Học sinh toàn tỉnh đã chính thức bước vào năm học mới 2021-2022 với các hình thức học tập từ xa. Tùy theo điều kiện thực tế của học sinh, các thầy cô giáo đã kết hợp nhiều hình thức dạy học nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Học sinh toàn tỉnh đã chính thức bước vào năm học mới 2021-2022 với các hình thức học tập từ xa. Tùy theo điều kiện thực tế của học sinh, các thầy cô giáo đã kết hợp nhiều hình thức dạy học nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Học sinh lớp 4/2, Trường tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) tham gia học trực tuyến trên ứng dụng Google Meet vào lúc 19 giờ hằng ngày. Ảnh: H.Yến |
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc tổ chức dạy học trực tuyến trong giai đoạn hiện nay vẫn là lựa chọn phù hợp nhất. Thực tế, đây cũng đang là hình thức dạy học chủ đạo được các trường học trong toàn tỉnh áp dụng.
* Học trực tuyến đi vào nền nếp
Trước ngày học chính thức 13-9, các trường học trên toàn tỉnh đã khảo sát số lượng học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến để triển khai các hình thức dạy học phù hợp. Cùng với đó, giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp đã có cuộc họp với phụ huynh để phổ biến nội quy, lịch học đồng thời giải đáp thắc mắc của phụ huynh.
Ở các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, giáo viên phải nhiều lần liên lạc để vận động phụ huynh cho con tham gia học trực tuyến. Thời gian học cũng được sắp xếp phù hợp để thuận lợi cho học sinh.
Học sinh vẫn còn thiếu sách giáo khoa Theo cô HỒ THỊ TUYẾT, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, Trường tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), đến nay đã có khoảng 80% học sinh của lớp tham gia học trực tuyến trên Google Meet. Tuy nhiên, nhiều học sinh của lớp vẫn chưa có sách giáo khoa. Mặc dù cô đã mượn sách ở thư viện cho các em nhưng vẫn không đủ. Nhiều học sinh nghèo trong trường đang rất cần được hỗ trợ sách giáo khoa để học tập. |
Trước ngày học chính thức, nhiều giáo viên đã chủ động liên hệ trước với phụ huynh, làm quen với lớp, tổ chức ôn tập cho học sinh. Do đó, ngay từ ngày học chính thức, các học sinh đã đăng nhập, thao tác thành thạo máy móc và học tập nghiêm túc, nền nếp ổn định.
Ông Ngô Đăng Thành, Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán cho hay: “Trong ngày đầu tiên tổ chức dạy trực tuyến, toàn huyện có hơn 66% học sinh tiểu học và gần 77% học sinh THCS tham gia học trực tuyến. Số học sinh không có điều kiện học trực tuyến, thầy cô sắp xếp gửi bài tới nhà và có kế hoạch bồi dưỡng sau thời gian giãn cách xã hội”.
Trước khi bước vào năm học, việc học trực tuyến của học sinh lớp 1, lớp 2 có nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, hầu hết các trường học đều triển khai dạy học trực tuyến dành cho học sinh các khối lớp, trong đó có lớp 1, 2.
Cô Lê Thị Hạnh, giáo viên lớp 1/1, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (TT.Định Quán, H.Định Quán) chia sẻ: “Lớp tôi có 40/41 học sinh tham gia học trực tuyến qua ứng dụng Google Meet. Trường hợp học sinh không tham gia học được hiện đang ở với ông bà. Bà của học sinh này có điện thoại nhưng không cài ứng dụng được. Bản thân tôi rất muốn gặp trực tiếp để hỗ trợ học sinh nhưng do điều kiện đang thực hiện giãn cách xã hội nên đành chịu. Tôi đã mua sách vở gửi cho bà tại chốt kiểm soát phòng dịch để bà hướng dẫn bé học. Nhìn chung, phụ huynh rất hợp tác và hỗ trợ nhiều cho giáo viên để cùng dạy con trong các buổi học”.
