đồng Nai điện tử
En

Để kết nối mạng xã hội giúp giáo viên dạy tốt

08:10, 17/10/2021

Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT) và kết nối internet, rất nhiều giáo viên đã tham gia kết nối mạng xã hội với cộng đồng giáo viên trên cả nước nhằm trao đổi nghiệp vụ; chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Hoạt động này trên các diễn đàn khá sôi nổi, góp phần giúp giáo viên dạy tốt hơn.

Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT) và kết nối internet, rất nhiều giáo viên đã tham gia kết nối mạng xã hội với cộng đồng giáo viên trên cả nước nhằm trao đổi nghiệp vụ; chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Hoạt động này trên các diễn đàn khá sôi nổi, góp phần giúp giáo viên dạy tốt hơn.

Thầy Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã tự lập và quản trị nhóm Thư viện giáo dục với hơn 11 ngàn thành viên để chia sẻ tài liệu miễn phí cho đồng nghiệp. Ảnh: Hải Yến
Thầy Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã tự lập và quản trị nhóm Thư viện giáo dục với hơn 11 ngàn thành viên để chia sẻ tài liệu miễn phí cho đồng nghiệp. Ảnh: Hải Yến

Đáp ứng nhu cầu tự học, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều diễn đàn, nhóm, trang cộng đồng giáo viên đã ra đời. Tuy nhiên, giáo viên cần có “bộ lọc” khi tham khảo các thông tin trên những trang tự phát này.

* Kênh tự học của giáo viên

Tháng 2-2020, nhóm giáo viên tiếng Anh Đồng Nai (nhóm trên Facebook) được tao ra. Đây là nơi để các giáo viên tiếng Anh cùng tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, học liệu; chia sẻ các sản phẩm, dự án học tiếng Anh của học sinh… Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay nhóm đã trở thành “mái nhà chung” của gần 900 giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh trong và ngoài tỉnh.

Thầy Phạm Quý Sơn, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) là thành viên của nhóm. Ngoài ra, thầy còn là thành viên của nhóm giáo viên tiếng Anh khác. Thầy Sơn ưu tiên lựa chọn kết nối với các nhóm giáo viên trên Zalo. Với thầy, đây là nơi để thầy học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, trao đổi những thắc mắc về chuyên môn, học hỏi phương pháp giảng dạy, cách soạn bài, dạy học trực tuyến…

“Chúng tôi còn tham gia nhóm của NXB sách tiếng Anh mà nhà trường đang giảng dạy để cập nhật thông tin sách và các nguồn bổ trợ khách cho quá trình dạy học. Trong giai đoạn dạy online này, chúng tôi tương tác trên các nhóm nhiều hơn vì nhu cầu cập nhật thông tin, trao đổi bài giảng điện tử nhiều hơn” - thầy Sơn chia sẻ.

Từ ý tưởng của thầy Nguyễn Văn Hiệp, giáo viên Trường THCS Hòa Bình (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom), nhóm Zalo Bài giảng điện tử đã được thành lập. Đây là nơi để các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) trao đổi, học tập kinh nghiệm. Thành lập từ tháng 8, đến nay nhóm đã có hơn 200 thành viên, hoạt động tích cực và sôi nổi.

Đặc biệt, các thành viên trong nhóm đã cùng nhau soạn bài giảng điện tử phục vụ trực tiếp cho việc dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6. Trong đó, giáo viên có thế mạnh môn nào (Sinh học, Hóa học, Vật lý) thì soạn bài môn đó. Mỗi giáo viên chỉ đầu tư soạn 1 bài, hoàn chỉnh như 1 bài dạy để tham gia hội giảng. Sau đó, nhóm giáo viên giỏi chuyên môn sẽ duyệt bài rồi mới tập hợp thành bộ tài liệu hoàn chỉnh để chia sẻ cho các thành viên của nhóm.

Cô Đỗ Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Lê Quang Định (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mặc dù tài liệu hoàn chỉnh nhưng mỗi giáo viên sẽ phải điều chỉnh lại để phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy. Cách chia sẻ tài liệu này đã hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong bước đầu tiếp cận, giảng dạy môn Khoa học tự nhiên - môn học tích hợp. Đặc biệt, bộ bài giảng điện tử này cũng giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian soạn bài trong giai đoạn dạy học online”.

Từ cách làm hiệu quả này, nhóm sẽ tiếp tục duy trì hoạt động để trao đổi nghiệp vụ sư phạm và hỗ trợ nhau trong việc nghiên cứu, soạn bài giảng môn Khoa học tự nhiên lớp 7, 8, 9 trong những năm học tới.

