Xây dựng trường học hạnh phúc, làm cho học sinh hạnh phúc đang là phương châm được nhiều trường học đặt ra và thực hiện.
Xây dựng trường học hạnh phúc, làm cho học sinh hạnh phúc đang là phương châm được nhiều trường học đặt ra và thực hiện.
Giáo viên thay đổi để học sinh hạnh phúc là điều mà nhiều trường học ở Đồng Nai đang thực hiện. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu (TP.Biên Hòa) trong một tiết dạy (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: H.Yến |
Để làm được điều này, trước tiên cần bắt đầu từ chính giáo viên bởi sự thay đổi tích cực của giáo viên sẽ góp phần đem đến hạnh phúc cho học trò.
* Học cách thay đổi
Ngày 17-7, giáo viên đến từ 16 trường học ở TP.Biên Hòa đã tham gia buổi tập huấn trực tuyến với chủ đề Vai trò và giá trị của nghề giáo trong thời đại 4.0 - làm thế nào để hạnh phúc trong từng tiết dạy?
Đây là buổi tập huấn đầu tiên trong chuỗi tập huấn Dạy học tích cực do TS Trần Khánh Ngọc, người sáng lập chương trình Dạy học tích cực và dự án Vì một triệu người thầy hạnh phúc và truyền cảm hứng thực hiện. Các giáo viên tham gia chương trình tập huấn này đều có chung một mong muốn là thay đổi chính mình để học sinh được hạnh phúc, từ đó xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Trước đó, nhiều trường học đã chủ động tổ chức các chương trình tập huấn, sinh hoạt chuyên đề nhằm xây dựng trường học hạnh phúc.
Cô Bùi Thị Ngọc Hằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phong B (TP.Biên Hòa) cho biết, nhà trường đã bắt đầu hành động mạnh mẽ để xây dựng ngôi trường hạnh phúc từ năm học 2020-2021. Theo đó, Ban giám hiệu đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn với giáo viên và thấy rằng để làm được điều này, trước tiên giáo viên phải thay đổi. Giáo viên phải tạo được sự thân thiện với học sinh, phụ huynh; quan tâm học sinh hơn, rút gần khoảng cách với học sinh để các em tự tin tương tác với giáo viên, từ đó chủ động hơn trong học tập.
Ngoài sinh hoạt chuyên môn, Trường tiểu học Tân Phong B đã mời một số chuyên gia đến để chia sẻ với giáo viên xoay quanh chủ đề xây dựng trường học hạnh phúc. “Sau 1 năm thực hiện, chúng tôi thấy rằng phần lớn giáo viên đã cởi mở hơn. Trước đây, một số giáo viên ít tươi cười thì nay đã tươi cười nhiều hơn. Các cô chủ động chào hỏi học sinh trước chứ không để học sinh chào trước rồi mới trả lời” - cô Hằng chia sẻ.
Nhân thời gian nghỉ hè, lại đúng vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Trường tiểu học Tân Phong B đã đăng ký cho giáo viên toàn trường tham gia khóa tập huấn Dạy học tích cực. Ngoài chủ đề nêu trên, khóa tập huấn còn 3 chủ đề: Sứ mệnh người thầy - giáo dục bằng tình yêu thương (Bí quyết chinh phục trái tim người học); Dạy học phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh hiệu quả theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới; Sử dụng hiệu quả phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tạo nhu cầu và động lực học tập cho học sinh (làm thế nào để có được những tiết học tràn đầy cảm hứng, học sinh học tập hào hứng và hiệu quả).
Sau buổi tập huấn, các trường tham gia đều tổ chức cho giáo viên thảo luận về những nội dung đã tiếp nhận, đồng thời nêu ra định hướng của bản thân trong năm học tới.
Thầy Thanh Quang, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng cho biết, trong năm học tới, thay vì chỉ dạy học theo cách truyền thụ kiến thức, thầy sẽ hướng đến mục tiêu trở thành giáo viên truyền cảm hứng, thấu hiểu học sinh và “gieo những hạt giống tốt” trong các em.
* Giáo viên chủ động
Không đợi đến khi Ban giám hiệu nhà trường hối thúc, nhiều giáo viên đã chủ động tự học, tiếp cận với phương pháp sư phạm tích cực để giúp cho học sinh được hạnh phúc.
Nhiều năm nay, thầy Dương Văn Tuấn, giáo viên Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) đều tự đăng ký các khóa học để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, thầy đang học các khóa học trên nhóm Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam tại trang web https://education.microsoft.com/vi-vn.
Theo thầy Tuấn, các công cụ trong trang này rất hữu ích, phục vụ tốt cho việc giảng dạy của cá nhân thầy và định hướng phát triển của nhà trường. “Những khóa học này đem lại cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng mới mẻ, hiện đại, phù hợp với việc giảng dạy hiện nay. Ngoài ra, các khóa học này cũng giúp tôi “vỡ” ra nhiều điều khác. Chẳng hạn, làm thế nào để thiết kế một giáo án dựa trên nền tảng thang Bloom, thuyết đa trí tuệ, làm sao để bài giảng phù hợp với các phong cách học tập khác nhau của học sinh…” - thầy Tuấn cho hay.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai đặt ra các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, trong đó có năng lực tự chủ và tự học.
Thầy Tuấn chia sẻ: “Muốn dạy năng lực nào cho học sinh thì bản thân người thầy phải có năng lực đó. Muốn học sinh tự học, thầy phải tự học trước, vì nói như học giả Nguyễn Hiến Lê thì đó là “một nhu cầu thời đại”. Một số thầy cô nhờ tự học mà trở thành người truyền cảm hứng rất đáng kính như: cô Tô Thụy Diễm Quyên, cô Trần Khánh Ngọc, cô Hoàng Thị Hiền, thầy Nguyễn Chí Tuấn, thầy Ngô Thành Nam, thầy Hoàng Hưởng… Đây là những chuyên gia giáo dục có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng giáo viên”.
Ngoài tham gia các khóa học, tập huấn, giáo viên có thể tự học các phương pháp dạy học tích cực, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường học hạnh phúc thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội. Những nhóm này đều thu hút rất đông giáo viên tham gia như: Nhóm dạy học tích cực với hơn 100 ngàn thành viên; Nhóm lớp học sáng tạo - chia sẻ và nâng tầm giá trị giáo dục với hơn 42 ngàn thành viên; Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam với hơn 55 ngàn thành viên…
Những thông tin chia sẻ trên các cộng đồng này hoàn toàn miễn phí, với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau để cùng thay đổi, cùng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả.
Hải Yến