Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn học trực tuyến

08:09, 28/09/2021

Với mục tiêu "tạm dừng đến trường, không dừng học", các trường trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện dạy và học online. Tỷ lệ học sinh tham gia hình thức học tập này ngày càng cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ để "không bị bỏ lại phía sau".

Với mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”, các trường trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện dạy và học online. Tỷ lệ học sinh tham gia hình thức học tập này ngày càng cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ để “không bị bỏ lại phía sau”.

Một buổi học online của lớp 1/3, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (TT.Định Quán, H.Định Quán). Ảnh chụp màn hình. Ảnh: Hải Yến
Một buổi học online của lớp 1/3, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (TT.Định Quán, H.Định Quán). Ảnh chụp màn hình. Ảnh: Hải Yến

* Chung tay góp sức

Trường THCS Võ Trường Toản (xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) là một trong những đơn vị đi đầu của ngành GD-ĐT H.Vĩnh Cửu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhờ có nền tảng đó, việc dạy học online được triển khai khá thuận lợi. Phụ huynh học sinh cũng đồng tình ủng hộ và cố gắng tự khắc phục khó khăn của gia đình để tạo điều kiện cho con học online.

Tuy vậy, trong số hơn 1,1 ngàn học sinh của trường vẫn còn có 19 em không có thiết bị để học online. Nhằm chia sẻ với khó khăn của học trò, một số giáo viên trong trường đã ủng hộ được 4 chiếc điện thoại. Danh sách 15 học sinh khó khăn còn lại đã được nhà trường chuyển lên Phòng GD-ĐT huyện để được xét hỗ trợ.

“Đối với những học sinh không thể học online, giáo viên có nhiệm vụ giao phiếu hướng dẫn học tập và phiếu bài tập cho các em. Giáo viên phải thường xuyên liên hệ để hướng dẫn và hỗ trợ. Năm nay bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 nên đây là khối lớp được ưu tiên tạo điều kiện tốt nhất. Hiện nay, 100% học sinh lớp 6 của trường đã có sách giáo khoa (SGK) và thiết bị để học tập” - thầy Đinh Công Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Mỗi năm, Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) có khoảng 100 học sinh thuộc diện gia đình khó khăn. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nên học sinh của trường lại càng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, trước tình huống phải học online, hầu hết gia đình học sinh đều cố gắng chuẩn bị thiết bị học tập cho con.

Sau 2 tuần học online, trường này có 22 học sinh cần hỗ trợ thiết bị học tập. Trong đó, nhà trường đã tiếp nhận được 5 điện thoại thông minh do Phòng GD-ĐT huyện phân bổ; 17 học sinh còn lại đang tiếp tục được xét để nhận hỗ trợ đợt sau.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, ngay tại TP.Biên Hòa cũng còn nhiều học sinh không có thiết bị để học online. Để mọi học sinh đều được tham gia hình thức học tập này, hiện các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đang chung tay thực hiện Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện chương trình Sóng và điện thoại cho em.

Tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), Ban đại diện cha mẹ học sinh đã phát động và quyên góp, ủng hộ được 2 laptop, 7 điện thoại (kèm sim 4G) để tặng học sinh nghèo của trường. Sau khi trao tặng số thiết bị này, 100% học sinh của trường có đủ thiết bị để học online.

Nhận được chiếc điện thoại mới để học online, em Huỳnh Kim Thùy, học sinh lớp 5/3 vui mừng chia sẻ: “Con cảm ơn quý phụ huynh và nhà trường đã hỗ trợ cho con thiết bị học tập. Con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và quý phụ huynh”.

* Còn nhiều học sinh cần được hỗ trợ

Không chỉ thiếu thiết bị học tập online, nhiều học sinh ở những vùng sâu, vùng xa còn đối diện với nhiều khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ. Chẳng hạn, tại các xã vùng sâu của H.Vĩnh Cửu như: Phú Lý, Hiếu Liêm, Mã Đà, còn nhiều người dân sống ở khu vực chưa có điện, sóng điện thoại yếu, không có mạng internet. Do đó, việc dạy học online là không khả thi. Giáo viên chỉ còn cách giao phiếu bài tập qua mạng và giao phiếu trực tiếp.

Em Văn Thị Minh Xuân, học sinh lớp 11, Trường TH-THCS-THPT ,Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) trong giờ học online. Ảnh: Hải Yến
Em Văn Thị Minh Xuân, học sinh lớp 11, Trường TH-THCS-THPT ,Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) trong giờ học online. Ảnh: Hải Yến

“Mỗi lần phát tài liệu học tập, giáo viên phải tự chạy đi tìm phụ huynh để giao tận tay. Thậm chí, có phụ huynh còn bị mù chữ nên không thể hỗ trợ con học tập. Những học sinh lớp lớn thì có thể tự học, còn học sinh lớp 1 thì đành chịu. Những trường hợp này không có cách nào khác là đợi đến khi học trực tiếp tại trường rồi cô dạy lại từ đầu” - một giáo viên của Trường TH-THCS Mã Đà (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho hay.

Cô Hồ Thị Tuyết, giáo viên Trường tiểu học Lam Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) chia sẻ, trong lớp do cô làm chủ nhiệm có học sinh quá khó khăn, phụ huynh có ý định cho con nghỉ học. Cô đã phải tìm cách hỗ trợ SGK cho học sinh này và động viên phụ huynh cố gắng để cho con học tiếp. Dù vậy, cô vẫn chưa dứt được nỗi lo học sinh bỏ học.

Thiếu SGK hiện đang là vấn đề mà nhiều học sinh gặp phải. Không tính đến việc vận chuyển SGK gặp trở ngại do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều phụ huynh không có tiền để mua SGK cho con, đặc biệt là bộ SGK của chương trình mới với mức giá khá cao (có bộ lên đến hơn 500 ngàn đồng). Trong khi đó, nguồn SGK cũ hiện cũng khó tiếp nhận, phân phát.

Thầy Nguyễn Tuấn Hoàng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết: “Năm ngoái, trong đợt lũ lụt ở miền Trung, nhà trường đã gom được rất nhiều SGK cũ và gửi đi toàn bộ để ủng hộ học sinh miền Trung. Năm nay, nguồn SGK cũ ở trường cũng hạn chế hơn… Thêm vào đó, do thực hiện giãn cách xã hội nên việc quyên góp sách cũ cũng gặp trở ngại”. Thực tế, còn rất nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh chưa có SGK để học và đang rất cần được hỗ trợ.

Hiện nay, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trên toàn tỉnh. Điều này làm vơi đi một phần nỗi lo của phụ huynh, nhưng từ nay cho đến khi học sinh yên tâm trở lại trường, rất nhiều học sinh khó khăn vẫn cần sự chung tay giúp đỡ của thầy cô, nhà trường và xã hội.

Việc học online sẽ gặp khó khăn khi phụ huynh đi làm nhưng trẻ chưa được đến trường. Theo đó, hiện nhiều học sinh đang mượn máy tính, điện thoại thông minh của cha mẹ, người thân để học online. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, phụ huynh được đi làm trở lại thì những học sinh này sẽ không có thiết bị để học. Đây cũng là nỗi lo của nhiều giáo viên, nhà trường.

Hải Yến

Tin xem nhiều