Để phục vụ nhu cầu tự học, trao đổi nghiệp vụ, chuyên môn, thầy Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã tham gia rất nhiều nhóm giáo viên trên mạng xã hội. “Tôi tham gia và tham khảo thông tin trên khoảng 40 nhóm, trong đó có tham gia đăng bài ở khoảng 20 nhóm. Chẳng hạn, để nghiên cứu, soạn bài dạy cho hoạt động giáo dục trải nghiệm ở lớp 6, tôi tham gia 3 nhóm sách giáo khoa: Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức để xem cái hay của mỗi bộ sách và học tập, áp dụng giảng dạy tại trường” - thầy Sinh cho hay.

Quá trình tham khảo thông tin của cộng đồng giáo viên trên các trang mạng xã hội, thầy Sinh nhận thấy nhu cầu tải tài liệu, trao đổi học liệu, giáo án rất nhiều. Lợi dụng thực tế này, không ít tài khoản tham gia vào nhóm để lừa đảo hoặc “bán giáo án”. Vì vậy, tháng 12-2019, thầy Sinh đã tự tạo nên nhóm Thư viện giáo dục để chia sẻ tài liệu, học liệu miễn phí cho cộng đồng giáo viên. Đến nay, nhóm đã có hơn 11 ngàn thành viên từ khắp cả nước. Để đảm bảo nhóm hoạt động đúng mục đích phục vụ giáo dục, Ban quản trị nhóm chặn tất cả các thành viên đăng bài quảng cáo, yêu cầu inbox để lừa bán tài liệu… Mọi học liệu trong nhóm đều được chia sẻ miễn phí.

* Cẩn trọng khi lựa chọn thông tin, tài liệu tham khảo

Đa phần các trang, nhóm cộng đồng giáo viên trên mạng xã hội đều là tự phát. Trong đó, có không ít trang, nhóm được lập nên với mục đích đăng bài quảng cáo, bán tài liệu, thậm chí là rao bán giáo án. Tuy nhiên, chất lượng của những “sản phẩm” này thì không ai có thể đảm bảo.

Mặt khác, nhiều trang, nhóm bàn luận, trao đổi các vấn đề xoay quanh đổi mới giáo dục và thông tin chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục. Tuy nhiên, rất nhiều trao đổi, bình luận đi ngược lại với định hướng, không đúng bản chất vấn đề… Vì vậy, giáo viên cần phải có “bộ lọc”, cẩn trọng khi tiếp cận những luồng thông tin này.

Thầy Nguyễn Trường An, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (TP.Long Khánh) cũng là thành viên của nhiều trang, nhóm cộng đồng giáo viên trên mạng xã hội. Từ kinh nghiệm của bản thân và đứng ở cương vị quản lý cấp cơ sở, thầy An thường lựa chọn các nhóm trao đổi về ứng dụng CNTT trong dạy học, chuyển đổi số trong giáo dục, các nhóm chia sẻ thông tin về giáo dục STEM, dạy học dự án, đổi mới giáo dục…

Bản thân thầy An cũng lựa chọn các nhóm, cộng đồng có ban quản trị là những chuyên gia, các thầy cô giáo có uy tín, tâm huyết với hoạt động giáo dục. Nhờ có các thành viên chất lượng, thông tin trao đổi trên các nhóm này thật sự bổ ích, đáng học hỏi.

Thầy An chia sẻ: “Tôi học tập được nhiều điều từ các nhóm giáo viên trên mạng xã hội. Chẳng hạn, việc sử dụng ứng dụng Microsoft Teams trong dạy học trực tuyến, cách tạo form nộp báo cáo online để đỡ tốn công cập nhật, tổng hợp thủ công, các ứng dụng thi trắc nghiệm online, các website học tiếng Anh hiệu quả… Tôi thường chia sẻ đường link của những bài viết hay, bổ ích để lan tỏa đến các đồng nghiệp”.

Để quản lý tốt hơn việc chia sẻ tài liệu, thầy Nguyễn Trường Sinh, giáo viên Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh)  cập nhật tài liệu trên website sinh.edu.vn và chia sẻ đường link trên Facebook. Giáo viên phải đăng ký email và quản trị website sẽ gửi tài liệu đến email người đăng ký. Đến nay, website này cũng đã có gần 4 ngàn thành viên.

Hải Yến

Tin xem nhiều