Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần trợ lực để đưa sáng chế hữu ích vào cuộc sống

10:01, 01/01/2021

Những thiết kế hữu ích, có khả năng áp dụng vào thực tế cao và đều được giải cao tại chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất (chương trình 6). Tuy nhiên, chủ nhân của những sáng chế này lại đang gặp khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Những thiết kế hữu ích, có khả năng áp dụng vào thực tế cao và đều được giải cao tại chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất (chương trình 6). Tuy nhiên, chủ nhân của những sáng chế này lại đang gặp khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Mô hình máy rửa và phân loại xoài tự động
Mô hình máy rửa và phân loại xoài tự động

Đây là thực tế đang diễn ra của không ít phong trào, hội thi. Mặc dù khó khăn nhưng các tác giả này cho biết, họ vẫn tiếp tục sáng tạo, cải tiến để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa.

* Từ sáng chế của giáo viên...

Vào mùa mưa, chiếc áo mưa là “vật bất ly thân” của các học sinh, nhất là những em phải tự đạp xe đi học. Trong khi đa số áo mưa đều rộng thùng thình nhưng lại không đủ để che kín toàn bộ cơ thể, nhất là những đôi chân phải đạp xe. Vượt được cơn mưa nặng hạt đến trường, học sinh thường bị ướt đôi giày ba ta, hoặc ướt 2 ống quần.

Ngoài ra, muốn cặp sách không bị ướt, các em còn phải chuẩn bị thêm bọc ny-lông hoặc 1 chiếc áo mưa để “mặc” riêng cho chiếc cặp sách.

Áo mưa dùng cho người đi xe đạp
Áo mưa dùng cho người đi xe đạp

Nhận thấy rõ những bất tiện trên, cô Lê Thị Thùy Dương, giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản (H.Vĩnh Cửu) đã lên ý tưởng thiết kế một loại áo mưa dành riêng cho học sinh đi xe đạp. Cô Dương đã tự tay thiết kế, sau đó đặt may thử nghiệm. Theo đó, áo mưa được làm từ chất liệu nhựa PVC, gồm 5 phần cơ bản: nón, thân áo, phía sau lưng, tay áo và bàn chân (có đế giày). Các bộ phận này được may liền với nhau, dây kéo khóa nằm ở phía trước, thuận tiện cho người dùng.

Điểm đặc biệt của chiếc áo mưa này là có cả giày với phần đế có khả năng ma sát tốt, giúp học sinh đạp xe không bị trơn trượt. Phần lưng áo được thiết kế với hình dáng, kích thước của một chiếc balo, cặp học sinh. Vì vậy, chiếc cặp mà học sinh đeo trên lưng sẽ được thân áo mưa ôm trọn, bao bọc kín nhưng vẫn gọn gàng.

Ngoài ra, tay áo được thiết kế có chỗ xỏ ngón nhằm cố định tay áo mưa và không làm ướt tay áo khoác của học sinh. Cổ cao, nón to và kéo dài hạn chế nước mưa rơi vào mặt học sinh. Phần sau lưng áo còn có lỗ thoát khí nhỏ giúp áo không bị chứa khí phình ra.

Với kiểu thiết kế này, áo mưa liền cả người giúp cho học sinh dễ dàng đem theo, hạn chế sức cản của gió khi trời mưa mà vẫn thoải mái đạp xe, không bị vướng víu.

* ...Đến “công trình” của nhà khoa học

Nói về ý tưởng sáng tạo máy rửa và phân loại xoài tự động, ThS Hoàng Thị Trang (Trường đại học Công nghệ Đồng Nai) cho rằng, Việt Nam có nhiều loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, vì hạn chế về mặt áp dụng khoa học kỹ thuật vào công đoạn sau thu hoạch nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, dễ bị thương lái ép giá. Trong đó, khâu phân loại trái cây theo từng tiêu chuẩn mà thương lái yêu cầu hầu như vẫn được thực hiện thủ công.

TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN cho biết: “Sản phẩm đổi mới sáng tạo nếu muốn được công nhận thì ngoài những giá trị về mặt kỹ thuật, công nghệ, kinh tế… còn phải xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì nếu không xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ dẫn đến 2 khả năng. Một là sản phẩm đó sẽ bị người ta “lấy” mất. Hai là chính chúng ta có thể sẽ bị hệ lụy vì bị trùng lặp với những sản phẩm mà người ta đã đăng ký bảo hộ trí tuệ trước đó rồi. Khi đó, chúng ta sẽ là người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Để tăng năng suất phân loại trái cây, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thì vai trò của chiếc máy phân loại trái cây là cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, thị trường đã có rất nhiều loại máy phân loại trái cây của các hãng lớn sản xuất (Lifentech, ABM, Sawaki,...). Tuy nhiên, đa số các máy này đều được ứng dụng trong những nhà máy hoặc xưởng chế biến với quy mô lớn. Hơn nữa chi phí cho một hệ thống phân loại công nghiệp này cũng không thấp.