Trong những ngày vừa qua, ban giám hiệu các trường, lãnh đạo các phòng GD-ĐT đã tham dự các lớp học online để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế nhằm kịp thời giúp giáo viên khắc phục khó khăn.
Khác với các trường công lập, nhiều trường tư thục đã tổ chức dạy học trực tuyến từ nhiều tuần trước. Do vậy, việc học của học sinh trường tư thục đã đi vào nền nếp, ổn định và có hiệu quả. Dù học online nhưng các em vẫn tuân thủ thời khóa biểu chặt chẽ, tham gia học tập đầy đủ và hoàn thành tất cả nhiệm vụ học tập mà thầy cô yêu cầu.
Em Văn Ninh Minh Khôi, học sinh lớp 10A14, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) cho biết: “Em bắt đầu học từ giữa tháng 7 đến nay. Học online em thấy cũng dễ hiểu. Cô cho phát biểu nhiều hơn và thường cho điểm cao để khuyến khích”.
* Kết hợp đồng thời các hình thức dạy học
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện thuận lợi, đầy đủ để tham gia học trực tuyến và học trên truyền hình. Ngay tại TP.Biên Hòa vẫn có nhiều học sinh không có thiết bị để học trực tuyến.
Do đó, ngoài hình thức chủ đạo là học trực tuyến, các giáo viên còn kết hợp nhiều hình thức dạy học khác để hỗ trợ việc tự học của học sinh. Đối với các học sinh đầu cấp, giáo viên thông báo lịch học trên Đài PT-TH Đồng Nai và nhắc nhở hằng ngày để học sinh tham gia học. Thời khóa biểu cũng được sắp xếp phù hợp để học sinh có thể phối hợp học trên truyền hình và học trực tuyến.
Em Nguyễn Công Hiển, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) học trực tuyến |
Với những học sinh không thể tham gia học trực tuyến, giáo viên sẽ tổ chức các hình thức học tập khác như: giao phiếu hướng dẫn tự học, giao phiếu bài tập về nhà; gửi link bài giảng trên Zalo, Facebook để phụ huynh hướng dẫn con học bài…
Tùy theo điều kiện của đa số học sinh, nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn hình thức học tập phù hợp. Do đang trong thời gian giãn cách xã hội nên việc giao bài tập về nhà chủ yếu được thực hiện thông qua các ứng dụng như: Facebook, Zalo, Azota…
Huyện Tân Phú là địa phương gặp nhiều khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến. Ngoài số lượng lớn không có thiết bị học trực tuyến thì học sinh của huyện còn gặp phải các khó khăn như: nhà ở khu vực vùng sâu nên không có mạng internet, cha mẹ đi làm xa không ở nhà để hỗ trợ con học tập, gia đình đông con nhưng chỉ có 1 thiết bị…
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Tân Phú, tỷ lệ học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến của huyện khá thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia các hình thức học tập đến nay đạt khoảng 90%. Ngoài giao bài qua các ứng dụng, ở những “vùng xanh”, điểm lẻ, giáo viên in bài và giao cho phụ huynh. Giáo viên gọi điện thoại hằng ngày để nhắc nhở học sinh học bài, làm bài đầy đủ.
Giáo viên vượt khó dạy trực tuyến Cô NGUYỄN THỊ THƯƠNG, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) chia sẻ, mặc dù gặp một số khó khăn trong bước đầu tổ chức dạy học trực tuyến nhưng tập thể giáo viên của trường rất nỗ lực. Điển hình như cô Đỗ Thị Luyên, giáo viên bộ môn Tiếng Anh hướng dẫn cho giáo viên toàn trường cách sử dụng các ứng dụng Google Meet, Zoom trong dạy học trực tuyến. Những giáo viên lớn tuổi thì nỗ lực học, thực hành để sử dụng thành thạo ứng dụng. |
Hải Yến