“Đồng Nai có sản lượng xoài lớn. Vì vậy, nhóm quyết định thiết kế, chế tạo máy rửa và phân loại xoài tự động. Đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng đến là những nông trại và vựa trái cây”- cô Trang cho biết.

Sau khi lên ý tưởng, cô và 2 đồng nghiệp nữa là ThS Lưu Hồng Quân và TS Lê Thanh Lành bắt tay vào thực hiện: thiết kế bản vẽ, lập trình, thi công cơ khí, điện… Sau 3 tháng, sản phẩm hoàn thiện và hoạt động được như ý.

“Để ra được sản phẩm hoàn thiện, nhóm đã phải đầu tư chi phí khoảng 60 triệu đồng vì trong quá trình làm cơ khí có nhiều sai sót, phải thay thế, sửa chữa. Trong khi đó, toàn bộ kinh phí nghiên cứu, thi công đều do nhóm tự chi chứ không được hỗ trợ” - cô Trang kể.

Cơ cấu hoạt động của máy rửa và phân loại xoài tự động như sau: xoài được đưa vào máng rửa để rửa sạch sau đó được vớt lên băng lăn. Tại đây, xoài được làm sạch 1 lần nữa nhờ hệ thống nước phun xuống, sau đó được làm khô. Tiếp đó, xoài được chuyển vào bồn xử lý ảnh; hình ảnh các trái xoài sẽ được chụp lại. Nhờ công nghệ học máy, máy có thể xử lý ảnh để phân biệt được màu sắc của quả xoài. Từ đó, máy phân loại xoài theo kích thước, màu sắc rồi chuyển ra băng chuyền rồi các bít tông sẽ đẩy xoài đã được phân loại vào các khay đựng bên ngoài và hoàn tất quá trình phân loại. Toàn bộ quá trình này được thực hiện hoàn toàn tự động.

Quá trình máy hoạt động đều có sự giám sát thông qua màn hình giám sát. Hiện tại, máy có thể phân loại xoài thành 4 loại: xoài chín, xoài ương, xoài xanh và xoài hư cần loại. Ngoài phân loại xoài, nhóm có thể phát triển sản phẩm để phân loại các loại trái cây khác theo những tiêu chuẩn riêng mà khách hàng yêu cầu.

* Khó chuyển giao công nghệ, thương mại hóa

Theo cô Trang, máy phân loại xoài mà nhóm đã làm xong chỉ là mô hình, hoạt động với công suất nhỏ. Nếu các vựa trái cây muốn chuyển giao công nghệ thì có thể đầu tư máy có công suất lớn với chi phí khoảng 150 triệu đồng. 

Máy có tính ứng dụng cao do vậy nhóm rất mong muốn có thể chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay nhóm đang gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp, vựa trái cây. Bên cạnh đó, nhóm cũng muốn được hướng dẫn và hỗ trợ tốt hơn để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ.

“Ngay tại lễ trao giải các phong trào, hội thi của Sở KH-CN và những ngày sau đó, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại để trao đổi về sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn cuộc gọi đều hỏi đến vấn đề công nghệ chứ chưa thống nhất được về khâu chuyển giao. Để sản phẩm có thể chuyển giao được, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý trong khâu kết nối với doanh nghiệp, nhà vườn, vựa trái cây”- cô Trang chia sẻ.

Cũng như cô Trang, từ ý tưởng của mình, cô Dương đã may thử nghiệm 5 chiếc áo mưa. Mặc dù nhìn thấy rõ tính hữu ích của sản phẩm và khả năng ứng dụng cao nhưng cô Dương không biết làm thế nào để quảng bá sản phẩm nhằm thương mại hóa, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Chia sẻ về khó khăn của mình, cô Dương nói: “Mình có ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm xong thì đem đi dự thi luôn chứ không biết làm thế nào để cho người ta biết đến và sử dụng sản phẩm của mình. Mình cũng nhận thấy sản phẩm còn một số điểm chưa hài lòng, nếu được đầu tư, mình sẽ nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm hơn”.

Hải Yến

Tin xem nhiều